Lan tỏa văn hóa Việt qua thư pháp

Đến với thư pháp thông qua một khóa học của cộng đồng Phụ nữ với công nghệ (WiT), chị Tracey Tuyet Cu, một doanh nhân sinh sống tại TP Melbourne (Australia), bắt đầu hành trình học hỏi, lan tỏa và chia sẻ nét đẹp của thư pháp Việt tới bạn bè trên thế giới thông qua các lớp học cộng đồng trực tuyến.

Chia sẻ với đài SBS, chị Tracey Tuyet Cu cho biết thích nghệ thuật thư pháp ngay từ khi còn nhỏ nhưng phải đến khi tham gia lớp học của Wit chị mới biết đến các kỹ thuật của môn nghệ thuật này. Và từ mong muốn được khai mở tâm trí bằng thư pháp, chị Tracey Tuyet Cu đã đưa môn nghệ thuật này thành con đường kết nối văn hóa Việt Nam với thế giới.

 Lớp học trực tuyến thư pháp của chị Tracey Tuyet Cu. Ảnh: SBS

Lớp học trực tuyến thư pháp của chị Tracey Tuyet Cu. Ảnh: SBS

Nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của nghệ thuật thư pháp Trung Quốc nhưng đã phát triển để kết hợp cả Hán Nôm cũng như bảng chữ cái Latinh được sử dụng trong tiếng Việt hiện đại ngày nay. Thư pháp thường được dùng để truyền tải những thông điệp về tinh thần và triết học thông qua phong cách và sự cân bằng trong từng nét vẽ.

Vì vậy, chị Tracey Tuyet Cu tin rằng việc lan tỏa nghệ thuật thư pháp không chỉ là bảo tồn và phát triển một truyền thống văn hóa lâu đời mà còn mang lại những giá trị tinh thần và lợi ích lớn lao cho con người và xã hội như: giá trị giáo dục và phát triển cá nhân, rèn luyện tâm hồn và trí tuệ.

Thư pháp còn thể hiện cái đẹp và nghệ thuật một cách có chiều sâu; giúp kết nối và truyền cảm hứng giữa các thế hệ. Đặc biệt, bộ môn này còn giúp xây dựng cầu nối văn hóa quốc tế bởi thư pháp là một nghệ thuật có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Hiện chị Tracey Tuyet Cu đang điều hành lớp học trực tuyến miễn phí tại nhà ở TP Melbourne, trong đó có nhiều học viên không phải người Việt Nam. Một khóa học kéo dài 3 tháng, mỗi tuần hai buổi, từ 20 giờ đến 21 giờ 30 phút. Dụng cụ học tập rất đơn giản và tốn ít chi phí, gồm bút lông, mực, giấy và nghiên đựng mực.

Lớp học được mở ra với mong muốn hỗ trợ cho tất cả mọi người có cơ hội luyện tập và thư giãn với thư pháp. Một số học viên trong lớp đã chia sẻ rằng sau một ngày làm việc căng thẳng, họ rất thích vào lớp để luyện viết và được giao lưu với các học viên cho thư thái. Không khí trong lớp học khiến họ có cảm giác thật nhẹ nhàng và đầm ấm. Trong lớp học, mọi người có thể vừa viết vừa chia sẻ với nhau về cuộc sống một cách rất tự nhiên nên từ từ họ trở nên thân thiết và cùng vui vẻ học tập.

 Chị Tracey Tuyet Cu đam mê nghệ thuật thư pháp. Ảnh: SBS

Chị Tracey Tuyet Cu đam mê nghệ thuật thư pháp. Ảnh: SBS

“Lối viết thư pháp mà lớp học đang theo đuổi được gọi là “thư pháp từ tâm”, nghĩa là rèn chữ - rèn tâm. Với phong cách viết chân phương được phát triển từ nét chữ Latinh và giáo trình hướng dẫn được thiết kế sao cho đơn giản và dễ thực hành nhất nên rất phù hợp cho người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài học viết thư pháp”, chị Tracey Tuyet Cu cho biết.

Chị Linh Le, ở TP Melbourne, chia sẻ lớp học thư pháp của chị Tracey Tuyet Cu đã giúp chị thư giãn, “kết nối lại với sự bình yên trong tâm hồn” sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Đối với chị Linh Le, việc luyện tập thư pháp không chỉ là theo đuổi một môn nghệ thuật mà còn là một hành trình phát triển bản thân. “Thư pháp dạy tôi sự kiên nhẫn. Tôi cũng học được cách điều hòa nhịp thở để giúp kiểm soát bút vẽ và có những nét bút bay bổng”, chị Linh Le nói.

Trong khóa học thư pháp của chị Tracey Tuyet Cu, học viên cũng được học vẽ tranh thủy mặc. Như vậy, chỉ sau một khóa, người học đã có khả năng sáng tạo được một bức thư - họa độc đáo.

Tháng 6 vừa qua, chị Tracey Tuyet Cu cùng các cộng sự và học viên đã tham gia xác lập một kỷ lục về thư pháp. Theo đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục về lộ trình hướng dẫn và thực hành thư pháp trực tuyến liên tục trong 7 ngày với số lượng học viên tham dự đông nhất (hơn 1.000 người ở 21 quốc gia).

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-van-hoa-viet-qua-thu-phap-post761212.html