Lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước

Thi đua không phải để tìm ra kẻ thắng người thua mà để tạo ra động lực và khát khao chiến thắng. Chiến thắng kẻ thù, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, thi đua vì đất nước.

Các phong trào thi đua luôn gắn liền với mục tiêu ái quốc. Thi đua và yêu nước là hai khái niệm không tách rời nhau, bổ trợ cho nhau.

1. Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X diễn ra hồi đầu tháng 10-2020 chứng kiến một tấm gương bình dị mà xúc động, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đó là hình ảnh cụ bà Đỗ Thị Mơ, 84 tuổi ở huyện Thường Xuân đạp xe lên xã nộp đơn xin thoát nghèo. Trong đại dịch Covid-19, cũng chính cụ Mơ ủng hộ 2 triệu đồng thông qua MTTQ xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân) để giúp những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Một mình cụ Mơ thoát nghèo hay số tiền 2 triệu đồng không mang nhiều ý nghĩa về vật chất nhưng có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Nó khiến mọi người phải đặt ra suy nghĩ rằng tại sao một cụ bà cao tuổi, cuộc sống còn khó khăn những vẫn nghĩ và làm được những điều tử tế như thế?

Một hành động tử tế trong lúc khó khăn nhân lên hằng trăm việc làm tử tế, tấm gương tử tế khác, đó chính là giá trị cốt lõi của thi đua.

Ở nước ta, phong trào thi đua hình thành từ rất sớm, gắn liền với phong trào cách mạng. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Dù chỉ được thể hiện trong hơn 400 từ, song Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng.

Như vậy, có thể hiểu, ở nước ta, thi đua gắn liền với yêu nước. Các phong trào thi đua luôn gắn liền với mục tiêu ái quốc. Thi đua và yêu nước là hai khái niệm không tách rời nhau, bổ trợ cho nhau. Như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước thì: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Thi đua là hoạt động thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta cho thấy, từ trong kháng chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ đến những năm đất nước đổi mới, hội nhập, thời kỳ nào phong trào thi đua yêu nước cũng được coi trọng. Ngay cả trong những năm tháng khó khăn khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, tinh thần thi đua yêu nước vẫn được dấy lên ở khắp mọi cấp, mọi ngành, mọi giới đúng với lời dạy của Bác Hồ: càng khó khăn càng phải thi đua. Từ “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang” trong chiến tranh đến “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… thời kỳ hội nhập cho thấy: các phong trào thi đua yêu nước luôn được tiếp nối như một chất kết dính tăng cường tinh thần đoàn kết, bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước.

Cụ bà Đỗ Thị Mơ, 84 tuổi ở Thanh Hóa từng đạp xe lên xã xin thoát nghèo là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: BTH

2. Không phải lúc nào phong trào thi đua yêu nước cũng được hiểu đúng giá trị cốt lõi của nó để thực hiện đúng. Đặc biệt trong công tác khen thưởng, có lúc, có nơi đã bị lạm dụng, trở thành một cuộc chạy đua thành tích, làm giảm ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động thi đua.

Bản chất của khen thưởng là phát hiện kịp thời những điển hình trong phong trào thi đua, để nêu gương, biểu dương, tạo ra sức lan tỏa mạnh, tiếp tục kích thích các tập thể, cá nhân ra sức thi đua, sáng tạo. Khen thưởng không phải là đích đến của thi đua, không phải là đài vinh quang, vòng nguyệt quế để dẫn dắt thi đua. Khen thưởng là biện pháp nhằm động viên mọi người ra sức thi đua chứ không phải động lực của thi đua.

Hiểu như thế để thấy, đó đây, trong công tác thi đua khen thưởng vẫn có những khoảng tối từ bệnh thành tích, dẫn đến hiện tượng “chạy khen thưởng”, “mua danh hiệu”, lợi dụng bằng khen, huy hiệu để tiến thân, núp bóng hoạt động thi đua để tổ chức “kinh doanh” khen thưởng…Những hiện tượng như thế không phải là thi đua, không đúng với ý nghĩa, giá trị cốt lõi của thi đua, để lại những điều tiếng xấu, xa rời mục tiêu tốt đẹp của phong trào thi đua yêu nước.

3. Chủ đề của Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X diễn ra vào hôm nay 10-12 là: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đó là một khẩu hiệu bao trùm, thể hiện đầy đủ tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sinh thời, khi phân tích về thi đua, Bác Hồ từng chỉ rõ: Thi đua không phải ganh đua. Thậm chí thi đua còn là một biện pháp để tập hợp đoàn kết nhằm tạo ra sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.

Hiểu một cách môm na, thi đua không phải để tìm ra kẻ thắng người thua mà thi đua để tạo ra động lực và khát khao chiến thắng. Chiến thắng kẻ thù, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, thi đua để yêu nước, vì đất nước.

Bài học giản dị mà sâu sắc ấy của người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước sau hơn 70 năm vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thời cơ và thách thức đan xen, phong trào thi đua cũng phải được nâng lên một tầm cao mới. Càng trong gian lao, bão tố, ngọn lửa thi đua yêu nước càng cần được thắp lên, tạo ra khí thế mới, động lực mới để đất nước ta hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng.

Quang Duy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lan-toa-tinh-than-thi-dua-yeu-nuoc-post108533.html