Lan tỏa phong trào lập thân khởi nghiệp trong thanh niên vùng cao Lai Châu
Từ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên ở địa phương miền núi này.
Lập thân, khởi nghiệp đang là trăn trở, khát vọng của tuổi trẻ cả nước, trong đó có tuổi trẻ các dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Dù quá trình khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng các đoàn viên, thanh niên luôn lấy đó làm động lực để vượt qua.
Sinh ra và lớn lên trong vùng đồng bào dân tộc Thái, ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, ngay từ nhỏ, cậu bé Phan Thanh Quang ở tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên đã đam mê khám phá các cây trồng, con giống mới. Sau khi theo học ngành nông nghiệp trở về địa phương, Quang đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp sạch với các loại cây ăn trái là ổi, nhãn, bưởi, thanh long... Đến nay ở tuổi ngoài 30, anh đã là chủ nhân của 3 sản phẩm quả được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Anh Phan Thanh Quang chia sẻ, từ thành công bước đầu của mô hình cây trồng tổng hợp, anh tiếp tục phát triển thêm nghề chăn nuôi. Với ít vốn tích cóp sẵn có, tháng 4/2022 anh mạnh dạn vay thêm 1 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng chuồng nuôi bò sinh sản. Đến nay, đàn bò đã tăng lên hơn 150 con và mô hình kinh tế tổng hợp của anh đã cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
“Ban đầu bản thân gặp khó khăn về nguồn vốn và kiến thức, dù có đi học về nông nghiệp nhưng chưa chuyên sâu. May mà được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Đoàn thanh niên đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi. Sự hỗ trợ hiện nay vẫn tồn tại đánh giá chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra đưa sản phẩm ra thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu”, anh Quang cho biết.
Cùng chung ý chí và khát vọng làm giàu, 7 thanh niên dân tộc Thái tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) nhiều năm qua đã mạnh dạn khởi nghiệp từ lợi thế lòng hồ thủy điện ở địa phương. Sau khi thành lập HTX Thanh niên Mường Mô, có hậu thuẫn của người thân, các thành viên đã vay vốn đầu tư nuôi 15 lồng cá và xây dựng 2 nhà nổi phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm ẩm thực dân tộc của du khách.
Nhờ không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng phục vụ và tận dụng nền tảng mạng xã hội để quảng bá, bình quân mỗi tháng HTX đã đón tiếp và phục vụ từ 25 - 30 đoàn khách đến thăm quan, trải nghiệm. Thành công từ mô hình kinh tế mới này tại xã Mường Mô đã tạo niềm tin và truyền cảm hứng cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện mạnh dạn lập thân, lập nghiệp.
Anh Lò Văn Duy, thành viên HTX Thanh niên Mường Mô cho biết, mô hình trước đây gặp khó khăn về đầu ra, nhưng hiện tại đã có thêm các dịch vụ và lấy chính sản phẩm cá để phục vụ cho nhà hàng nổi trên sông, nên đầu ra phần nào được cải thiện. “Mong muốn của HTX là sẽ có một cơ chế, chính sách nào đó hỗ trợ thanh niên được nhiều hơn, làm sao cho đầu ra của sản phẩm được ổn định để những người khởi nghiệp yên tâm”, anh Duy nói.
Lai Châu hiện có gần 129.000 thanh niên, chiếm hơn 23% dân số toàn tỉnh, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chiếm tới gần 86%. Với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, thanh niên Lai Châu đang dần hiện thực hóa ý tưởng, khát khao làm giàu trên đồng đất quê hương. Ngoài tập trung nguồn lực kinh tế hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua tổ chức dạy nghề, khởi sự DN, các đoàn viên thanh niên còn được tư vấn kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay tại Lai Châu đã có 58 dự án khởi nghiệp của thanh niên được các cấp hội đoàn hỗ trợ và duy trì hoạt động hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có trên 200 mô hình, 36 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, với các ngành nghề hoạt động như nông, lâm, ngư nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; xây dựng và kinh doanh dịch vụ.
Tại huyện Than Uyên - địa phương có phong trào thanh niên khởi nghiệp nổi bật nhất toàn tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn đã hỗ trợ thành lập 11 HTX thanh niên, với hơn 110 thành viên; 11 sản phẩm sản xuất ra do thanh niên làm chủ đạt chuẩn OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm có tiềm năng để trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Anh Đỗ Văn Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, bản thân rất khao khát và kỳ vọng thanh niên huyện Than Uyên nói riêng và thanh niên tỉnh Lai Châu có thể khơi dậy được khát vọng vươn lên khởi nghiệp, lập nghiệp. “Các thanh niên sẽ cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xây dựng chương trình phát triển kinh tế. Từ đó đưa các sản phẩm tiềm năng, đặc sản, các sản phẩm bản địa vươn ra những thị trường lớn; hình thành những sản phẩm có tính cạnh tranh cao và mang dấu ấn của thanh niên Lai Châu”, anh Tuấn hi vọng.
Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường - niềm tin mạnh mẽ đó đang được thanh niên ở tỉnh biên giới Lai Châu nỗ lực, cụ thể hóa trên con đường lập thân, lập nghiệp. Hiệu quả của các mô hình kinh tế do thanh niên nơi đây làm chủ đã, đang từng bước khẳng định những đóng góp quan trọng của thế hệ trẻ hôm nay vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.