Lan tỏa những cách làm dân vận khéo ở vùng Đông Nam tỉnh

Thời gian vừa qua, công tác dân vận tại các xã phía Đông Nam tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Dân vận không chỉ gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, mà còn đi vào chiều sâu, gần dân, sát thực tiễn, phát huy rõ vai trò chủ thể của người dân.

Nhờ sự chung sức của người dân, nhiều tuyến đường đã được kiên cố hóa bằng bê tông

Nhờ sự chung sức của người dân, nhiều tuyến đường đã được kiên cố hóa bằng bê tông

Từ những con đường…

Một trong những mô hình tiêu biểu được ghi nhận là điểm sáng trong phong trào “Dân vận khéo” từ cơ sở là mô hình “Vận động Nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông, tuyến đường sáng - an ninh” tại xã Hàm Thuận Nam. Tuyến đường dài 1,9 km tại tổ 5, khu phố Nam Trung trước đây xuống cấp, trũng nước, ban đêm không có đèn, người dân đi lại rất vất vả, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Nắm bắt tâm tư ấy, Ban điều hành khu phố đã mạnh dạn đăng ký mô hình dân vận khéo, xây dựng kế hoạch và họp dân bàn bạc. Chỉ sau vài cuộc họp, gần 200 hộ dân đã thống nhất góp tiền, người có công góp công. Ông Lê Văn Tám - một đảng viên lão thành cho biết: “Khi cán bộ đến nhà vận động, tôi đồng ý ngay. Làm đường là làm cho chính con cháu mình. Không ai lo cho dân bằng chính dân cả”. Với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng, tuyến đường được đổ bê tông, lắp 13 bóng đèn chiếu sáng và camera an ninh. Sau khi hoàn thành, bộ mặt khu dân cư thay đổi rõ rệt. “Từ ngày có đường mới, đèn sáng, tụi nhỏ đi học cũng yên tâm hơn, hàng xóm tối cũng ra đường trò chuyện, vui vẻ hẳn lên”, bà Trần Thị Thủy cười nói.

Để giải quyết tình trạng đi lại khó khăn giữa các vùng trung tâm với những địa bàn xa của các xã như Tân Lập, Hàm Thuận Nam, các địa phương đã phối hợp đầu tư kiên cố hóa tuyến giao thông nông thôn với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Hạ tầng giao thông thuận tiện không chỉ tạo điều kiện vận chuyển nông sản dễ dàng, thúc đẩy việc thu mua của thương lái mà còn góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Đồng hành với đồng bào dân tộc và tôn giáo

Tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số như La Dạ, Hàm Thạnh, Đông Giang, Phan Sơn… công tác dân vận được triển khai linh hoạt, gắn với chương trình sinh kế bền vững, bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp. Các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã được tổ chức thiết thực. Bên cạnh đó, công tác tôn giáo cũng được quan tâm, tạo điều kiện đúng pháp luật. Không chỉ dừng ở các mô hình, phong trào “Dân vận khéo” năm 2025 được các xã đẩy mạnh theo hướng thực chất. Nhiều tổ hòa giải cộng đồng được thành lập, tổ chức hòa giải ngay từ cơ sở, giải quyết mâu thuẫn nhỏ trong xóm làng. Tổ phụ nữ “3 sạch”, đoàn thanh niên bảo vệ môi trường, nhóm nông dân tự quản vùng rẫy… đều hoạt động sôi nổi.

Từ mô hình ở xã Hàm Thuận Nam cho đến những thay đổi sâu sắc ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có thể thấy rằng dân vận không còn là khẩu hiệu. Đó là quá trình kiên trì xây dựng niềm tin bằng sự chân thành, minh bạch, gần gũi. Khi người dân không còn đứng ngoài các chương trình, dự án của Nhà nước mà là người tham gia, đồng hành, thì kết quả đạt được không chỉ là công trình hoàn thành, mà còn là khối đoàn kết được vun đắp. Công tác dân vận ở các xã phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng đang từng bước thấm sâu vào đời sống xã hội, góp phần giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.

TRÂM ANH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/lan-toa-nhung-cach-lam-dan-van-kheo-o-vung-dong-nam-tinh-382811.html