Lan tỏa yêu thương từ bộ sách giáo khoa cũ

Những năm qua, phong trào tặng sách cũ cho học sinh có nhu cầu đã giúp cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn bớt đi gánh nặng đầu năm học. Đây là một trong những hành động thiết thực tại các trường khi năm học mới sắp bắt đầu.Năm học 2024 - 2025 được xem là năm học đặc biệt bởi Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 sẽ 'phủ kín' từ bậc tiểu học đến THPT. Năm học này, với học sinh lớp 5, 9 và 12 phải mua thêm sách mới thì với học sinh các khối còn lại có thể sử dụng lại sách giáo khoa cũ khi cần thiết.

Tặng SGK cũ cho học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho.

Năm học này, con gái của chị Nguyễn Kim Anh, ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho lên lớp 11, con trai học lớp 8. Ngay sau khi năm học kết thúc, chị cẩn thận gói lại các bộ sách giáo khoa (SGK) của hai con để tặng cho ai có nhu cầu. Riêng hai con của chị được các anh em trong họ hàng tặng lại bộ sách cũ để sử dụng cho năm học mới này. “Gia đình đơn chiếc, thiếu trước hụt sau. Đầu năm học mới với rất nhiều khoản chi. Nếu tính sơ bộ, một bộ SGK lớp 11 có giá hơn 150 ngàn đồng, chưa bao gồm sách tiếng Anh, sách Lịch sử địa phương, các môn chuyên đề, sách bài tập và sách tham khảo.

Còn giá một bộ sách lớp 8 đầy đủ cũng trên 300 ngàn đồng. Nếu sử dụng lại bộ sách cũ sẽ tiết kiệm cho được khoảng hơn 700 ngàn đồng. Tuy là sách cũ nhưng nội dung không thay đổi nên không ảnh hưởng gì đến kiến thức. Được học lại sách cũ càng khiến các con tôi càng thêm trân trọng sự giúp đỡ của người khác” - chị Kim Anh tâm sự. Còn với gia đình chị Phan Kiều Thuận, nhà ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Hiện tôi đã xin được 2 bộ SGK lớp 4 và lớp 6 cho các con. Cho con dùng lại sách cũ cũng là cách giáo dục con đức tính tiết kiệm và giữ gìn sách thật cẩn thận”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho Võ Huỳnh Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm các lớp tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tham gia phong trào này. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc học sinh không viết, vẽ bậy vào sách và không làm rách sách, nhờ vậy mà các em đã giữ gìn sách cẩn thận hơn. Cùng với đó, trường đã tích cực tuyên truyền, vận động nên hầu hết các phụ huynh đều đồng tình, hưởng ứng phong trào. Trong tháng 5-2024, Liên đội Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương đã tiến hành thu và trao tặng công trình “Sách giáo khoa cho em” với 137 bộ sách đã được trao tay cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong toàn trường”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang, trong mỗi năm học, ngành đều có hướng dẫn về sử dụng SGK nhằm để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục cần quan tâm, hướng dẫn, giáo dục học sinh không viết, vẽ vào SGK để sách sử dụng lại lâu bền, tiết kiệm, chống lãng phí.

Những năm qua, công trình “Sách giáo khoa cho em” đã có nhiều lan tỏa tích cực tại khắp các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Từ phong trào này, hàng ngàn bộ SGK đã được trao tặng trong rất nhiều năm học qua để “tiếp sức” cho nhiều hoàn cảnh học sinh vượt khó đến trường. Tại Trường THCS Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, cô Bùi Huỳnh Thơ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do đặc thù của một số SGK được biên soạn theo hướng điền khuyết, ghép nối... Vì vậy, nhà trường đã hướng dẫn học sinh sử dụng bút chì khi cần ghi chú vào sách, để sau này có thể xóa và sách tiếp tục được sử dụng ở các năm học sau. Sau khi kết thúc năm học, nhà trường vận động học sinh tặng cho trường SGK cũ để tặng cho học sinh nghèo.

Thống kê sơ bộ bước đầu của Sở GD-ĐT cho thấy, tổng số sách giáo khoa cũ các trường đã tặng cho thư viện trường học trong năm học 2023 - 2024 như sau: Cấp THCS: 590 bộ và 4.820 quyển sách lẻ; cấp tiểu học: 3.006 bộ và 14.532 quyển sách lẻ. Theo Phó Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng, bằng nhiều cách làm thiết thực, phong trào tặng SGK đã mang lại nhiều lợi ích nhất định.

Trước hết sẽ giúp học sinh có đủ tài liệu để học tập, nâng cao chất lượng học tập. Thứ hai, từ phong trào này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình nghèo, tạo điều kiện cho con em họ tiếp tục đến trường. Trong thời gian tới, thiết nghĩ các trường học cần lan tỏa sâu rộng phong trào này trong các trường học. Bởi khi trao đi những bộ sách cũ còn nguyên giá trị còn là cách để giáo dục cho học sinh tinh thần sẻ chia và yêu thương trong cuộc sống.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202408/lan-toa-yeu-thuong-tu-bo-sach-giao-khoa-cu-1017823/