Lan tỏa tinh thần hiến máu cứu người

'Tôi là người sợ máu và sợ đau khi kim đâm vào da thịt. Mỗi lần như thế, tôi quay mặt đi chỗ khác và nghĩ đến niềm hạnh phúc của người nhận máu', bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, ngụ quận Phú Nhuận (TPHCM), chia sẻ về hành trình 30 năm hiến máu với 82 lần 'quay mặt đi' của mình. Bà là một trong 8 gương mặt tiêu biểu hiến máu nhiều lần của TPHCM tham gia chương trình Hành trình đỏ lần thứ 12 - Tôn vinh người hiến máu năm 2024.

Mang lại hy vọng sự sống cho người đang cần

30 năm trước, khi đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, bà Nguyệt Ánh đã cùng một người bạn tham gia hiến máu cứu người lần đầu tiên. “Khi ấy, tôi đọc được một thông báo kêu gọi hiến máu cứu người được dán ở văn phòng khoa. Tôi nghĩ, mình trẻ khỏe thế này thì đi hiến máu chứ chần chờ gì. Sau lần ấy, thấy sức khỏe vẫn ổn, vậy là 3 tháng sau, tôi rủ thêm 3 bạn cùng lớp cùng đi hiến máu”, bà Nguyệt Ánh nhớ lại.

 Người lao động tại TPHCM tham gia hiến máu cứu người

Người lao động tại TPHCM tham gia hiến máu cứu người

Suốt 30 năm qua, bà Nguyệt Ánh không nhớ mình đã vận động thêm được bao nhiêu người cùng chung sức vào việc làm vô cùng ý nghĩa và nhân văn này. Cứ gặp người quen, bà lại kể câu chuyện đi hiến máu và thuyết phục họ cùng đi với mình. Bà Nguyệt Ánh kể, việc hiến máu của bản thân thuận lợi là nhờ nhận được sự ủng hộ từ gia đình.

“Sau lần đầu đi hiến máu về, tôi điện thoại cho ba mẹ ở quê và kể chuyện mình đi hiến máu. Ba tôi nghe xong thì nói “Việc đó tốt mà, con nên phát huy”. Còn mẹ tôi thì bảo rằng nếu bác sĩ nói việc hiến máu không ảnh hưởng sức khỏe thì tôi cứ tiếp tục, vì giọt máu của tôi sẽ cứu được một người nào đó”, bà Nguyệt Ánh chia sẻ.

Câu chuyện về những giọt máu được hiến luôn rôm rả trong những lần họp mặt gia đình bà Nguyệt Ánh, bởi 2 em của bà ở quê cũng định kỳ tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu để cứu người. Đặc biệt, những năm gần đây, định kỳ 3 tháng, khi tham gia hiến máu, bà Nguyệt Ánh đều dẫn theo cô con gái nhỏ (năm nay 11 tuổi) để con nhìn thấy, cảm nhận, hiểu về việc làm của mẹ và noi theo khi lớn lên. “Tôi còn 10 năm nữa để tham gia hiến máu, và tôi sẽ hiến đến hết số tuổi được quy định. Tôi mong một chút tấm lòng của mình có thể mang lại hy vọng sự sống cho ai đó đang cần”, bà Nguyệt Ánh bày tỏ.

Người đàn ông 103 lần hiến máu

Cũng với suy nghĩ vô cùng đơn giản “Mình không có nhiều vật chất để đóng góp cho cộng đồng, chỉ có giọt máu nghĩa tình là có thể cho đi”, gần 30 năm qua, ông Vũ Đình Phẩm (ngụ quận 3, TPHCM) đã hiến máu 103 lần. Ngay cả lúc TPHCM đang trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông vẫn đều đặn 3 tháng đi hiến máu một lần.

Duyên để ông bắt đầu nghĩa cử cao đẹp này xuất phát từ lần đọc được bài viết trên báo về 3 chị em mồ côi sống nương tựa nhau, nhưng không may người chị bị tai nạn giao thông. Vì không đủ nguồn máu cứu chữa nên người chị đã qua đời, để lại 2 đứa em nhỏ bơ vơ.

“Khi ấy tôi nghĩ, nếu có sẵn máu dự trữ thì cô bé đã có cơ hội sống. Vậy nên tôi tìm hiểu và bắt đầu đi hiến máu”, ông Phẩm kể. Ông thấy rất tiếc khi mình bắt đầu hiến máu lúc tuổi đã gần 30, nên thời gian được tiếp tục hiến máu không còn nhiều. Ông tâm sự: “Nếu được bắt đầu lại, tôi sẽ thực hiện việc làm ý nghĩa này sớm hơn. Bởi mỗi lần giọt máu được cho đi, tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc”.

 Công tác hiến máu cứu người được đông đảo người dân tích cực tham gia

Công tác hiến máu cứu người được đông đảo người dân tích cực tham gia

Hơn 100 lần hiến máu là con số cả gia đình ông Trần Quang Thuận (57 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã cùng nhau thực hiện trong thời gian qua. Nếu ông Thuận đã hiến máu 44 lần, thì từ nghĩa cử cao đẹp của chồng, vợ ông đã đồng hành để có số lần hiến máu lên đến 46. Hai người con nhỏ của ông cũng tiếp bước cha mẹ, đến nay mỗi người đã có hơn 10 lần hiến máu để cứu người đang cần.

Ông Thuận chia sẻ, năm 1998, trong một lần đi công tác, ông gặp một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nạn nhân cần một lượng máu lớn. Khi đó, ông đã không ngần ngại tham gia hiến máu cứu nạn nhân. Nhìn những giọt máu của mình góp phần cứu sống được một sinh mạng, ông thấy việc hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp, cứu giúp người trong lúc khó khăn. Vậy là ông tiếp tục việc làm này và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, trong 30 năm qua, TPHCM đã tiếp nhận hơn 3 triệu đơn vị máu, chiếm gần 1/5 số lượng máu tiếp nhận của cả nước, góp phần cứu chữa cả triệu người bệnh. Bà Trần Thị Diệu Thúy gửi lời tri ân hàng triệu người dân, hàng vạn tình nguyện viên trên cả nước và TPHCM đã, đang hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người.

“Các anh, chị là những người bình thường nhưng có tấm lòng rất cao đẹp khi đã nhiều lần hiến những giọt máu quý giá của mình cứu chữa người bệnh. Từ đó, góp phần ổn định nguồn máu hiến cho người bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố”, bà Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.

Trong 20 năm công tác tại Việt Nam, ông Chinoros Benjachavakul, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, xem việc hiến máu là để góp một chút công sức phục vụ công tác chữa bệnh tại các cơ sở y tế ở nơi mình sống và làm việc.

Đến nay, ông có 59 lần hiến máu (33 lần tại Việt Nam và 26 lần tại Thái Lan). Không chỉ tham gia hiến máu hàng năm tại công ty, ông Chinoros Benjachavakul còn hiến máu ở nhiều tỉnh, thành phố nơi mình đang đến công tác.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-tinh-than-hien-mau-cuu-nguoi-post744519.html