Lan tỏa phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận, tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần xây dựng và củng cố nếp sống văn hóa mới trong Nhân dân.

Một tiết mục văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội văn hóa quân dân ở khu dân cư Nguyễn Xá, phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào)

Xã Bình Minh là điểm sáng trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện Khoái Châu. Hiện nay 3/3 thôn của xã đều được công nhận, giữ vững và phát huy tốt danh hiệu “Làng văn hóa” qua các năm. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội ở địa phương có chuyển biến tích cực. Xã có 2 ngôi đền Đa Hòa và Liên Hoa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, vào dịp lễ hội, Ban tổ chức xây dựng quy chế hoạt động lễ hội cụ thể bảo đảm các hoạt động dâng hương, tế lễ diễn ra an toàn, lành mạnh kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian làm cho không khí lễ hội sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm sự trang nghiêm, tạo nét đẹp văn hóa có tính giáo dục cao trong cộng đồng. Ngoài duy trì, nâng cao chất lượng danh hiệu làng văn hóa, xã đặc biệt chú trọng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Các câu lạc bộ như ca trù Bình Minh, câu lạc bộ cựu chiến binh phòng, chống tệ nạn xã hội, câu lạc bộ thơ của người cao tuổi… được duy trì sinh hoạt đều đặn, thu hút nhiều người tham gia. Công việc của làng, xã đều được đưa ra để dân bàn bạc, thống nhất. Người dân tin tưởng, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, thực hiện tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Song song với tập trung hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn, phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) luôn chú trọng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đồng chí Phạm Văn Phúc, Chủ tịch UBND phường Nhân Hòa cho biết: Để góp phần xây dựng thị xã Mỹ Hào trở thành đô thị văn minh, văn hóa, địa phương duy trì có hiệu quả tuyến phố trật tự, văn minh, đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh ở các tuyến đường, tuyến phố ký cam kết thực hiện nghiêm túc quy định về trật tự đô thị, an toàn giao thông, mỹ quan, văn minh đô thị để nhân rộng mô hình, tạo sức lan tỏa, hiệu quả. Hàng tuần, hàng tháng, các khu dân cư đều tổ chức ra quân làm tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh đường giao thông, chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp... Từ xây dựng và duy trì nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân và chất lượng cuộc sống đô thị, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường.

Không chỉ ở những điểm sáng như xã Bình Minh và phường Nhân Hòa mà phong trào TDĐKXDĐSVH có sức lan tỏa đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ðể phong trào phát triển có chiều sâu và hiệu quả thiết thực, Sở đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch cụ thể, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả phong trào. Các nội dung, tiêu chí đều gắn với thực tế cuộc sống, từ đó người dân thấy được ý nghĩa thiết thực mà phong trào mang lại nên càng tích cực hưởng ứng tham gia. Nhờ đó, Hưng Yên là một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước về thành tích thực hiện xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được gìn giữ, phát huy, lối sống mới từng bước được hình thành. Diện mạo các khu dân cư ngày càng khang trang, hạ tầng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng phát triển hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 120 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa độc lập (chiếm 74,5%); 732 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa độc lập (chiếm 88%). Cùng với đó, các di sản văn hóa được quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển; việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện theo đúng quy định; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh mới có 28,4% số làng, khu phố văn hóa, 55% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến hết năm 2022 có 89,7% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; 92% gia đình văn hóa; 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Những kết quả của phong trào đã giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/lan-toa-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dungdoi-song-van-hoa-2762cd3/