Lan tỏa nghĩa cử hiến máu tình nguyện
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, năm 2024, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận hơn 1,7 triệu đơn vị máu. Trong đó, hơn 98% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương): Thống kê của các cơ sở truyền máu năm 2024, cả nước tiếp nhận được hơn 1,7 triệu đơn vị máu và tiểu cầu gạn tách; từ đó đã cung cấp được hơn 3 triệu chế phẩm máu cho hơn 700 cơ sở y tế. Hoạt động tiếp nhận, điều phối và sử dụng máu được thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở vận động và tiếp nhận máu; các chế phẩm máu đảm bảo chất lượng, an toàn, sử dụng hiệu quả cho người bệnh.
Đánh giá về công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới kịp thời và nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Các hình thức truyền thông về hiến máu tình nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phong phú và đa dạng, góp phần thu hút nhiều người tham gia hiến máu. Các chiến dịch truyền thông được đăng tải rộng rãi trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh và mạng xã hội, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích mọi người tham gia, lan tỏa thông điệp ý nghĩa của hành động nhân ái này.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, quản lý, chăm sóc người hiến máu tình nguyện từng bước được quan tâm, triển khai. Các lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện tiếp tục được mở rộng, đó là: Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, các tăng, ni, phật tử, chức sắc tôn giáo…
Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức đồng loạt, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, “Lễ hội Xuân hồng”; chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và “Hành trình Đỏ”; Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày Quốc tế Người hiến máu (14/6)...
“Năm 2024, ngành y tế lần đầu tiên thực hiện ca ghép đồng thời tim, gan cho người bệnh, thực hiện 4 ca ghép phổi - ghép phổi là kỹ thuật ghép khó nhất hiện nay, ghép thành công khí quản… đưa thành tựu ghép tạng của Việt Nam hết sức đáng tự hào. Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế dự phòng ngày càng phát triển với việc nghiên cứu các loại vaccine, nhu cầu về huyết tương ngày càng lớn để sử dụng trong sản xuất các chế phẩm sinh học… Chính sự phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu nên nhu cầu máu cho công tác khám, chữa bệnh ngày càng cao. Năm 2025, toàn quốc phấn đấu, tiếp nhận khoảng 1,85 triệu đơn vị máu; tỷ lệ hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ hiến máu nhắc lại trên 60%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,9%” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.
Để nâng cao hiệu quả công tác hiến máu tình nguyện và đạt được các mục tiêu trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ cùng với các cơ sở truyền máu, Hội Chữ thập đỏ hoàn thiện hơn nữa về thể chế; giao chỉ tiêu hiến máu phù hợp với năng lực và nhu cầu của các địa phương, tăng cường truyền thông trên mạng xã hội bên cạnh các kênh truyền thông chính thống…Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, điều phối việc tiếp nhận, quản lý người hiến máu; không để xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ. Đồng thời xây dựng nguồn người hiến máu thường xuyên, nguồn người hiến máu dự bị, người hiến máu nhóm máu hiếm… đảm bảo cho công tác cấp cứu, khám chữa bệnh. Ban Chỉ đạo các cấp cần đảm bảo các quyền lợi, chế độ cho người hiến máu tình nguyện, có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời để công tác hiến máu tình nguyện phát triển bền vững.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lan-toa-nghia-cu-hien-mau-tinh-nguyen-10298327.html