Lan tỏa phong trào phòng chống rác thải nhựa trong trường học
Giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh về nguy cơ, tác hại của rác thải nhựa trong trường học là giải pháp hiệu quả và thiết thực.
Chiều 21/12, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đồng Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, nhà trường vừa tổ chức chuyên đề “Dạy lồng ghép nội dung giảm rác thải nhựa vào các môn học và hoạt động giáo dục”.
Sau khi nghiên cứu lý thuyết của chuyên đề do cô giáo Lê Thị Hồng Phượng trình bày, toàn thể giáo viên tham dự giờ học Tiếng Việt của lớp 3.4.
Khi lên lớp, cô Nguyễn Thị Hợi vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức nhằm làm rõ nội dung bài học, tránh sự nhàm chán cho học sinh. Những câu đố dí dỏm, hài hước của cô giúp các em phát huy được sức mạnh và trí tuệ tập thể.
Từ hướng dẫn của cô Hợi, học sinh tự tin kể những hành động từng làm để bảo vệ môi trường. Điều dễ nhận thấy là các em có sự hiểu biết nhất định về tác hại của rác thải nhựa, biết việc cần làm để giảm thiểu tác hại đó, đồng thời đề xuất những ý tưởng nhằm hạn chế việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong lớp học, trường học.
Giáo viên tham dự giờ học có cơ hội quan sát mọi hoạt động trong lớp, lắng nghe những chia sẻ của học sinh, đánh giá xem các em vận dụng kiến thức như thế nào, cách tổ chức lớp học phù hợp chưa. Tất cả những vấn đề trên được giáo viên phân tích, thảo luận sôi nổi. Từ đó, đề xuất hình thức dạy học tích hợp, lồng ghép nội dung “Giảm rác thải nhựa” vào các môn học phù hợp, linh hoạt và hiệu quả.
Chuyên đề đã giúp giáo viên thấy được việc dạy lồng ghép nội dung giảm rác thải nhựa vào các môn học và hoạt động giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen bảo vệ môi trường từ sớm cho các em học sinh tiểu học vì lứa tuổi này đang trong giai đoạn hình thành nhân cách và thói quen sống.
Cũng theo lãnh đạo Trường Tiểu học Đồng Phú, việc giáo dục cho các em về tác hại của rác thải nhựa giúp các em sớm nhận thức mối nguy hại mà rác thải nhựa gây ra cho môi trường và sức khỏe con người, từ đó các em hình thành ý thức trách nhiệm với thiên nhiên và cộng đồng. Các em chính là cầu nối truyền tải thông điệp đến cha mẹ, gia đình và những người xung quanh.