Lan tỏa những tấm gương người khiếm thị 'tàn nhưng không phế'

Trong những năm qua, lời dạy 'Tàn nhưng không phế' của Bác Hồ đã trở thành phương châm hoạt động của các cấp Hội Người mù và cũng là nguồn động lực quý giá, tiếp thêm ý chí, nghị lực cho người khiếm thị Thủ đô vượt lên khó khăn, rào cản để chủ động vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng.

Nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ đến thăm trường Thương binh bỏng mắt, 52 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam, 41 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày 15/4, Cụm thi đua số 2, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm “Những tấm gương người khiếm thị tàn nhưng không phế”.

Ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân, Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 cho biết, lời dạy “tàn nhưng không phế” của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho những người khiếm thị nói chung và người khiếm thị Cụm thi đua số 2 nói riêng trên chặng đường hòa nhập cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, các cán bộ, hội viên của Cụm thi đua số 2 đã luôn nỗ lực thực hiện, áp dụng lời dạy của Bác vào các hoạt động học tập, lao động và trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều cá nhân, tập thể đã trở thành những tấm gương tiêu biểu, là những bông hoa đẹp tỏa ngát hương trong vườn hoa cộng đồng người khiếm thị Thủ đô.

Tại chương trình, những tấm gương người khiếm thị thực hiện tốt lời dạy “tàn nhưng không phế” của Bác Hồ, gồm: Nguyên Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ Nguyễn Gia Đông; Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Đức và hội viên Hội Người mù quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Phương Anh, đã chia sẻ về quá trình vượt qua khó khăn của bản thân, vươn lên để hòa nhập với cộng đồng và góp ích cho gia đình, xã hội.

Nguyên Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ Nguyễn Gia Đông chia sẻ, trong quá trình tham gia chiến tranh, ông bị thương và được đưa về trường Thương binh bỏng mắt. Tại đây, ông đã được nghe lời căn dặn vô cùng ý nghĩa của Bác Hồ “Tùy theo sức của mình, học lấy một nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, tiếp tục giữ vững danh hiệu người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận mới. Như vậy, các chú tàn nhưng không phế”.

Những tấm gương người khiếm thị thực hiện tốt lời dạy “tàn nhưng không phế” của Bác Hồ chia sẻ tại chương trình.

Những tấm gương người khiếm thị thực hiện tốt lời dạy “tàn nhưng không phế” của Bác Hồ chia sẻ tại chương trình.

Lời dạy của Bác Hồ chính là nguồn động viên to lớn để ông cùng với những người thương binh khác vượt lên khó khăn, thách thức để hòa nhập với cộng đồng, tích cực tham gia lao động sản xuất để góp ích cho gia đình, xã hội. Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ, ông đã lan tỏa tinh thần lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế” đến đông đảo cán bộ, hội viên của Hội, giúp họ tự tin hơn và chủ động, tích cực học chữ nổi, học nghề để hòa nhập với cộng đồng, xã hội và đoàn kết, chung sức xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển.

Còn với Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Đức, anh không may mắn khi cùng một lúc mất đi cả đôi mắt và đôi bàn tay. Nhưng với tâm niệm “khả năng của con người là vô hạn” cùng suy nghĩ “khi chúng ta có ý chí không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì chúng ta sẽ cố gắng vươn lên”. Từ đó, anh đã bắt đầu làm từ những việc nhỏ đến những việc lớn hơn để chạm tới thành công.

Qua chương trình, anh Đức đã gửi gắm một thông điệp sâu sắc: “Người khuyết tật luôn mong muốn được xã hội đánh giá đúng khả năng của mình và hãy để người khuyết tật tiến cùng xã hội”.

Chia sẻ tại chương trình, cô gái trẻ Nguyễn Phương Anh, hội viên Hội Người mù quận Bắc Từ Liêm cho biết, bản thân cô hiểu rằng, người khiếm thị có những hạn chế nhất định nhưng nếu luôn cố gắng hết mình, luôn lấy lời Bác dạy “tàn nhưng không phế” làm động lực phấn đấu thì chắc chắn sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

Với suy nghĩ đó, từ một cô bé nhút nhát, thiếu tự tin, Phương Anh đã dần hòa nhập với cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tạo việc làm cho người khiếm thị và trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng người khiếm thị Thủ đô.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lan-toa-nhung-tam-guong-nguoi-khiem-thi-tan-nhung-khong-phe-121477.html