Lan tỏa phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'
Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' trên địa bàn huyện Sơn Dương đã có sức lan tỏa rộng khắp, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, để phong trào có sức lan tỏa rộng, tạo khí thế sôi nổi trong toàn dân, các thành viên ban chỉ đạo của huyện đã xây dựng kế hoạch, lồng ghép xây dựng đời sống văn hóa với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong đó, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước để làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngay từ đầu năm, các cơ quan, ban ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt việc đăng ký danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa. Huyện đã ban hành công văn hướng dẫn các xã đăng ký, kiểm tra xét đề nghị công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 49.597/54.652 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 92%.
Xã Vĩnh Lợi là 1 trong 2 xã của huyện phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới năm 2019. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã nói, xác định kinh tế có phát triển thì đời sống vật chất, tinh thần người dân mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế. Đến nay, toàn xã có 10 mô hình phát triển kinh tế trang trại VACR, 40 mô hình kinh tế tổng hợp; 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ; trên địa bàn xã gần khu công nghiệp Long Bình An, Công ty may... thu hút gần 200 lao động mỗi năm, với mức thu nhập bình quân đạt từ 4 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đầu năm 2019 có 211 hộ, chiếm 9,5%, đến cuối năm giảm xuống còn 165 hộ nghèo, chiếm 7,5%. Đời sống vật chất nâng cao, người dân tích cực đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa ở địa phương. Hiện toàn xã đã xây dựng mới 16 nhà văn hóa thôn, bản theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, trong đó từ nguồn xã hội hóa trên 1 tỷ đồng. Toàn xã có 18 sân bóng chuyền hơi, mỗi thôn thành lập 1 đội văn nghệ xung kích. Các lễ hội, trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống được duy trì, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
Ở những xã có thôn, bản sáp nhập việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đặc biệt được chú trọng. Ông Dương Việt Hùng, Trưởng thôn Tân Phú, xã Thiện Kế cho biết, thôn có 131 hộ với 562 nhân khẩu, đây là thôn duy nhất của xã được sáp nhập từ thôn Tân Dân và Ấp Nhội, đa số là đồng bào dân tộc Dao và Sán Dìu. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban công tác mặt trận thôn đặc biệt chú trọng việc xây dựng gia đình văn hóa, coi đây là nền tảng để xây dựng phong trào. 100% hộ dân đều đăng ký và chấp hành đầy đủ quy định, nhất là việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục trong gia đình, nuôi dậy con cái trưởng thành. Người dân trong thôn luôn đoàn kết, nhắc nhở nhau duy trì mỗi tuần tổ chức một buổi lao động vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng gần 3 km đường hoa; xây dựng 2 câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Dao và Sán Dìu... Qua bình xét năm 2019, thôn có 90% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.
Đến nay, toàn huyện có 30/33 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 369 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 92,3%; có 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Toàn huyện hiện có 495 đội văn nghệ và 39 câu lạc bộ văn nghệ, thu hút trên 8.500 thành viên tham gia; 881 đội thể thao cơ sở, 65 câu lạc bộ thể dục thể thao thu hút trên 9.464 vận động viên, tỷ lệ người tham gia tập thể thao thường xuyên đạt trên 29%. Với những kết quả đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu dân cư, tinh thần đại đoàn kết trong nhân dân được tăng cường. Từ đó, các tệ nạn xã hội, hủ tục mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.