Lan tỏa trong phong trào dân vận khéo
Phong trào thi đua 'dân vận khéo' trên địa bàn huyện Cầu Ngang triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình 'dân vận khéo' tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Trãi, Trưởng ban Ban Dân vận Huyện ủy Cầu Ngang, phong trào thi đua “dân vận khéo” qua thời gian phát động đã thu hút nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và tầng lớp Nhân dân tham gia. Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ trong công tác xây dựng đạt chuẩn huyện NTM.
Nhằm duy trì, phát triển bền vững những mô hình hiện có hiệu quả, đồng thời nhân rộng, phổ biến cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua “dân vận khéo”, tạo sức lan tỏa và tác động tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, huyện đã duy trì 17 mô hình của 16 tập thể và 01 cá nhân được duy trì và nhân rộng của năm 2023: tư vấn giới thiệu việc làm xuất khẩu lao động cho quân dân xuất ngũ; trồng chanh kết hợp với nuôi cá các loại; nuôi tôm càng xanh toàn đực; vận động hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc tôn giáo;… 06 tháng đầu năm 2024, huyện đã xây dựng 52 mô hình, trong đó có 14 mô hình kinh tế; 22 mô hình văn hóa - xã hội; 06 mô hình quốc phòng - an ninh; 10 mô hình xây dựng hệ thống chính trị.
Trong các mô hình “dân vận khéo”, có nhiều mô hình được duy trì thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua. Nhiều mô hình đã vận động hội viên, đoàn viên và các thành phần kinh tế tham gia. Qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động được tiềm năng, nguồn lực và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình như mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, mô hình “mẹ đỡ đầu” trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; mô hình hội viên nông dân, hội cựu chiến binh làm kinh tế giỏi,… đã hỗ trợ cho nhiều hội viên có việc làm, có điều kiện để phát triển kinh tế.
Nông dân Thạch Ngọc Đạt, ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang đã phá thế độc canh cây lúa sang trồng 02 vụ màu - 02 vụ lúa hoặc 01 vụ màu - 02 vụ lúa trên diện tích 0,6ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt 08 - 10 triệu đồng/vụ/0,1ha màu.
Ông Đạt cho biết: ngoài tập trung sản xuất lúa màu, ông còn kết hợp nuôi 07 con bò sinh sản, mỗi năm bán 03 - 04 con bò, lợi nhuận lấy công làm lời khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. Thời gian gần đây, giá bò giảm nên lợi nhuận thấp hơn trước, ông vừa xuất bán 03 con với thu nhập trên 50 triệu đồng, lợi nhuận 20 triệu đồng.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, phong trào “dân vận khéo” trên địa bàn trong thời gian qua góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục. Nổi bật mô hình vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho người nghèo của Hội Chữ thập đỏ,… Trong 05 năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động tương trợ 49.949 phần quà hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, số tiền gần 12 tỷ đồng. Vận động hội từ thiện và mạnh thường quân trong và ngoài huyện 36.647 phần quà cứu trợ 36.647 lượt hộ nghèo gồm nhu yếu phẩm và các vật dụng khác trị giá trên 8,3 tỷ đồng. Vận động và tiếp nhận 62 chiếc xe lăn, 02 xe lắc cho 64 người tàn tật với số tiền 202 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong huyện vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tặng 45.360 phần quà cho người nghèo, các đối tượng xã hội hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;…
Bên cạnh đó, công tác “tuyên truyền, vận đông xây dựng mô hình “Chi hội mẫu”; “Chi hội mẫu tiên tiến”; gắn với mô hình “7+1” trong Hội Cựu chiến binh huyện để tạo ra nhân tố mới trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần giải quyết được nhiều việc cho địa phương, tạo sự đồng thuận, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống, trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Điển hình như mô hình tổ hợp tác lúa, màu của hội viên cựu chiến binh Mai Văn Tiếp, ở ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc; mô hình hợp tác xã nuôi nghêu ở xã Mỹ Long Nam…
Một lĩnh vực được huyện quan tâm trong thời gian qua là chỉ đạo xã Mỹ Long Bắc nỗ lực xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Qua đó, tích cực vận động Nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong phong trào xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đã huy động nguồn lực, của Nhân dân hiến đất đóng góp để xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, các tuyến đường đèn sáng - xanh - sạch - đẹp; nâng chất lượng, giữ vững 06/06 ấp NTM kiểu mẫu.
Thông qua việc thực hiện các mô hình dân vận trong phát triển kinh tế không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, còn giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Từ đó bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng; ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao,… dân chủ ở cơ sở được phát huy; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/lan-toa-trong-phong-trao-dan-van-kheo-38677.html