Lan tỏa tinh thần lao động giỏi, lao động sáng tạo

Những năm qua, phong trào thi đua 'lao động giỏi, lao động sáng tạo' tại Công đoàn ngành Công Thương đã tạo lên sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến quy trình làm việc, ý thức học tập nâng cao trình độ của công nhân lao động (CNLĐ), đóng góp hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Những sáng tạo trong lao động sản xuất đã góp phần tích cực nâng cao năng suất lao động, giảm giờ và công làm việc của công nhân. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TDT.

Những sáng tạo trong lao động sản xuất đã góp phần tích cực nâng cao năng suất lao động, giảm giờ và công làm việc của công nhân. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TDT.

Đồng chí Hà Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho biết: Hàng năm, Công đoàn Ngành đều phát động phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đến từng công đoàn cơ sở. Từ đó, mỗi đơn vị ở cơ sở sẽ phát động phong trào tại đơn vị mình tùy thuộc vào đặc thù của doanh nghiệp. Với trên 80% số lao động thuộc ngành May, để tạo điểm nhấn cho phong trào, Công đoàn Ngành và các doanh nghiệp may đã phối hợp tổ chức Hội thi thợ giỏi trong CNLĐ. Hội thi không chỉ nhằm rèn luyện, nâng cao tay nghề cho người lao động, mà còn giúp họ phát huy tinh thần làm việc, có dịp được gặp gỡ, giao lưu học hỏi lẫn nhau tạo ra không khí tự học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề. Từ đó, nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng sản xuất được nâng lên, giảm giá thành sản phẩm… Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại giá trị làm lợi cao góp phần vào sự thành công của các doanh nghiệp nói riêng và ngành Công Thương nói chung.

Qua đánh giá cho thấy, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã góp phần khơi dậy niềm đam mê lao động, làm chủ khoa học công nghệ của người lao động. Trong 2 năm (2018 - 2019), đã có trên 20 sáng kiến của CNLĐ thuộc Công đoàn ngành Công Thương được đưa vào áp dụng trong thực tiễn giúp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lãng phí nguyên nhiên vật liệu, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá trị làm lợi trên 2,5 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến với các giải pháp tối ưu, hợp lý hóa được áp dụng đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao. Tiêu biểu như những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động của các đoàn viên Nguyễn Hoài Nam, Trần Văn Tiếp, Bùi Thu Hoài…, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng. Hay như anh Hà Đức Tuấn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, trong 5 năm (2014-2019), anh cùng các đồng nghiệp ở Phòng Kỹ thuật đã có trên 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, với tổng giá trị làm lợi cho Công ty cũng lên đến hàng tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến sáng kiến sử dụng máy lập trình vừa tra khóa vừa may cơi túi áo trên cùng một lần chạy máy. Nếu như trước, công đoạn tra khóa và may cơi túi cần đến 3 lao động có tay nghề thì nay chỉ cần 1 người để hoàn thiện. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người lao động. Anh Tuấn chia sẻ: “Tất cả những sáng kiến của tôi đều xuất phát từ chính thực tế lao động. Từ những lỗi thường xuyên xảy ra trong quá trình sản xuất, tôi nghiên cứu, tìm tòi cách giảm thời gian và công sức của công nhân…”

Không chỉ những sáng kiến phức tạp với hệ thống kiến thức phong phú, nhiều công nhân đã nghĩ ra những sáng kiến đơn giản nhưng lại giúp tăng năng suất lao động đáng kể. Tiêu biểu như anh Nguyễn Quang Hợp, công nhân Tổ Gang tay, Chi nhánh may Sông Công 3, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, với sáng kiến cây lộn găng tay. Anh Hợp cho biết: Tôi sử dụng một cây sắt với 4 thanh tương ứng với 4 ngón tay của găng tay. Phía trên đầu mỗi thanh sắt được gắn viên bi tròn để giúp các đầu của găng tay sau khi lộn ra được vê tròn, công nhân không phải vê lại bằng ngón tay. Sau khi được đưa vào sử dụng, giải pháp đó đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp công nhân khâu lộn găng tay giảm thiểu tối đa việc lặp lại các thao tác lộn ngón. Phương pháp này có thể áp dụng với cả những công nhân mới, những công nhân có tay nghề thấp. Sáng kiến của anh Hợp đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và tăng năng suất lao động của Tổ Găng tay, giá trị làm lợi ước đạt trên 7 triệu đồng/mã hàng.

Có thể nói, những kết quả trên đã khẳng định phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn ngành Công Thương phát động đã và đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng sâu rộng của CNLĐ. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần năng động sáng tạo của đội ngũ công nhân trong lao động sản xuất. Kết quả của phong trào cũng đã tạo ra nền tảng, thế mạnh để các công đoàn cơ sở thương lượng về chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động, góp phần tích cực trong sự phát triển chung của ngành Công Thương Thái Nguyên.

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/lan-toa-tinh-than-lao-dong-gioi-lao-dong-sang-tao-269736-85.html