Lan tỏa quyết tâm chung tay phòng, chống dịch Covid-19

Trong những ngày này, cả hệ thống chính trị thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi hệ thống chính trị và nhân dân chung tay, đồng lòng, công tác phòng, chống dịch nhất định thành công.

Cùng đồng lòng đẩy lùi Covid-19

Mới đây, hình ảnh một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở thành phố Hồ Chí Minh cặm cụi may khẩu trang vải hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh khiến nhiều người xúc động. Hình ảnh này có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Đó là mẹ Ngô Thị Quýt, 95 tuổi, trú tại địa chỉ số 92/19/4 đường Huỳnh Khương An, phường 5, quận Gò Vấp. "Trong lúc cả nước phòng, chống dịch, ai có gì góp nấy, không góp của thì góp công. Tôi còn sức còn làm, làm tới đâu hay tới đó”, mẹ Ngô Thị Quýt nói.

Những ngày qua, anh Võ Quốc Bình (nhà số 57 đường Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1) đã phát khoảng 15.000 khẩu trang y tế miễn phí cho người dân có nhu cầu. Nói về việc làm của mình, anh Võ Quốc Bình ví von: "Một cây làm chẳng nên non... Vì thế, mỗi người góp một chút thì công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 chắc chắn sẽ thành công".

Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổ trưởng tổ dân phố 23, phường Tân Kiểng, quận 7 cho biết, ngay từ khi dịch bệnh có chiều hướng bùng phát cách đây hơn 2 tuần, bà và các thành viên trong tổ dân phố 23 đã tiến hành rà soát các trường hợp người Việt Nam và nước ngoài trở về, sinh sống tại địa phương. Công việc tuy bận rộn nhưng tất cả đều động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, đã liệt kê được l4 người về từ Mỹ và 2 người về từ Trung Quốc để thông báo cho chính quyền địa phương.

Trong khi đó, từ khi ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của thành phố cách đây hơn một tuần, hình ảnh dân quân, thanh niên xung phong, những người tình nguyện phục vụ liên tục, không kể ngày đêm ở đây đã khiến nhiều người xúc động. Ông Phùng Quán, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông tin: "Hiện ở khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 300 tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ. Đội ngũ này phân chia ca trực chặt chẽ, làm việc suốt ngày đêm để phục vụ người cách ly được chu đáo và an toàn nhất".

Không chỉ các cá nhân, đơn vị, những ngày này, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm công suất, hiệu quả công việc để người lao động làm việc trực tuyến tại nhà. Trong khi đó Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, từ ngày 25-3 đến 31-5-2020, mỗi ngày tập đoàn trích 300 triệu đồng để ủng hộ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Còn Tập đoàn Novaland cũng đã đóng góp gần 6 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương...

Có thể thấy, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đã lan tỏa trong cộng đồng và nhận được sự đồng lòng, đoàn kết rất cao của các tầng lớp nhân dân.

Không chủ quan, lơ là

Tính đến hết ngày 25-3, thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung cách ly 9.410 trường hợp, cách ly tại nhà và nơi cư trú 1.227 trường hợp. Trước tình hình này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Bằng mọi giá, thành phố phải kiểm soát được dịch bệnh, khống chế càng ít người bị nhiễm Covid-19 càng tốt", ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.

Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Y tế (cơ quan thường trực) và Trưởng ban Chỉ đạo 24 quận, huyện tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết liệt hơn nữa trong những ngày tới. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các cấp, ngành cần hết sức vững vàng, không chủ quan, lơ là; đồng thời tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch.

Để thực hiện chỉ đạo này, ông Tô Minh Hiếu (cán bộ Ban Thanh niên trường học Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành đoàn vừa thành lập đội hình hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 gồm hơn 200 chiến sĩ là các y bác sĩ trẻ, nhân viên các bệnh viện, phòng khám, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố và các trường có đào tạo về ngành y. Đội hình tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tham gia đội xung kích, bạn Đỗ Phạm Nguyệt Thanh - sinh viên năm thứ sáu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đầy tự tin: “Ngoài góp sức điều tra dịch tễ, tờ khai y tế, tụi em còn có thể tham gia các công tác chuyên môn ở mức độ phức tạp hơn. Em và các bạn luôn sẵn sàng”.

Những ngày này, có thể cảm nhận rõ tinh thần tham gia cùng những việc làm thiết thực của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, người dân thành phố Hồ Chí Minh. Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hằng, Tổ trưởng tổ dân phố 23, phường Tân Kiểng, quận 7 thì: “Chúng tôi cố gắng và sẽ nỗ lực tối đa bằng tất cả trách nhiệm công dân của mình để thành phố không trở thành gánh nặng trong công tác phòng, chống dịch của cả nước như có lần Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập”.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/962419/lan-toa-quyet-tam-chung-tay-phong-chong-dich-covid-19