Lan tỏa sức sống trường tồn giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là sự dấn thân cho sức sống dân tộc và nhân loại. Sức sống đó từ trong văn hóa, từ những giá trị mà Bác để lại.

Ngày 24/11/2021, tại Phòng Diên Hồng Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội) diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời thể hiện sự tiếp nối quá trình đưa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vào cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân Nhà máy 1/5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp, ngày 19/12/1963 (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân Nhà máy 1/5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp, ngày 19/12/1963 (Ảnh tư liệu)

Nguyên khí quốc gia chính là giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là sự dấn thân cho sức sống dân tộc và nhân loại. Sức sống đó từ trong văn hóa, từ những giá trị mà Bác để lại.

Mỗi một dấu mốc cuộc đời của Bác là một tín hiệu phản ánh điều đó. Dấu ấn đó thường gắn với mùa Xuân của đất nước.

Hồ Chí Minh cũng như bao người khác, cũng là một tiểu vũ trụ. Thường mỗi tiểu vũ trụ bị chế ngự bởi quy luật THÀNH - TRỤ - HOẠI - DIỆT.

Ở tiểu vũ trụ, riêng về mặt sinh học, theo quy luật SINH - LÃO - BỆNH - TỬ thì thế giới của con người có ba bước chuyển: Một là, vĩnh viễn không còn về sinh học; hai là, cũng không còn về văn hóa, nghĩa là người đó còn về sinh học nhưng coi chẳng ai còn biết người đó còn ở trên đời này nữa; ba là, không còn về mặt sinh học nhưng vẫn để lại tiếng thơm cho đời, nói theo ý của Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì đó là người thác là thể phách còn là tinh anh.

Cho đến Xuân này, Bác Hồ đã đi xa 53 năm. Nếu tính từ khi Bác về nước năm 1941 đã là 81 năm. Sự DIỆT của tiểu vũ trụ cũng như sự TỬ của sinh học đối với bản thân Hồ Chí Minh lại không phải là dấu chấm hết, mà chính là trở lại THÀNH và SINH.

Đó chính là nguyên thần, là nguyên khí vĩnh hằng. Nguyên khí quốc gia có trong tố chất con người Hồ Chí Minh, do đó, đích thị là những giá trị văn hóa.

Sự khát vọng, hoài bão - giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Trong suốt cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh gánh trên vai một gánh nặng, rất nặng: Làm một người great (kiệt xuất) giữa thời đại đầy hỗn mang của thế kỷ XX, thế kỷ đấu tranh phi thực dân hóa để xóa đi một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử loài người; thế kỷ có cả những vòng nguyệt quế của những người chiến thắng và có cả những xác người chất chồng, của núi xương sông máu bởi chiến trận, mà lớn nhất là Thế chiến I và II.

Vì phải gánh nặng như thế cho nên chắc chắn Hồ Chí Minh phải có khát vọng, hoài bão cực lớn. Khát vọng, hoài bão đó không phải là làm cho bản thân giàu có về vật chất, được ăn ngon, mặc đẹp, có nhà cao cửa rộng, nhà lầu xe hơi, vợ con đề huề, có quyền cao chức trọng… mà là những cái khác, hoàn toàn khác, như Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Hối hận thì không. Nhưng tiếc thì có. Không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy cao sang… mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Hai tháng trước khi qua đời, Hồ Chí Minh trả lời nữ phóng viên Mácta Rôhát của báo Granma (Cuba): “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.

Hồ Chí Minh tâm sự với nữ nhà báo này rằng: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Trên đời này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thật chưa thấy có thuật toán cộng gộp lạ kỳ đến thế! Hồ Chí Minh còn nói rằng, những khi bản thân mình phải ẩn nấp nơi núi non, vào tù của đế quốc, phong kiến cũng là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho đồng bào.

Tháng 1/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch nước của mình, Bác nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào.

Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui.

Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Là người kiệt xuất nhưng Hồ Chí Minh lại hiện hữu trong thế gian như một người bình thường mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào thuộc bất cứ giai - tầng nào đều cũng thấy một chút ít bóng hình của bản thân mình trong đó.

Kiệt xuất sinh ra, đi cùng sự giản dị và ngược lại, giản dị làm nên kiệt xuất của Hồ Chí Minh. Đó chính là sắc màu lung linh của giá trị văn hóa.

Đó cũng chính là biểu đạt của sự thẩm thấu cũng như sự lan tỏa của chính giá trị văn hóa, là một trong những biểu đạt của hệ giá trị con người Việt Nam chân chính.

Bản lĩnh kiên cường - giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh trải qua nhiều sóng gió: Một lần bị án tử hình vắng mặt do Tòa án Nam Triều ở tỉnh lỵ Vinh, Nghệ An tuyên cuối năm 1929; một lần bị tù bởi chính quyền Anh tại Hong Kong năm 1932 - 1933; một lần bị tù bởi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc năm 1942 - 1943; nhiều năm bị Quốc tế Cộng sản (các khóa VI, VII) và nhiều yếu nhân trong Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu sai về mình…

Điều đáng nói nhất ở đây là Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều sóng gió, chủ động, tích cực tôi rèn để trưởng thành.

Cả cuộc đời của Bác chỉ nhằm một cái đích là cùng nhân dân đấu tranh giành độc lập thật sự cho Tổ quốc, xây dựng một đất nước hùng cường, trong đó mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, mọi người trên trái đất đều được sống trong hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển.

Đó là cái đại sự trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Mọi cái khác còn lại đều là tiểu tiết. Vì thế, Hồ Chí Minh biết gạt mọi khó khăn, trở ngại, không sờn lòng trước mọi khổ ải.

Cũng vì thế mà ở Hồ Chí Minh có một tấm lòng quả cảm, một sự quyết tâm vô cùng tận, một tấm lòng bao dung, vị tha, một đại nghĩa phi thường, một trí lực dồi dào, một nhân cách đặc biệt.

Đức dày - giá trị văn hóa phát triển

Triết lý phát triển Hồ Chí Minh là triết lý phát triển qua sự biến đổi các vấn đề nhân sinh theo chiều hướng tốt đẹp, mà nội dung chủ yếu chính là tu dưỡng và thực hành đạo đức.

Sự biểu hiện đạo đức của Hồ Chí Minh là không gượng ép, không sắp đặt. Nó biểu đạt của những điều hướng thiện, quy thiện, tôn lên cái đẹp của con người, làm cho con người có sự khát khao cháy bỏng vươn tới tự do thuần khiết trong cái chế định của vũ trụ.

Lạ thay, trong di sản Hồ Chí Minh có sự bác ái của Thiên chúa giáo, từ bi hỷ xả mỹ diệu của Phật gia, sự hòa đồng vũ trụ của Lão giáo, rồi có cả những viên ngọc từ các học thuyết, từ các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế gian…

Nhưng, con người Hồ Chí Minh không phải là con số cộng của những cái đó mà là sự tổng hòa, là sự kết đúc, chưng cất tất cả lại thành một, thành cái riêng mang tên Hồ Chí Minh.

Văn hóa, xét về một mặt chính yếu hàm nghĩa của nó, chính là sự hiểu biết về con người để đối nhân xử thế.

Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài trong một con người, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì đức là gốc. Có thể có người cho rằng, bây giờ chỉ cần có tài, có tài thì quẳng đâu cũng sống được, do vậy làm ăn kinh tế không cần đạo đức.

Ý kiến đó là sai lầm vì đã tách văn hóa ra khỏi mọi mặt của đời sống xã hội. Mọi sự phát triển đều dựa trên một cái nền văn hóa.

Thế giới càng phát triển thì người ta càng báo động mạnh hơn về tính bền vững của sự phát triển, về sự mất đi tính văn hóa, về sự nhạt nhòa cốt cách của từng dân tộc, về sự tha hóa của chính bản thân con người.

Bởi thế cho nên Đại thi hào Nguyễn Du mới viết trong Truyện Kiều rằng: “Có tài mà cậy chi tài/Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”; rằng: “Thiện tâm ở tại lòng ta/Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Hồ Chí Minh hóa thân vào dân tộc và nhân loại cần lao với những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất. Đạo đức của Hồ Chí Minh có sức lay động, đi vào tận tâm khảm của những người chân chính, biến thành sức sống cho con người trở về cái bản ngã của vũ trụ.

Thông điệp của Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trực chỉ một điều rất cơ bản rằng: Văn hóa chính là nền tảng của toàn xã hội chứ không chỉ là nền tảng tinh thần; rằng, văn hóa chính là thực thể vĩnh hằng của loài người, mọi thể chế có thể không còn, nhưng cái còn lại mãi là cốt cách văn hóa.

Xem thế thì mùa Xuân phát triển của của đất nước Việt Nam chính là trở lại những giá trị văn hóa của Hồ Chí Minh.

GS. TS. Mạch Quang Thắng
Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lan-toa-suc-song-truong-ton-gia-tri-van-hoa-ho-chi-minh-d540985.html