Lan tỏa tình yêu biển đảo

Khách du lịch và đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa được tận mắt chiêm ngưỡng 33 lá cờ Tổ quốc từng tung bay ở các điểm đảo Trường Sa; những bức ảnh ấn tượng về chủ quyền lãnh thổ và hình tượng người lính biển… Ðáng chú ý, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan là hơn 50 tác phẩm văn học với chủ đề biên giới, hải đảo đã chạm tới vùng cảm xúc đầy trân trọng, yêu thương.

Ðồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại gian trưng bày không gian biển đảo Việt Nam.

Ðồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại gian trưng bày không gian biển đảo Việt Nam.

Khách du lịch và đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa được tận mắt chiêm ngưỡng 33 lá cờ Tổ quốc từng tung bay ở các điểm đảo Trường Sa; những bức ảnh ấn tượng về chủ quyền lãnh thổ và hình tượng người lính biển… Ðáng chú ý, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan là hơn 50 tác phẩm văn học với chủ đề biên giới, hải đảo đã chạm tới vùng cảm xúc đầy trân trọng, yêu thương.

Trong khuôn khổ chương trình "Mùa xuân nho nhỏ" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa khai mạc chương trình "Không gian biển đảo quê hương" tại không gian Nhà triển lãm làng III. Phần trưng bày giới thiệu hơn 50 tác phẩm văn học chủ đề biên giới, hải đảo thuộc nhiều thể loại như: trường ca, thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ghi chép, tản văn…, trong đó có nhiều sáng tác của các cây bút trẻ. Ðây là lần đầu, các tác phẩm của những người viết trẻ được tập hợp khá đầy đủ, đa dạng. Nhiều tác phẩm sau khi xuất bản đã đoạt các giải thưởng văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Giải thưởng sách Việt Nam… Ðiều đó thể hiện sự quan tâm, khích lệ kịp thời, giúp đội ngũ người viết trẻ thêm động lực trong lao động sáng tạo. Bên cạnh đó, không gian trưng bày sách còn giới thiệu các tác giả với những tác phẩm về biển, đảo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống văn học như: nhà văn Chu Lai với tiểu thuyết
Khúc tráng ca về biển; Nguyễn Bình Phương với tiểu thuyết Mình và họ, Trịnh Công Lộc với chùm tác phẩm thơ đoạt Giải nhất Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ năm 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam: Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió; Nguyễn Việt Chiến với tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển đoạt Giải Tôn vinh của Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam…

Bên cạnh không gian văn học, chương trình còn mang đến niềm xúc động với hình ảnh 33 lá cờ Tổ quốc mang dấu ấn từ 33 điểm đảo của quần đảo Trường Sa; 36 bức ảnh lưu dấu những khoảnh khắc đẹp về người lính biển, tình quân dân, tình cảm đất liền hướng về đảo xa; những phiến đá san hô mang về từ đảo nổi, đảo đá chìm được đặt trên từng mô hình cột mốc chủ quyền lãnh thổ… Ông Ðinh Plyh, người dân tộc Ba Na đến từ quê hương của Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết, kể từ khi chuyển tới sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đây là lần đầu ông được chiêm ngưỡng đủ 33 lá cờ từ quần đảo Trường Sa, được đọc các tác phẩm văn học, trong đó, nhiều câu chuyện về biên giới, biển đảo có bóng dáng đồng bào các dân tộc. Những người lính xuất thân từ Tây Nguyên, Tây Bắc, miền trung du… những vùng không có biển, nhưng cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời đã gắn bó với biển đảo bằng tình yêu Tổ quốc kiên trung. Cũng như ông Ðinh Plyh và bà con ở làng, bà Nguyễn Thị Xuyến người dân tộc Tày đến từ huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên không rời mắt khỏi những cuốn sách. Bà mở điện thoại, chụp lại một bài thơ trong tập Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và chia sẻ sẽ phổ điệu then của dân tộc mình vào để hát.

Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng phối hợp Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu đến người xem các hiện vật, hình ảnh tại làng thể hiện tình yêu biển, đảo được lưu giữ tại làng như một số văn bản của triều Nguyễn về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, các hiện vật là đá san hô từ đảo nổi, đảo đá chìm của quần đảo Trường Sa, cờ Tổ quốc, ảnh và những món quà, thư của các chiến sĩ hải quân… Ðây là những tài liệu sinh động chứng minh chủ quyền biển đảo đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời phản ánh sinh động đời sống, tình cảm quân dân qua bao thế hệ. Ðại diện lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để tình yêu biển đảo, lòng tự hào dân tộc được lan tỏa sâu rộng hơn.

Bài và ảnh: MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/lan-toa-tinh-yeu-bien-dao-639787/