Lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện nơi địa đầu Tổ quốc

Mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân tại tỉnh vùng cao Hà Giang có những hành động, việc làm ý nghĩa, góp sức chống dịch Covid-19.

NDĐT - Mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân tại tỉnh vùng cao Hà Giang có những hành động, việc làm ý nghĩa, góp sức chống dịch Covid-19.

Những ngày này, người dân cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19 với những tình cảm và hành động, việc làm thiết thực. Tại tỉnh địa đầu tổ quốc Hà Giang, dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn một lòng, chung sức cùng chính quyền địa phương phòng, chống dịch. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cho những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ Phạm Lễ Cường, 91 tuổi, ở TP Hà Giang, đã dành dụm số tiền ăn sáng ít ỏi của mình ủng hộ một triệu đồng cho các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm chốt, chặn nơi biên giới. Hơn 20 năm khoác áo “Bộ đội cụ Hồ”, cụ Cường hiểu rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc” và những giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước đã triển khai trong thời gian qua.

Cụ Cường cho biết: “Trong kháng chiến, sức mạnh đoàn kết toàn dân đã đưa đất nước ta chiến thắng kẻ thù xâm lược. Do đó, trong thời bình, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch cũng cần được lan tỏa”. Số tiền cụ Cường ủng hộ công tác phòng, chống dịch đã thể hiện tinh thần “vì nhân dân phục vụ” và trách nhiệm nêu gương cho con cháu của người lính.

Cũng như vậy, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết được sự vất vả của lực lượng chức năng đang nỗ lực chống dịch Covid-19, bà Phạm Thị Lai, 60 tuổi, ở phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang đã ủng hộ một tấn gạo và 10 triệu đồng. Bà Phạm Thị Lai cho biết: “Tôi tình nguyện ủng hộ tiền và gạo cho lực lượng chức năng đang ngày, đêm phòng, chống dịch. Mong muốn sự đóng góp nhỏ bé của tôi góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch dịch Covid-19”.

Những hình ảnh đẹp, chung tay phòng, chống dịch của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã góp phần lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Noi gương thế hệ trước, tuổi trẻ Hà Giang cũng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để tham gia cùng các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, kêu gọi, vận động xã hội hóa kinh phí, nhu yếu phẩm đóng góp cho công tác phòng, chống dịch.

Từ vùng cao biên giới, Huyện đoàn Yên Minh đã kêu gọi đoàn viên, thanh niên và các nhà hảo tâm ủng hộ, thu mua một tấn rau bắp cải “chi viện” cho các khu cách ly tập trung tại Hà Nội. Bí thư Huyện đoàn Yên Minh, Lương Thị Thu Hương cho biết: “Tại các trường nội trú trên địa bàn huyện Yên Minh trong những năm qua đã đẩy mạnh việc tăng gia trồng rau xanh để phục vụ bếp ăn cho học sinh. Nhưng từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh, học sinh nghỉ học nên không sử dụng đến nguồn thực phẩm này. Vì vậy, chúng tôi đã có ý tưởng thu mua lại sản lượng rau xanh của các trường để tặng các khu cách ly tại Trường sĩ quan Lục quân 1 và Trung đoàn 58 Sư đoàn 308 (Hà Nội). Bên cạnh đó, huyện đoàn cũng vận động, tặng hơn 3.000 khẩu trang y tế cho các cơ sở y tế và người dân, cùng các nhu yếu phẩm cho các khu cách ly tại các chốt kiểm dịch nơi biên giới trên địa bàn huyện”.

Cô giáo Vàng Thị Lưu Ly, Trường tiểu học Trần Phú, TP Hà Giang làm video clip hướng dẫn người dân sát khuẩn phòng, chống dịch.

Cô giáo Vàng Thị Lưu Ly, Trường tiểu học Trần Phú, TP Hà Giang làm video clip hướng dẫn người dân sát khuẩn phòng, chống dịch.

Còn cô giáo Vàng Thị Lưu Ly, giáo viên Trường tiểu học Trần Phú, TP Hà Giang, lại có sự đóng góp cho công tác phòng, chống dịch theo cách riêng của mình. Cô Vàng Thị Lưu Ly từng có những năm tháng dạy học trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Vì vậy, thấu hiểu việc vẫn còn nhiều bà con người Mông ở vùng cao chưa thạo tiếng phổ thông, khó tiếp cận các thông tin về dịch Covid-19. Do đó, việc tuyên truyền để bà con nắm được sự nguy hiểm và cách phòng, chống dịch là điều hết sức cần thiết, nhất là khi đa phần đồng bào Mông ở Hà Giang sinh sống ở các huyện biên giới.

Là người dân tộc Mông nên cô giáo Ly làm những video clip tuyên truyền bằng tiếng Mông với nội dung phòng, chống dịch, kêu gọi tinh thần chung tay chống dịch. Nhờ sự đơn giản và hiệu quả của việc tuyên truyền bằng tiếng Mông, những video clip của cô giáo Ly được nhiều người đón nhận, chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các huyện vùng cao của Hà Giang và một số tỉnh có đồng bào Mông sinh sống trong cả nước.

Cô Vàng Thị Lưu Ly chia sẻ: “Những video clip tuyên truyền của tôi có mục đích giúp bà con vùng cao hiểu rõ về dịch bệnh cũng như quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Từ đó mỗi người dân vùng cao ý thức hơn về trách nhiệm của mình, là một chiến sĩ chống dịch như lời kêu gọi của T.Ư và của tỉnh, từ đó chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”.

Hà Giang có hơn 277 km đường biên, tiếp giáp với Trung Quốc, cư dân hai bên thường xuyên qua lại, thăm thân, trao đổi hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ cao dịch lây nhiễm vào địa bàn. Vì vậy, ngay sau Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã tổ chức họp khẩn, triển khai các chỉ đạo của T.Ư và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương. Từ đầu tháng 2, lực lượng biên phòng đã thành lập 38 chốt cố định và tám tổ lưu động phòng, chống dịch trên toàn bộ tuyến biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng dân cư qua lại biên giới trái phép qua các đường mòn, lối mở và kịp thời tiếp nhận, cách ly các trường hợp được phía Trung Quốc trao trả và từ vùng dịch trở về. Để các chốt duy trì trực 24/24 giờ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã bố trí khoảng 140 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng 150 cán bộ là công an, y tế, quân sự cắm “chốt” phòng, chống dịch.

Thấu hiểu những vất vả của cán bộ, chiến sĩ ở tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, nhân dân trong tỉnh đã chung tay ủng hộ tiền và các nhu yếu phẩm cần thiết giúp đỡ, chia sẻ khó khăn. Từ sự quan tâm của nhân dân, các đồ dùng thiết yếu như quạt điện, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, găng tay y tế và các nhu yếu phẩm gạo, rau xanh đã được vận chuyển lên biên giới, kịp thời động viên cho lực lượng phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường cho biết: Sự hy sinh lớn lao của những người trực tiếp trên tuyến đầu là hết sức quan trọng trong công tác ngăn chặn đại dịch. Địa phương đã thường xuyên quan tâm, động viên các lực lượng, nhất là các chiến sĩ biên phòng. Mới đây, huyện khen thưởng đột xuất các chốt, trạm biên phòng vì những cống hiến không biết mệt mỏi trong công tác chống dịch. Đồng thời, vận động nhân dân, các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất cho lực lượng phòng, chống dịch như một tinh thần tiếp lửa để chia sẻ khó khăn với những người ở tuyến đầu”.

Ông Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang cho biết, từ khi tỉnh phát động chương trình “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ tiền mặt, đồ dùng, khẩu trang, thực phẩm thiết yếu.

Tính đến hết ngày 12-4, tổng số tiền ủng hộ được hơn 530 triệu đồng để trao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố hoặc trao trực tiếp cho các chốt, trạm kiểm dịch trên địa bàn tỉnh.

Những việc làm đẹp, đầy nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang theo tinh thần toàn dân chống dịch đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, khơi dậy truyền thống đoàn kết, sẻ chia, đồng lòng, qua đó, khẳng định quyết tâm của tỉnh cực bắc Hà Giang quyết thắng đại dịch Covid-19.

Bài, ảnh: HÀ MẠNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44052102-lan-toa-nh%C5%A9ng-t%C3%A1m-l%C3%B2ng-thi%E1%BA%B9n-nguyen-noi-dia-dau-to-quoc.html