Lan tỏa tinh thần hiếu học từ các mô hình học tập

5 năm thực hiện đại trà Đề án 'Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020' theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20-2-2014 (Đề án 281), cũng là quãng thời gian Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện xây dựng thí điểm các mô hình học tập với nhiều kết quả tích cực từ các mô hình học tập.

Các mô hình này đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị của sự học đến từng người dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, đơn vị... trở thành nếp sống đẹp trong cộng đồng.

Nâng cao tinh thần học tập suốt đời

Đề án 281 có mục tiêu chung là triển khai đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá: “Nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời được nâng lên rõ rệt. Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đã trở thành một hoạt động văn hóa, giáo dục không thể thiếu của mọi người dân trong các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn các xã. Việc chăm lo cho sự học đã giúp hạn chế các hành vi, hoạt động không lành mạnh, tác động rõ rệt đến tình hình bảo đảm trật tự an ninh trong cộng đồng”.

 Lớp học đầu bờ về kỹ thuật chăm bón cây trồng do Trung tâm Học tập cộng đồng phường Trường Thịnh (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức cho người dân địa phương.

Lớp học đầu bờ về kỹ thuật chăm bón cây trồng do Trung tâm Học tập cộng đồng phường Trường Thịnh (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức cho người dân địa phương.

Nhờ chịu khó học tập nên nhiều gia đình đã thoát nghèo, có nghề và việc làm ổn định, nhiều gia đình có thu nhập cao hơn, cuộc sống cũng tốt hơn. Lấy ví dụ tại ấp Trường Thắng (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) hiện có 338 hộ dân với 1.328 nhân khẩu, nhờ xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” đã mang lại những thay đổi tích cực về đời sống lẫn tinh thần cho người dân trong ấp. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ấp, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp Trường Thắng phấn khởi cho biết: “Phong trào học tập từ người lớn đến trẻ em trong ấp đều phát triển rộng khắp. Tuy chỉ là xã thuần nông nhưng bình quân thu nhập đầu người đến năm 2020 đạt 73 triệu đồng. Đời sống người dân đã vượt qua khó khăn về kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 8% thì đến nay đã giảm xuống còn 2%. Với thành tích này, ấp được huyện công nhận “Cộng đồng học tập” tiêu biểu, 5 năm liền được tỉnh tặng bằng khen”.

Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng tinh thần học tập của bà Giàng Thị Khánh Ly (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vẫn không hề vơi đi, thậm chí nghỉ hưu rồi, bà lại có thêm thời gian học nhiều hơn, học tốt hơn. Từ năm 2015, kể từ ngày nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước cho đến nay, với nhiệm vụ Phó chủ tịch Thường trực Hội khuyến học huyện Mộc Châu, bà Ly luôn chú trọng xây dựng gia đình học tập; bản thân bà trở thành Nghệ nhân Ưu tú sau 4 năm nghỉ hưu. Bà tâm sự: “Tôi lấy sự học làm vấn đề chính, hướng dẫn cho con cái nêu cao tinh thần tự học. Với phương châm “cần gì học nấy”, mọi người lớn trong gia đình đều có nhiều hình thức tự học, học thường xuyên, học suốt đời. Nhờ vậy, gia đình tôi đã đạt được những kết quả dù còn khiêm tốn nhưng tôi rất trân trọng. Đến nay, đời sống kinh tế của gia đình đã ổn định. Gia đình tôi liên tiếp đạt danh hiệu “Gia đình học tập” của huyện trong 5 năm”.

Tiến tới xây dựng mô hình “Công dân học tập”

Kết quả khảo sát tại các địa phương của Hội Khuyến học Việt Nam cho thấy: Gần 100% người dân thừa nhận các mô hình học tập đã góp phần phát triển kinh tế địa phương; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tốt hơn; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, xã hội; giúp cho học sinh, sinh viên học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Tính đến tháng 9-2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt 72,77% so với tổng số gia đình trong cả nước; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51% số chi tộc trong cả nước; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38%; đơn vị học tập đạt 85,73%. So với tiêu chí phát triển được quy định trong Quyết định 281/QĐ-TTg, đến nay kết quả này đã vượt mức các chỉ tiêu đề ra từ 2% đến 35,73%.

 Lớp học sửa xe máy do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức cho người dân địa phương.

Lớp học sửa xe máy do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức cho người dân địa phương.

Để có nguồn lực động viên các cá nhân, tập thể trong thực hiện các mô hình học tập, các địa phương đã phát triển Quỹ Khuyến học bằng nhiều cách làm sáng tạo. Hằng năm, hội khuyến học các địa phương đã trao hàng nghìn suất học bổng cho cả người lớn và học sinh các cấp học có nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu. Chính từ sự động viên kịp thời thông qua những suất học bổng đó, tinh thần học tập trong người dân càng được nâng lên. Theo GS, TS Phạm Tất Dong, phát huy các kết quả đã đạt được, Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt các danh hiệu học tập tăng từ 10% đến 20% so với năm 2020; đặc biệt phấn đấu xây dựng và phát triển mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập giai đoạn tới, Hội Khuyến học Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên hội khuyến học các cấp phát huy truyền thống hiếu học, triển khai nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình học tập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng thành công xã hội học tập trên phạm vi cả nước”, GS, TS Phạm Tất Dong cho biết.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/lan-toa-tinh-than-hieu-hoc-tu-cac-mo-hinh-hoc-tap-646473