Lan tỏa tình yêu biển, đảo đến với đồng bào Tây Nguyên

'Những buổi thông tin, tuyên truyền về biển, đảo tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trở thành nơi để chúng tôi và người dân cùng chia sẻ những câu chuyện cảm động về cuộc sống, học tập, công tác huấn luyện và chiến đấu của những người lính hải quân, từ đó nâng cao nhận thức cho bà con về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nuôi dưỡng ước mơ cho các em học sinh...', Thượng tá Vũ Viết Bằng, Phó chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân chia sẻ.

Theo Thượng tá Vũ Viết Bằng, điểm mới của hoạt động lần này là thực hiện theo phương châm "sát thực tiễn, sát đối tượng", hướng về cơ sở, mở rộng địa bàn. Chương trình được triển khai tại một loạt địa phương ở Nam Tây Nguyên như các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Di Linh, Lạc Dương. Ngoài gặp gỡ, trò chuyện với học sinh tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn, các báo cáo viên còn chia sẻ, trao đổi thông tin về biển, đảo với đội ngũ cán bộ, giáo viên, các chức sắc tôn giáo, già làng, người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong nội dung tuyên truyền, các báo cáo viên tập trung thông tin về kết quả xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trên lộ trình xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc trên biển. Qua đó tạo dựng niềm tin trong đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, tạo sự đồng thuận, tin tưởng vào các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 Hình thức thông tin trực quan, sinh động qua powerpoint.

Hình thức thông tin trực quan, sinh động qua powerpoint.

Bên cạnh đó, những câu chuyện kể về chiến công bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của thế hệ cha anh, sự hy sinh anh dũng và những nỗ lực cống hiến của các cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ các vùng hải đảo xa xôi không chỉ thu hút sự quan tâm, yêu thích mà còn khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong lòng mỗi học sinh.

Theo đồng chí Phó chính ủy Lữ đoàn 162, đến với đồng bào dân tộc phải có cách tiếp cận phù hợp, nói dễ hiểu, dễ nghe nhất có thể. Hình thức tuyên truyền bảo đảm trực quan, sinh động, giới thiệu những nội dung trọng tâm qua trình chiếu powerpoint, đi kèm với những hình ảnh sống động về các lực lượng thực thi trên biển đang làm nhiệm vụ. "Chúng tôi lựa chọn hình thức tuyên truyền linh hoạt, vừa kể chuyện, vừa trao đổi, gợi mở các vấn đề. Trong các buổi trao đổi trên, học sinh được bổ sung kiến thức cơ bản về biển đảo, một số em còn mạnh dạn bày tỏ “muốn trở thành bộ đội hải quân thì cháu cần phải làm những gì?”, Thượng tá Vũ Viết Bằng nhấn mạnh.

 Các già làng, trưởng bản tham gia các buổi tuyên truyền, thông tin về biển, đảo.

Các già làng, trưởng bản tham gia các buổi tuyên truyền, thông tin về biển, đảo.

 Các giáo viên sẽ là cầu nối thông tin hiệu quả tới các em học sinh, lan tỏa tình yêu biển, đảo Tổ quốc tới các em.

Các giáo viên sẽ là cầu nối thông tin hiệu quả tới các em học sinh, lan tỏa tình yêu biển, đảo Tổ quốc tới các em.

Cô Ka M’Hội, người dân tộc Cil K’Ho, Phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Điền, Di Linh, Lâm Đồng cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng các chủ đề giảng dạy như “Bé yêu biển, đảo quê hương”, tăng cường đưa vào giờ học các bài giảng, các bài hát về biển, đảo.

Em Tô Hoàng Nhật Khánh, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Bảo Lộc, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: "Dù chưa được đi tới các vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc, nhưng qua những hình ảnh được xem, nghe những câu chuyện kể, chúng cháu được hiểu về cuộc sống, nhiệm vụ của các chú bộ đội hải quân đã sống và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc như thế nào. Nhìn hình ảnh các chú huấn luyện trên các con tàu chiến trên biển và nhất là cuộc sống trên đảo Trường Sa, chúng cháu rất khâm phục, tự hào và biết ơn. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để lớn lên trở thành người có ích cho đất nước".

Về phần mình, ông Lơ Mu Ha Pier, Chấp sự Chi hội Tin lành thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, ông cũng như nhiều bà con giáo dân được xem các hình ảnh, nghe thông tin về biển, đảo càng thêm nể phục ý chí quyết tâm, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hải quân. Buổi tuyên truyền giúp bà con có được những thông tin chính xác và hiểu đúng hơn về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

 Truyền tình yêu biển, đảo cho các em học sinh cấp 3, lứa tuổi đầy ước mơ và hoài bão.

Truyền tình yêu biển, đảo cho các em học sinh cấp 3, lứa tuổi đầy ước mơ và hoài bão.

 Hoạt động thông tin, tuyên truyền được tiến hành ở các trường cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn 5 huyện và thị trấn ở Lâm Đồng.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền được tiến hành ở các trường cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn 5 huyện và thị trấn ở Lâm Đồng.

Bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết những năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng và Lữ đoàn 162 đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Từ đó góp phần xây dựng ý thức, trách nhiệm, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, an toàn vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH-LÊ NGỌC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/lan-toa-tinh-yeu-bien-dao-den-voi-dong-bao-tay-nguyen-739013