Lan tỏa tinh hoa võ học Bình Định giữa lòng Gia Lai
Tối 2/7, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (tỉnh Gia Lai), Giải võ thuật cổ truyền các Võ đường Bình Định tranh Cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ VII – năm 2025 chính thức khai mạc, mở đầu cho những ngày hội sôi nổi, đậm đà bản sắc võ học miền đất võ.
Đây là lần thứ 7 giải đấu được tổ chức với chu kỳ 2 năm/lần. Từ năm 2024, giải đấu đã được nâng tầm quy mô, trở thành giải khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và hướng đến cấp quốc gia. UBND tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) đã thống nhất chủ trương đưa Giải Võ thuật cổ truyền các Võ đường Bình Định tranh Cúp Hoàng đế Quang Trung thành giải đấu truyền thống được tổ chức thường niên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Lâm Hải Giang (bìa trái) trao tặng kỷ niệm chương cho các võ đường, CLB tham dự.
Giải đấu diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 3-10/7) với sự tham gia của hơn 655 võ sư, huấn luyện viên, võ sinh, vận động viên đến từ 64 võ đường, câu lạc bộ. Giải gồm các nội dung: đối kháng có 15 hạng cân cho nhóm tuổi 18-40, 15 hạng cân cho nhóm tuổi 15-17, 10 hạng cân cho nhóm tuổi 13-14 cho cả nam và nữ; quyền thuật có 32 bộ huy chương ở bốn nhóm tuổi: 6-10; 11-14; 15-17, 18-40 cho cả nam và nữ. Mỗi đơn vị tham gia sẽ mang đến những dấu ấn riêng biệt của từng môn phái, đại diện cho các trường phái võ học tiêu biểu trong tổng thể võ thuật cổ truyền Bình Định".
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Trung Hiếu - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: "Giải đấu không chỉ là sân chơi thi đấu mà còn là cơ hội để Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định phát hiện, tuyển chọn và đào tạo những tài năng mới. Võ cổ truyền Bình Định đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng và luôn giữ vững vị trí trong top đầu các giải thi đấu cấp quốc gia thời gian gần đây".

Một trong những tiết mục biểu diễn tại giải đấu.
Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ và bồi đắp, võ cổ truyền Bình Định đã trở thành một hệ giá trị đặc trưng của vùng đất Bình Định, bám rễ sâu vào đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, di sản võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, với hàng nghìn nghệ nhân đang gìn giữ và truyền dạy. Đặc biệt, hàng chục nghìn người trong và ngoài nước đang theo học, nghiên cứu võ học Bình Định như một con đường tìm đến bản sắc, triết lý sống và giá trị văn hóa của người Việt.
Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định (cũ) đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát huy tinh hoa võ học truyền thống. Cùng với đó, công tác quảng bá cũng được chú trọng thông qua các chương trình lớn như "Đêm Võ đài Bình Định", "Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam", góp phần đưa võ cổ truyền vươn xa hơn trên bản đồ văn hóa thế giới.

Đông đảo người dân đến xem và cổ vũ giải đấu.
Nhiều võ đường Bình Định hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước và lan tỏa ra nhiều quốc gia, góp phần xây dựng một cộng đồng võ học vững mạnh. Giải đấu lần này là dịp quý báu để các võ sư, huấn luyện viên và võ sinh giao lưu, trao đổi chuyên môn, từ đó tạo nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện nền võ học Bình Định trong thời kỳ hội nhập.
Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép gửi hồ sơ lên UNESCO không chỉ là niềm tự hào mà còn là tín hiệu đáng mừng, tạo đà đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.