Lan tỏa tình yêu tiếng mẹ đẻ tới người Việt ở nước ngoài
Với cách thể hiện khác biệt, sinh động, bộ sách 'Chào tiếng Việt' là công trình thấm đẫm tâm huyết, tình cảm dành cho tiếng Việt của tác giả Nguyễn Thụy Anh.
Nhớ lại dịp Tết Nguyên đán 2021, đến tận ngày cuối cùng của năm âm lịch, TS Nguyễn Thụy Anh và ê-kíp làm sách vẫn cặm cụi làm việc. Khi đó, bà đang trong giai đoạn viết Chào tiếng Việt - bộ sách biên soạn hướng đến giáo viên và học sinh dạy học tiếng Việt ở nước ngoài.
Chia sẻ với Tri thức, thừa nhận tuy có chút gấp rút, vất vả, bà Thụy Anh khẳng định không cảm thấy khó khăn mà chỉ có sự hưng phấn, hạnh phúc khi được làm điều mình đam mê, ấp ủ từ lâu và được đồng hành, có sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ ban biên tập nhiều kinh nghiệm và nhóm họa sĩ, thiết kế mĩ thuật từ Nhà xuất bản Giáo dục để triển khai điều đó.
Cuối cùng, những nỗ lực của bà và đội ngũ đã được đền đáp bằng một bộ sách đầy hữu ích, thú vị, góp phần tôn vinh và lan tỏa tình yêu tiếng mẹ đẻ đến cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước.
Khởi nguồn từ tình yêu tiếng Việt
TS Nguyễn Thụy Anh quan tâm đến việc giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài từ khi còn là cô sinh viên trường sư phạm ở Matxcova (Nga).
“Ngày đó, tôi thường nhận gia sư cho các bé sinh ra và lớn lên ở Nga. Sau này, trở thành một người mẹ xa quê, tôi càng thấm thía nỗi lo lắng và mong mỏi chính đáng của các bậc phụ huynh: lo con mình mất tiếng Việt, lo các thế hệ không còn giao lưu, tâm tình và hiểu nhau qua tiếng nước mình nữa, lo người Việt không còn tìm thấy mình ở đâu trong thế giới này khi dần quên đi ngôn ngữ của mẹ cha”, bà chia sẻ.
Vì vậy, với kinh nghiệm sau 30 năm theo đuổi công việc dạy học, trải qua những hoạt động thực tế cùng cộng đồng người Việt ở một số nước trong hơn 10 năm trở lại đây, bà Thụy Anh muốn ghi lại và trao lại những đúc rút của mình trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều để hỗ trợ các thầy cô giáo, các bố mẹ vẫn ngày đêm tâm huyết với câu chuyện tiếng Việt cho con. Và không gì hiệu quả hơn là thực hiện điều đó qua một bộ sách dạy tiếng Việt.
Lý giải về việc lựa chọn viết cho nhóm tuổi 6 đến 15 (trong đó bao hàm hai nhóm nhỏ: 6-10 và 11-15), bà Thụy Anh cho biết muốn nhấn mạnh cách tiếp cận với trẻ em.
“Thường tôi quan sát được, đa số trường hợp trẻ học tiếng vì ông bà, bố mẹ muốn vậy. Điều ‘người lớn muốn’ có gặp được điều ‘các em muốn’ hay không? Làm sao hỗ trợ để nảy sinh nhu cầu học tập tự thân của các em? - điều này chưa nhiều bộ sách đề cập đến”.
Với lứa tuổi này, bà nhận định các em cần có động lực học mạnh mẽ từ cảm nhận vui, thích thú, tò mò, muốn khám phá, muốn thể hiện. Tài liệu viết cho các em, cách truyền đạt, cách tổ chức hoạt động học đều nên dựa trên quan điểm này.
“Tôi ấp ủ mong muốn được góp phần thay đổi phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài. Một đứa trẻ yêu tiếng Việt sẽ lớn lên thành một thanh niên quan tâm đến tiếng Việt. Một thanh niên quan tâm đến tiếng Việt sẽ có cách tìm về nguồn cội, cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi của văn hóa Việt Nam trong quá trình trưởng thành sau này”, bà tâm sự.
Giữ động lực học tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài
Dạy tiếng Việt cho trẻ người Việt ở nước ngoài có phần khác biệt so với trẻ người nước ngoài. Vì vậy, khi viết bộ sách, bà Thụy Anh tìm ra điểm trung dung giữa phương pháp dạy ngoại ngữ tiếng Việt cho người nước ngoài và phương pháp dạy tiếng mẹ đẻ cho người Việt.
"Đối tượng học của chúng ta không hoàn toàn là người Việt với phông nền văn hóa tiếp thu từ văn hóa bản địa. Nhưng đồng thời, các em cũng không hoàn toàn giống người nước ngoài vì có hậu thuẫn là gia đình, ông bà, bố mẹ, cộng đồng người Việt mà đôi khi các em vẫn giao lưu và những cảm nhận sâu xa dẫu mơ hồ về nguồn cội", bà nhận định.
Trong bộ sách, các hoạt động học được thiết kế vui nhộn, thú vị, kết hợp với hình minh họa dẫn dắt người học một cách tự nhiên vào câu chuyện của các nhân vật Miu Nguyễn, Dế và Bé.
Nửa đầu cuốn Ra khơi (Cấp độ 1), bà Thụy Anh tập trung xây dựng câu chuyện và tình huống xảy ra ở các địa điểm gần gũi với sự tưởng tượng của trẻ - những bối cảnh không biên giới, không giới hạn rõ ràng về không gian và thời gian. Đó là cuộc phiêu lưu đi tìm kho báu của nhóm bạn ở trong rừng, trên sông, trên biển...
Nửa sau, bối cảnh và tính cách cho các nhân vật trong một gia đình gốc Việt ở châu Âu dần hiện ra nhưng với những tình huống không quá đặc trưng cho vùng miền nào cụ thể. Điều này sẽ giảm bớt áp lực học cho người học.
"Tiếng Việt đi vào cuộc sống của các em nhẹ nhõm, theo cách các em muốn".
Với cuốn Khám phá (Cấp độ 2), Miu Nguyễn đưa các bạn trẻ về Việt Nam, đi dọc theo bờ biển với những khoảnh khắc thú vị của mỗi tháng. Những bài học gắn bó với văn hóa Việt nhưng tiết chế, vừa đủ, đặc biệt là những phát hiện nhìn từ góc nhìn dí dỏm, khác biệt của một con mèo sẽ khiến người học hào hứng, quan tâm.
Cấu trúc bài học thường có 3 phần lớn: Luôn có một câu chuyện để tạo tình huống và cũng để kết nối logic xuyên suốt cho cuộc sống các nhân vật, tạo cảm xúc cho chủ đề; sau đó là Luyện âm - ghép vần, cuối cùng là Thử thách.
Về mặt ngữ liệu, trong bộ sách có các câu chuyện, đoạn hội thoại, trò chơi sắm vai, câu đố, thơ ca, đồng dao, âm nhạc, phim hoạt hình, phim tư liệu, đoạn audio, trò chơi trải nghiệm, truyện cổ tích, thí nghiệm, các nhiệm vụ và nhiều thử thách - những nội dung có thể giúp các em nảy sinh động lực học tiếng Việt và giữ được nhu cầu học lâu dài.
Phản hồi tích cực
Nhiều năm kinh nghiệm dạy, lan tỏa tiếng Việt, bà Thụy Anh vẫn nhớ rõ những cô bé, cậu bé học trò đầu tiên của mình.
"Rất nhiều lần tôi vẫn không thể kìm nén nỗi xúc động khi nghe một em bé gốc Việt nói: 'Em là người Việt Nam'. 'Con là người Việt Nam'. 'Cháu là người Việt Nam'. Câu nói đơn giản ấy để có được đâu phải giản đơn. Và nó vang lên như một điệp khúc tuyệt vời".
Sau khi bộ sách Chào tiếng Việt ra mắt, bà Thụy Anh nhận được nhiều phản hồi đáng quý từ các gia đình, học sinh, giáo viên.
"Tôi nhớ nhất cô giáo Huyền ở Hungary sôi nổi gọi điện cho tôi, nói là nhắn tin không nói hết niềm vui của chị khi sử dụng cuốn sách này. Các bạn trẻ thấy hào hứng, muốn học, muốn nói tiếng Việt nhiều hơn.
Các bạn rất yêu quý các nhân vật của bộ sách, nhất là anh Dế và mèo Miu Nguyễn. Một bạn trẻ ở Paris nhận sách đã ngồi đọc một lèo, lấy bút làm bài tập ngay. Một bà mẹ ở Matxcova thường xuyên gửi video chia sẻ cách chị sử dụng Chào tiếng Việt để dạy con. Em bé Veronica của chị sẵn sàng tham gia các hoạt động mà cuốn sách đề xuất", bà kể.
Đặc biệt, bộ sách cũng nhận được sự quan tâm từ chính nhiều bạn trẻ trong nước. Mỗi em lại tìm cho mình một niềm vui trong từng cuốn sách, có thể là thơ, là nhân vật Miu Nguyễn, là các đoạn hội thoại hài hước hay trò chơi thú vị. Với ngữ liệu phong phú và các hình thức hoạt động được thiết kế đa dạng, bộ sách có được sự tương tác trực tiếp với người đọc, người học.