Lan tỏa những việc làm ý nghĩa
Bác Hồ từng nhắc nhở: Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Từ lời nhắc nhở của Người, thông qua công tác 'Dân vận khéo', tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang) thực hiện hiệu quả nhiều phong trào hành động ý nghĩa, góp phần đưa địa phương phát triển...

Ông Năm Dậu (giữa) cùng cán bộ địa phương đến tận nơi tìm hiểu, giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn trong tranh chấp đất của hai hộ dân.
Giai đoạn 2021-2025, phong trào “” đã lan tỏa rộng khắp địa phương. Bằng các hành động giúp đời, giúp người, nhiều tập thể, cá nhân đã nhân lên hàng nghìn việc tốt.
Những người hết lòng vì cộng đồng

Ông Năm Dậu (giữa) cùng ban lãnh đạo ấp Căn Cứ và xã Vĩnh Phong phân tích vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để chuẩn bị đưa ra hòa giải.
Ông Nguyễn Văn Dậu (69 tuổi), ở ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, tỉnh An Giang sinh ra trong một gia đình nông dân đông con. Ông là con thứ năm trong gia đình cho nên được người dân địa phương gọi cái tên thân thương là ông Năm Dậu. “Nhiều người nhắc đến ông Năm Dậu với việc suốt ngày lo những chuyện “bao đồng”. Ông Năm Dậu thường được lãnh đạo xã mời đi giải quyết những chuyện “đại sự”, như giải thích, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thi công các công trình giao thông quan trọng, kể cả tuyến cao tốc bắc-nam đi qua địa bàn”, ông Cô Văn Sữa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Căn Cứ giới thiệu ngắn gọn vài nét về ông Năm Dậu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Năm Dậu cho hay: Ông vừa vận động chị Võ Thị Hậu (ấp Cạnh Đền 1, xã Vĩnh Phong) chấp nhận tiền bồi thường 15 triệu đồng để di dời ngôi miếu do gia đình xây để bàn giao đất cho nhà thầu thi công tuyến lộ Bạch Ngưu chạy qua địa bàn xã. Trước đó, đơn vị thi công, ban lãnh đạo ấp Cạnh Đền 1, lãnh đạo các ban, ngành và đoàn thể của xã Vĩnh Phong đến vận động, lên phương án bồi thường nhưng chị Hậu không chấp thuận. Lý do chị Hậu đưa ra là ngôi miếu này gắn bó nhiều kỷ niệm với gia đình. “Tuy nhiên, tôi nói với chị Hậu là nếu ai cũng vì cái riêng thì sẽ không có con đường đi qua địa bàn, kèm theo đó là kinh tế, văn hóa, xã hội địa bàn sẽ chậm phát triển... Nghe tôi nói có tình, có lý, Hậu chấp nhận”, ông Năm Dậu kể.
Cách đây chưa lâu, ông Năm Dậu là người hàn gắn thành công mâu thuẫn giữa hai người hàng xóm cùng ấp Cạnh Đền 2, xã Vĩnh Phong chỉ vì tranh chấp việc lắp đặt ống nước chảy ra con kênh Bạch Ngưu. “Tôi dẫn hai người ra đường ống nước phân tích. Đây là cống thoát nước chung, rồi bảo cả hai cùng lắp đặt ống xuống một lượt, ngay chính giữa ranh đất, không ai bị thiệt thòi. Vì thế cả hai vui vẻ, mọi việc xong xuôi”, ông Năm Dậu chia sẻ.

Cầu An Trụ, xã Gò Quao do ông Danh Hùng (giữa) thiết kế, xây dựng.
Ở xã Gò Quao, tỉnh An Giang nhiều người biết và kể nhiều về ông Danh Hùng (66 tuổi) một kỹ sư không chuyên, nhưng đã xây được hàng chục cây cầu tình nghĩa. “Kỹ sư” Danh Hùng đã đầu tư xây gần 50 cây cầu bê-tông bắc qua nhiều con kênh, rạch giúp nhiều người đi lại dễ dàng. “Mỗi lần xây cầu hay làm nhà từ thiện, ông Hùng vận động người thân trong gia đình trước, rồi mới vận động các nhà hảo tâm. Ông không vận động tiền, mà chỉ vận động vật liệu xây dựng, ngày công lao động của người dân gần nhà và tại địa bàn thụ hưởng công trình”, ông Dương Đẹp, người làm cùng ông Danh Hùng cho biết.
Theo thống kê, từ năm 1985 đến nay, ông Hùng vận động các nhà hảo tâm, phối hợp chính quyền địa phương xây mới được 50 cây cầu, trung bình từ 40 đến 100 triệu đồng/cây cầu. Tại mỗi cây cầu xây dựng, ông Hùng huy động khoảng 12 đến 13 người, thậm chí gần 50 người tham gia (khởi công, đổ trụ bê-tông).
Theo thống kê, từ năm 1985 đến nay, ông Hùng vận động các nhà hảo tâm, phối hợp chính quyền địa phương xây mới được 50 cây cầu, trung bình từ 40 đến 100 triệu đồng/cây cầu. Tại mỗi cây cầu xây dựng, ông Hùng huy động khoảng 12 đến 13 người, thậm chí gần 50 người tham gia (khởi công, đổ trụ bê-tông). Tất cả ngày công, ăn uống do ông vận động người thân, người dân địa bàn hưởng thụ công trình đóng góp. “Ông Danh Hùng siêng năng, thật thà, tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo. Cầu do ông Hùng thiết kế, xây dựng có kinh phí thấp nhưng rất vững chắc. Mỗi cầu xây xong, ông Hùng công khai kinh phí vận động xây dựng rõ ràng, để dân giám sát”, bà Lưu Thị Hạnh, ngụ ấp An Phước, xã Gò Quao cho biết.
Lan tỏa việc tốt, xây dựng quê hương

Lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang (cũ) tham gia xây cất nhà cho dân trong chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Thực hiện Chỉ thị số 33/CTTTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, tỉnh Kiên Giang (cũ) thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị giai đoạn 2021-2025 đạt nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật có phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Thời gian qua, đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác” trong thời bình. Giai đoạn 2021-2025, đơn vị vận động, triển khai xây dựng mới 64 căn nhà Đồng đội, 9 căn nhà Nghĩa tình đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ và bộ đội phục viên xuất ngũ, 54 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền trên 4,3 tỷ đồng. Đáng kể, mô hình “Tết quân-dân” đầm ấm nghĩa tình của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong giai đoạn này, với tổng kinh phí hơn 726 tỷ đồng, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân-dân.
Thực hiện cao điểm Chương trình do Chính phủ và tỉnh phát động, đến cuối tháng 4/2025, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chung tay xây dựng và bàn giao 400 căn nhà cho những hộ khó khăn về nhà ở. Có gần 2.500 lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tham gia giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình xây dựng nhà với hơn 5.000 ngày công lao động.

Lực lượng dân quân tỉnh Kiên Giang tham gia xây cất nhà cho dân trong chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh góp tiền lương, phụ cấp, vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ vật dụng sinh hoạt ủng hộ dân vào nhà mới với số tiền hơn 450 triệu đồng. “Mỗi căn nhà được bàn giao cho các hộ dân không chỉ là tổ ấm mới, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, mà còn là tình cảm, sự sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đối với nhân dân”, đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chia sẻ.
Nhiều phong trào “Dân vận khéo” như: “Hãy làm sạch biển”, “Hũ gạo tình thương”, “Điểm tựa tình thương nơi biên giới”, “Con nuôi Biên phòng”,…; các phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… thật sự lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống cộng đồng.
Từ hiệu quả của công tác dân vận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tính đến cuối tháng 4/2025, tỉnh đã hoàn thành chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 3.618 căn nhà, tổng trị giá hơn 213 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo cải thiện về điều kiện nhà ở, có ngôi nhà khang trang, bền chắc, “an cư lạc nghiệp”.
“Công tác dân vận khéo, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hưởng ứng tích cực từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và nhân dân, đến nay, tỉnh hoàn thành chương trình. Đây là món quà hết sức ý nghĩa, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và là tấm lòng của các ngành, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm trao cho bà con khó khăn về nhà ở”..., đại diện lãnh đạo tỉnh chia sẻ.
Trong 5 năm (giai đoạn 2021-2025), tỉnh đã công nhận 1.446 mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh; 7.999 mô hình cấp cơ sở. Các mô hình đã tác động, tạo nên bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của tỉnh, giúp địa phương có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, và đô thị chuyển biến tích cực. Kinh tế phát triển, các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay, địa phương có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 58% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-nhung-viec-lam-y-nghia-post892058.html