Lan tỏa thông điệp về chuyển đổi số

Ngày 22-4-2022, tại Quyết định 505/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lấy ngày 10-10 hằng năm, kể từ năm 2023, làm Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Căn cứ chủ đề của năm 2023 là Năm dữ liệu số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quyết định chủ đề Ngày dữ liệu số quốc gia 10-10 năm nay là "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".

Các hoạt động được Bộ TT-TT đề xuất như đẩy mạnh mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, thanh toán các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, không dùng tiền mặt; đẩy mạnh chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng; tổ chức giới thiệu các cơ sở dữ liệu mới được xây dựng hoặc đang được xây dựng để người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin; tổ chức giới thiệu các nền tảng số chuyên ngành để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham khảo, học hỏi; đẩy mạnh tích hợp định danh trong các dịch vụ công, dịch vụ tài chính, lái xe, bảo hiểm...

Với các cơ quan, doanh nghiệp cũng như cơ quan báo chí, chuyển đổi số là vấn đề có tính sống còn. Muốn chuyển đổi số thành công, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động. Với cơ quan hành chính nhà nước là phải thay đổi tư duy làm việc trên môi trường số của đội ngũ cán bộ, công chức đến sáng tạo ra quy trình làm việc mới ứng dụng công nghệ; đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin; sắp xếp, xây dựng tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để phục vụ hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số… Thành công trong chuyển đổi số sẽ được đánh giá chính xác khi người dân và doanh nghiệp hài lòng về các thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng.

Hiện quá trình chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Trong ngành ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng internet hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động…

Để chuyển đổi số thành công cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, song đây là điều các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Mỗi năm, nước ta cần khoảng 90.000 nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, trong khi các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Khó khăn thứ hai là vốn đầu tư. Việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, trong khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thiếu vốn nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam thường chọn "điện toán đám mây" để đầu tư thay vì đầu tư nhiều vốn vào kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số dĩ nhiên sẽ tạo áp lực cho nhà quản trị song không có chọn lựa khác trong hướng đến sự phát triển bền vững. Dù là địa phương hay cơ quan, doanh nghiệp đều rất cần sự đồng thuận trong nhận thức đến hành động từ người lãnh đạo đến nhân viên, người lao động. Đó là điều kiện tiên quyết và căn bản để chuyển đổi số thành công.

THÔNG ĐẠT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/lan-toa-thong-diep-ve-chuyen-doi-so-20231009221016758.htm