Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

Từ những phế thải, rác thải trong sinh hoạt, các em Lương Minh Tân và Trương Yến Nhi, học sinh Trường THCS 8/4 Mộc Châu và Lò Thành Long, Trường TH-THCS Chiềng Ngần B, Thành phố, đã làm thành bức tranh nghệ thuật “Cô gái Hà Nhì” sống động và đã đoạt giải nhất lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường, tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 6, năm 2023.

Bức tranh “Cô gái Hà Nhì” đoạt giải nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 6, năm 2023.

Bức tranh “Cô gái Hà Nhì” đoạt giải nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 6, năm 2023.

Chia sẻ về lý do tạo sản phẩm, em Lương Minh Tân, Trưởng nhóm, cho biết: Mặc dù học tập tại các địa phương khác nhau, nhưng chúng em đều sinh ra và lớn lên tại huyện Mộc Châu. Là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới, Mộc Châu thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng khá đông, theo đó lượng rác thải cũng ngày một nhiều, tác động không tốt đến môi trường xung quanh. Chúng em nghĩ đến việc tận dụng những phế thải bỏ đi của người dân và du khách để tạo ra những sản phẩm ý nghĩa, với mong muốn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tháng 3/2023, các thành viên trong nhóm đề xuất ý tưởng với nhà trường, nhận được sự đồng tình và hướng dẫn tích cực của các thầy cô. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân, giáo viên Trường THCS 8/4 Mộc Châu, người trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả thực hiện dự án, chia sẻ: Khi các em nêu ý tưởng, tôi thấy đây là giải pháp sáng tạo rất hữu ích, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tôi định hướng các em lựa chọn vật liệu; hướng dẫn việc nghiên cứu, thử nghiệm.

Vật liệu để hoàn thành bức tranh được nhóm tác giả lựa chọn, gồm: Dây thừng, bao tải gai, mẩu vải vụn, len, giấy đa năng, các giỏ đựng hoa quả bằng tre, xốp, bột đắp... Tùy theo từng loại vật liệu, nhóm tác giả chọn cách xử lý phù hợp. Đầu tiên là vệ sinh sạch dây thừng, bao tải gai, phơi khô để khử nấm mốc. Các đoạn dây thừng, những miếng bao tải gai và dải giấy đa năng được cắt theo kích thước tương ứng với bộ tóc, đồ trang sức, các hoa văn trên áo của người thiếu nữ Hà Nhì, con ngựa và các bông hoa.

Sau khi xử lý chất liệu, nhóm tác giả vẽ phác họa ý tưởng bằng bút trên giấy bìa, đắp bột tạo hình gương mặt cô gái Hà Nhì, pha màu tô, tạo khung, đường viền và chọn chất liệu để dán lên hình ảnh. Để giữ được các vật liệu bám lâu trên bức tranh, nhóm sử dụng loại keo thích hợp với các chất liệu, sau đó, gắn từng mảnh chất liệu cho đến khi hoàn thành bức tranh và đóng khung.

Em Lò Thành Long cho biết thêm: Điểm nhấn của bức tranh là mái tóc bồng bềnh của cô gái. Nhóm chúng em đã dùng hộp sơn màu đen phun vào những dải bao tải và giấy đa năng. Tạo độ phồng bằng gôm xịt tóc, sau đó dùng keo nến gắn vào nhau, tạo sóng và còn thêm vài đường xoắn để mái tóc mang tính nghệ thuật đúng kiểu của các cô gái dân tộc vùng cao hay quấn tóc.

Em Trương Yến Nhi, thành viên của nhóm, chia sẻ: Bức tranh được chúng em làm vào những ngày nghỉ, sau giờ học trên lớp, trong 3 tháng thì hoàn thành. Với ưu điểm của tranh là tận dụng màu sắc của phế thải, tạo tính chân thực, sống động; ít tốn kém chi phí, vì dùng phế liệu là chủ yếu; với mong muốn mọi người cùng quan tâm việc tái sử dụng rác, bảo vệ môi trường.

Hy vọng rằng, thành công bước đầu này sẽ là tiền đề để các em có những sáng tạo mới, góp phần tuyên truyền, vận động học sinh trong các nhà trường và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường vì một tương lai không rác thải.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/lan-toa-thong-diep-bao-ve-moi-truong-cOKctTvIg.html