Lan tỏa văn hóa Việt ở Mỹ

Hình ảnh các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt với những chiếc áo dài thướt tha biểu diễn trong chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở ngoại ô thủ đô Washington D.C những ngày đầu tháng 5 đã thu hút sự chú ý của mọi người.

Bên cạnh những tà áo dài duyên dáng, nhiều tiết mục văn nghệ tái hiện hình ảnh ngày mùa rộn ràng tất bật ở làng quê Việt Nam và các bài hát ca ngợi quê hương đất nước do các bạn nhỏ thuộc thế hệ thứ ba người Việt sinh sống trên đất Mỹ thể hiện rất được người Mỹ ưa chuộng. Các màn trình diễn nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh do các bạn trẻ người Việt ở Mỹ biểu diễn thu hút sự chú ý của nhiều khán giả tại NASA.

Hơn thế nữa, trong dịp này, nhiều món quà thủ công đặc trưng của người Việt như các loại đèn lồng, nhạc cụ, đồ dùng sơn mài hay búp bê cô gái ba miền, các loại nông cụ và các vật dụng thường ngày tại các làng quê Việt Nam xưa như gánh, thúng, sàng… cũng được giới thiệu đến mọi người.

Các vật lưu niệm của Việt Nam trưng bày tại NASA

Các vật lưu niệm của Việt Nam trưng bày tại NASA

Tất cả thuộc chuỗi hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa Việt ở Mỹ nhân tháng 5 - Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương. Nghị quyết được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 1-5-2009 và sau đó Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama ký công nhận tháng 5 là Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương để tôn vinh và khuyến khích gìn giữ các di sản văn hóa của người gốc Á trên đất Mỹ.

Trong tháng 5, ngoài chương trình biểu diễn văn hóa Việt Nam ở NASA sẽ có thêm nhiều cơ quan, trường học của Mỹ tổ chức các sự kiện về văn hóa Việt Nam, bên cạnh các sự kiện văn hóa và nghệ thuật của các cộng đồng gốc Á khác.

Đây là sự kiện giúp mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về những giá trị văn hóa và di sản của cộng đồng gốc Á, trong đó có văn hóa Việt Nam, vốn được đánh giá là rất phong phú, đa dạng. Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng xem đây là cách hướng về cội nguồn, giúp thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt gìn giữ văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ.

Chị Nguyễn Hạc Vân, một trong những người tham gia sự kiện ở NASA nói: “Tôi qua Mỹ khi mới 9 tuổi nên không hiểu biết nhiều về người Việt và văn hóa Việt. Sự kiện này giúp tôi hiểu rõ hơn nguồn gốc của mình”.

Bà Nguyễn Thu Thủy, thành viên Trung tâm người Mỹ gốc Á, cho rằng, thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở Mỹ không biết nhiều về văn hóa Việt Nam như áo dài, nón lá hay các nét đẹp đồng quê. Vì vậy, tham gia vào các tiết mục văn nghệ với các điệu hát, câu hò và chính bộ áo dài mà các em mặc sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam và tự hào về nền văn hóa của mình. Cuộc trình diễn văn hóa Việt Nam tại NASA giúp nhiều người trong các cộng đồng văn hóa đa dạng của Mỹ hiểu thêm về di sản văn hóa Việt Nam, làm cho mọi người hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Với thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt, sự bất đồng ngôn ngữ với bố mẹ đã từng dẫn tới nhiều mâu thuẫn và căng thẳng trong gia đình. Hai thế hệ, thậm chí ba thế hệ với hai nền tảng văn hóa khác nhau đã có lúc tưởng không thể cùng ngồi lại để bình tĩnh suy xét mâu thuẫn.

Tuy nhiên, thông qua các chương trình giao lưu văn hóa và trao dồi thêm tiếng Việt, các thành viên trong gia đình đã và đang ngày càng thân thiết hơn. Nhiều em học sinh, sinh viên người Mỹ gốc Việt quyết tâm học tiếng Việt để có thể một ngày nào đó quay lại quê hương và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Cầu nối đưa các em tới với tiếng Việt chính là bộ môn Việt Nam học tại nhiều trường đại học ở Mỹ, trong đó có Đại học Columbia, New York.

Dù mới đi vào hoạt động được 5 năm, trong đó mất 2 năm đại dịch, nhưng các lớp tiếng Việt tại Đại học Columbia đang ngày càng đông sinh viên theo học. Để có ngày hôm nay đó là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô nơi đây, những người luôn hy vọng bộ môn Việt Nam học có thể cất cánh xa hơn nữa, vừa giúp các em tìm về với cội nguồn, vừa mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam.

PHẠM THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-van-hoa-viet-o-my-post689566.html