Lan tỏa văn hóa Việt trên quê hương Phật pháp

Lan tỏa văn hóa Việt trên quê hương Phật pháp

Ẩm thực, chữ viết và trang phục là những thứ quan trọng nhất để nhận diện cũng như kết nối các nền văn hóa. Và tất cả những thứ đó đều hiện diện ở Thiền viện Trúc Lâm - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Sri Lanka. Mới được xây dựng cách đây 4 năm, nhưng Thiền viện Trúc Lâm giờ đây không chỉ là nơi tu tập thiền định mà còn trở thành điểm giới thiệu, lan tỏa văn hóa Việt Nam.

Bài 1: Sứ mệnh và nhân duyên

“Khi đến Sri Lanka và quyết định ở lại xây dựng Thiền viện Trúc Lâm, thầy thấy đây là sứ mệnh quan trọng, cũng là nhân duyên rất lớn. Thầy muốn đưa các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đến với người dân Sri Lanka và quốc tế, thông qua việc dạy tiếng Việt, cũng như cho họ hiểu về văn hóa, truyền thống của người Việt Nam”, Đại đức Thích Pháp Quang - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm chia sẻ.

Tinh thần Việt luôn hiện diện

“Việt Nam - quê hương đây rồi!” - Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, thốt lên khi bước qua cổng Thiền viện Trúc Lâm trong chuyến hành hương đến Sri Lanka rước cây bồ đề thiêng được ươm từ cội bồ đề Vĩ đại cát tường về Việt Nam. “Nhìn thấy tre trúc, cây xương xông, lá lốt là thấy Việt Nam”, Thượng tọa nói thêm.

Thực ra, hình ảnh Việt Nam đã được nhìn thấy từ ngoài cổng Thiền viện Trúc Lâm qua hình ảnh tà áo dài Việt Nam được các bà, các mẹ, các bé gái, bé trai Sri Lanka mặc để đón đoàn khách từ Việt Nam sang. Đại đức Thích Pháp Quang cho biết, người dân ở đây rất thích Việt Nam, không chỉ mặc áo dài, nói tiếng Việt mà còn múa, hát các bài hát bằng tiếng Việt.

Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc tại ngôi làng nhỏ Ambakote, thị trấn Diagana, cố đô Kandy, cách thủ đô Colombo hơn 130km. Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Sri Lanka được Đại đức Thích Pháp Quang, một nhà sư Việt Nam sang đây tu học và ở lại xây dựng từ năm 2020.

 Các em nhỏ đang sinh hoạt tại Thiền viện Trúc Lâm biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka tổ chức. Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm

Các em nhỏ đang sinh hoạt tại Thiền viện Trúc Lâm biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka tổ chức. Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm

Năm 2023, đón Đoàn của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đến thăm, được nghe tụng kinh bằng tiếng Việt, Đại đức Thích Pháp Quang “xúc động đến phát khóc. Vì có năng lượng nào đó làm cho mình cảm thấy quê hương, tinh thần và chính người Việt Nam đang hiện diện ở đây, cùng mình”.

“Là người con Phật, phụng sự và hành đạo nên tùy thuận vào trú xứ mình đang ở qua các công việc thực tế đúng người, đúng lúc. Trên tinh thần đó, ngôi chùa Việt Nam tại Sri Lanka luôn cố gắng hết sức qua công việc hoằng pháp và thiện nguyện, lan tỏa tình yêu thương đến với mọi người”, Đại đức Thích Pháp Quang chia sẻ. “Chọn bài tập khó thì phải kiên nhẫn, cần thời gian. Hoằng pháp xa cũng vậy! Phải luôn giữ tâm kiên định, có hướng đi phù hợp, lợi mình và lợi người”.

“Quả thực, xây dựng một ngôi chùa quốc tế ở đây rất vất vả. Trong mấy năm qua, thầy trò đã phải làm việc cật lực, vừa học, vừa làm, vừa xây chùa, mới có được Trúc Lâm như hiện nay, mặc dù vẫn chưa hoàn thiện. Mảnh đất xây chùa trước đây là rừng rậm, cỏ mọc tới đầu, gần như không ai qua lại. Khi thầy nhận mảnh đất và quyết định xây chùa, người dân xung quanh đến giúp làm sạch cỏ mấy ngày”, Đại đức Thích Pháp Quang nhớ lại.

Giờ đây, Thiền viện Trúc Lâm không chỉ là nơi tu tập thiền định mà còn trở thành điểm giới thiệu, lan tỏa văn hóa Việt Nam với người dân Sri Lanka và du khách quốc tế. Các lễ hội văn hóa địa phương, lễ, tết truyền thống của Việt Nam hay thậm chí Lễ hội Văn hóa và Hội chợ từ thiện quốc tế do Bộ Ngoại giao, Lao động ngoài nước và Du lịch Sri Lanka tổ chức, hình ảnh các cô bé, cậu bé Sri Lanka đến từ "gia đình Trúc Lâm" mặc áo dài Việt Nam tự tin trình diễn nhảy sạp hay múa nón và hát các bài hát Việt Nam giờ không còn xa lạ.

Điểm kết nối văn hóa, tình hữu nghị và Phật giáo Việt Nam - Sri Lanka

“Thiền viện Trúc Lâm đặc biệt lắm, tôn giáo nào đến cũng được hết”. Đại đức Thích Pháp Quang kể, có hai bạn Thiên Chúa học lớp tiếng Việt ở Trúc Lâm đòi xuất gia, xin bố mẹ cho đi theo sư phụ. Nhiều bạn người Hindu cũng đến thiền viện, trong khi vốn người Hindu không đến chùa Phật giáo. “Nói như thế để thấy Thiền viện Trúc Lâm không chỉ kết nối Phật tử bên đây mà cả những người thuộc các tôn giáo khác cũng đến sinh hoạt y như Phật tử. Tâm mình mở nên mọi người thấy được điều đó. Mình trân quý sinh ra là người Việt Nam lúc nào cũng cho mọi người cảm giác thân thiện, gần gũi, nên ai cũng muốn đến”.

 Dân làng Ambakote, thị trấn Diagana, cố đô Kandy, Sri Lanka trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam

Dân làng Ambakote, thị trấn Diagana, cố đô Kandy, Sri Lanka trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam

Không chỉ tập trung tu tập, hoằng pháp, các nhà sư Việt Nam tại Thiền viện Trúc Lâm cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, qua đó giúp gắn kết với người dân sở tại. 3 năm liên tiếp, Sri Lanka bị khủng hoảng kinh tế, rồi đại dịch Covid-19 ập đến khiến người dân rơi vào cảnh đói khổ, nhất là ở vùng nông thôn. Thời gian đó, Đại đức Pháp Quang đã kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm kịp thời hỗ trợ những suất quà cứu đói. Từ năm 2020, Học bổng Trúc Lâm hàng tháng tặng gạo và tiền giúp học sinh các gia đình khó khăn trong khu vực không phải nghỉ học giữa chừng. Như năm 2024, Học bổng Trúc Lâm đã được trao tặng cho 1 phó tiến sĩ, 3 sinh viên đại học, 20 học sinh phổ thông…

Theo Đại đức Thích Pháp Quang, học bổng Trúc Lâm Sri Lanka được hình thành từ tình thương, trí tuệ và lòng biết ơn, đã viết tiếp ước mơ của nhiều em nơi đây và giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. "Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động do dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng, việc hành thiện sẽ giúp cho con người tĩnh tâm. Tâm từ bi giúp con người mở rộng lòng mình, san sẻ tình yêu thương, giảm bớt khổ đau”. Đó cũng là cách thu hẹp khoảng cách giữa người dân sở tại với ngôi chùa Việt Nam, kéo các em đến Trúc Lâm, bắt đầu hành trình khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt và văn hóa Việt.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lan-toa-van-hoa-viet-tren-que-huong-phat-phap-post400222.html