Lan tỏa yêu thương từ 'Tiệm nơ Bút style'

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Nguyễn Thị Hà là một cô gái nhỏ nhắn, nụ cười luôn thường trực trên môi.

 Nguyễn Thị Hà cần mẫn làm những chiếc kẹp tóc, nơ cài áo từ vải vụn

Nguyễn Thị Hà cần mẫn làm những chiếc kẹp tóc, nơ cài áo từ vải vụn

Hà quê ở Thanh Hóa. Năm 2017, cô nên duyên và lập gia đình cùng anh Nguyễn Hữu Bút, người cùng quê. Cuộc sống gia đình nhỏ tuy không khá giả nhưng hạnh phúc. Biến cố ập đến vào đầu năm 2021, chồng Hà phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư phần mềm, sau 1 năm thì di căn sang xương với những cơn đau nhức hành hạ.

Vậy là hai vợ chồng bắt đầu chuỗi ngày điều trị bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) với những chuyến xe ngược xuôi. Hà phải từ bỏ công việc là giáo viên mầm non để cùng chồng ra bệnh viện điều trị.

Hà chia sẻ: "Khi biến cố ập đến, cả 2 vợ chồng đều sốc và có những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng rồi, chính mình là người gượng dậy để làm chỗ dựa tinh thần cho chồng chiến đấu với bệnh tật. Trong quá trình chồng điều trị tại bệnh viện, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Vì vậy, tôi nghĩ phải tìm kiếm một công việc phù hợp cho 2 vợ chồng làm, vừa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống vừa giúp vượt qua những suy nghĩ tiêu cực trong quá trình điều trị kéo dài tại bệnh viện. Và công việc làm những chiếc nơ kẹp tóc, nơ cài áo đã đến với tôi trong hoàn cảnh như thế".

Suốt 3 năm, hình ảnh 2 vợ chồng Hà cần mẫn bên những chiếc nơ trở nên quen thuộc với các y, bác sĩ của bệnh viện. Những chiếc nơ đầu tiên được làm ra, hai vợ chồng tặng cho những bệnh nhân ung thư mà họ gặp tại bệnh viện như một sự đồng cảm, chia sẻ.

Sau đó, Hà đưa hình ảnh sản phẩm lên các trang mạng xã hội và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người.

Sản phẩm của “Tiệm nơ Bút style”

Sản phẩm của “Tiệm nơ Bút style”

Hà chia sẻ: "Khi bắt đầu làm, chồng tôi gặp nhiều khó khăn vì công việc cần sự tỉ mỉ và khéo léo của đôi bàn tay. Nhiều lúc cơn đau nhức xương do bệnh ập đến khiến anh ấy cảm thấy bất lực và muốn từ bỏ.

Nhưng khi đã quen với công việc, anh ấy đã giảm những suy nghĩ tiêu cực. Năm 2023, chồng tôi qua đời, khi đó mới 34 tuổi. Tôi tự nhủ sẽ tiếp tục thực hiện hành trình mà 2 vợ chồng đang dang dở. Vì vậy "Tiệm nơ Bút style" ra đời".

Suốt 2 năm qua, Hà cần mẫn bên vải vóc, kim chỉ để cho ra đời những chiếc nơ đầy màu sắc và kiểu dáng trong căn phòng nhỏ tại quê nhà Hoằng Lưu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tiệm nơ đem lại thu nhập cho 3 mẹ con Hà trang trải cuộc sống. Những sản phẩm của Hà đã được khách hàng đón nhận.

Ngoài bán lẻ, sản phẩm của "Tiệm nơ Bút style" đã có mặt ở các cửa hàng đối tác tại các khu du lịch. Chị Hà mong muốn rằng, mỗi khách hàng đến với tiệm không chỉ là mua sản phẩm cho mình mà còn gửi tặng người thân yêu của mình.

Bản thân chị Hà rất tích cực trong công tác thiện nguyện tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Chị đã kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm ủng hộ, quyên góp những bữa cơm miễn phí hoặc tiền mặt nhằm chia sẻ khó khăn với những bệnh nhân ung thư.

Đồng thời, chị Hà còn nhận đào tạo nghề miễn phí cho những bệnh nhân ung thư có nhu cầu học nghề để kiếm thêm thu nhập. Bởi theo chị Hà, những chiếc nơ vải dù mang lại thu nhập không cao nhưng có tác dụng chữa lành tâm hồn, giúp những bệnh nhân ung thư có một công việc phù hợp với sức khỏe của mình, từ đó có tinh thần tích cực hơn trong hành trình "chiến đấu" với bệnh tật.

Câu chuyện của chị Hà và "Tiệm nơ Bút style" là hành trình của ước mơ và truyền cảm hứng cho những bệnh nhân ung thư về sự nỗ lực vươn lên, sống tích cực dù hoàn cảnh khó khăn.

Bài, ảnh: Linh Nga

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lan-toa-yeu-thuong-tu-tiem-no-but-style-20240826133114586.htm