Lan tỏa tình yêu sách

Hiểu sâu sắc ý nghĩa của những trang sách, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các giáo viên đã nỗ lực trở thành đại sứ văn hóa đọc. Ngày nối ngày, họ miệt mài, thầm lặng lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người, đặc biệt là các em nhỏ.

 Đại sứ văn hóa đọc Phan Văn Hiền đọc sách cho các em nhỏ - Ảnh: T.L

Đại sứ văn hóa đọc Phan Văn Hiền đọc sách cho các em nhỏ - Ảnh: T.L

Đã thành thông lệ, vào sáng chủ nhật hằng tuần, cô giáo Phạm Thị Thương Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Vĩnh Linh và 5 đại sứ văn hóa đọc khác lại tổ chức buổi đọc sách và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Thương Huyền hiểu sâu sắc giá trị của trang sách. Nhờ yêu sách mà kết quả học tập của nhiều học sinh do cô và đồng nghiệp giảng dạy được cải thiện, nâng cao đáng kể.

Đó cũng chính là lý do thôi thúc cô Thương Huyền và các giáo viên khác nỗ lực trở thành những đại sứ văn hóa đọc, rồi cùng với nhau nhân lên tình yêu sách. “Chúng tôi đã xây dựng các nhóm đọc sách với sự tham gia của cả học sinh lẫn phụ huynh. Thường mất khoảng 5 tháng để mỗi nhóm đi vào hoạt động hiệu quả và các thành viên hình thành thói quen tốt. Hiện tại, nhóm đại sứ văn hóa đọc Vĩnh Linh đang chuẩn bị xây dựng nhóm thứ 3 với sự góp mặt của 20 học sinh và nhiều phụ huynh”, cô Thương Huyền chia sẻ.

Tại Quảng Trị, thầy Phan Văn Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thượng, huyện Triệu Phong là một trong những đại sứ văn hóa đọc đầu tiên được Tổ chức Reading Việt Nam công nhận. Vì hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ, thầy Hiền đã đối diện với cảnh “khát sách”. Không muốn các em nhỏ sau này cũng thiệt thòi như mình, năm 2017, thầy đã lặn lội ra thủ đô để được học tập, trau dồi và trở thành đại sứ văn hóa đọc. Sau ngày trở về, vượt nhiều rào cản, thầy Hiền miệt mài đến các miền quê để lan tỏa tình yêu sách; huy động nguồn lực xây dựng các tủ sách ở trường học; mở thư viện ngay tại căn nhà thuê…

Hiện tại, thầy Hiền đã và đang trở thành một “thư viện di động”, mang sách đến tặng nhiều trường học, giáo viên, học sinh trên địa bàn. Thầy Phan Văn Hiền bộc bạch: “Nhiều người nói tôi: “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Có người còn nghĩ tôi… ngớ ngẩn hoặc có động cơ, mục đích không tốt gì đó. Thế nhưng, những suy nghĩ, lời nói ấy không làm ảnh hưởng nhiều đến hành động của tôi. Tôi thấy được sự ý nghĩa của công việc mà mình đang làm”.

Sinh ra, lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống hiếu học Quảng Trị, nhiều người dân trên địa bàn yêu và hiểu giá trị của trang sách. Trong họ, mong muốn lan tỏa tình yêu sách luôn thường trực. Thế nhưng, phần lớn mọi người không biết phải khởi đầu từ đâu? Vì vậy, khi biết thông tin về các tổ chức, dự án, trong đó có Tổ chức Reading Việt Nam đang tìm kiếm, truyền cảm hứng, lựa chọn và đào tạo các đại sứ văn hóa đọc, nhiều người dân trên địa bàn, trong đó phần lớn là giáo viên đã tìm hiểu, đăng ký hồ sơ, rồi được huấn luyện, đào tạo và chính thức trở thành những đại sứ văn hóa đọc. Tính đến nay, trên địa bàn có hơn 30 đại sứ văn hóa đọc. Mỗi người một độ tuổi, hoàn cảnh, cá tính… nhưng họ gặp nhau ở tình yêu sách và mong muốn cống hiến cho cộng đồng.

Ngay sau khi được công nhận, các đại sứ văn hóa đọc trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai nhiều công trình, phần việc. Một cách độc lập hoặc theo đội, nhóm, họ tình nguyện đến các trường học, khu dân cư trên địa bàn để truyền tình yêu sách; thành lập các câu lạc bộ, nhóm cha mẹ đọc sách cùng con; xây dựng các thư viện, tủ sách trong nhà trường, cộng đồng; tổ chức hoạt động đọc sách lồng ghép giáo dục kỹ năng sống… Công việc tưởng chừng đơn giản này lại khiến các đại sứ mất nhiều tâm huyết, thời gian, công sức…

Ở một số chương trình, họ phải chuẩn bị cho khâu tổ chức suốt cả tuần lễ. Vậy nhưng, không phải ai cũng chung lý tưởng hoặc hiểu đúng việc làm ý nghĩa của các đại sứ. Nói như đại sứ văn hóa đọc Nguyễn Thị An Hòa, ở thành phố Đông Hà: “Nếu không có tinh thần thiện nguyện và yêu trang sách thì khó đại sứ văn hóa đọc nào gắn bó, chứ chưa nói đến làm tốt nhiệm vụ của mình”.

Những khó khăn, thử thách không thắng nổi quyết tâm, ý chí của các đại sứ văn hóa đọc. Bằng nhiều cách, họ đã bước đầu thành công trong việc thay đổi suy nghĩ mọi người xung quanh, đặc biệt là phụ huynh và học sinh về ý nghĩa của việc đọc sách. Các đại sứ văn hóa đọc cũng xây dựng được thói quen đọc sách cho mọi người bằng việc vận động thực hiện những thử thách từ nhỏ đến lớn, khởi điểm là: “Mỗi ngày 10 trang sách”, “15 - 30 phút đọc sách cho con trước giờ đi ngủ”, “Tập quay, dựng video giới thiệu sách”…

Nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm yêu đọc sách đã được các đại sứ văn hóa đọc thành lập, vận hành hiệu quả dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Vào ngày cuối tuần, một số đại sứ chủ động tổ chức các hoạt động đọc, giới thiệu sách lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là các em nhỏ tham gia.

Sau nhiều nỗ lực, hiện nay, các đại sứ văn hóa đọc trên địa bàn đã được nhiều người biết đến. Nhờ thế, việc tổ chức các hoạt động lan tỏa tình yêu sách của họ thêm phần thuận tiện, hiệu quả. Hầu như đến đâu, họ cũng nhận được sự yêu mến của mọi người. Nhiều đại sứ văn hóa đọc trở thành khách mời trong các chương trình lan tỏa tình yêu sách tại các trường học, khu dân cư. Đặc biệt, với uy tín của mình, một số đại sứ văn hóa đọc đã vận động, chung tay xây dựng nhiều thư viện, tủ sách tại trường học, cộng đồng. Họ cũng chính là động lực, nguồn cảm hứng để ngày có càng nhiều người mong muốn, đăng ký được đào tạo để trở thành đại sứ văn hóa đọc.

Dù có nhiều đóng góp nhưng điểm chung của các đại sứ văn hóa đọc là cống hiến một cách miệt mài, thầm lặng. Không ai yêu cầu được tuyên dương, khen thưởng hay được báo đáp. Đối với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất là thấy tình yêu sách được tỏa lan từng ngày trên miền quê hiếu học Quảng Trị.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167426&title=lan-toa-tinh-yeu-sach