Lán trại tạm trong rừng và sự liều lĩnh của người vượt biên vào Anh
Ở các trại tạm mọc lên gần Calais, thành phố nằm bên eo biển Manche nối Pháp với Anh, hàng nghìn người sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho bọn buôn người để có cơ hội vượt biên vào Anh.
Vì thời hạn Anh ra khỏi châu Âu (Brexit) ngày càng gần, nhiều di dân lo ngại sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nên họ càng nôn nóng tìm mọi cách vào Anh bất chấp rủi ro, thậm chí đánh đổi cả mạng sống.
Theo hãng tin ITV News, có khoảng 1.000 đến 1.500 người tị nạn và di dân đang sống tạm bợ tại các lán trại ở miền bắc Pháp, với khoảng 600 trong số này tập trung ở Calais. Nhiều người từ các nước như Iran, Afghanistan và Eritrea ra đi mang theo ước mơ về một cuộc sống không xung đột, trong khi không ít người vì lý do kinh tế.
Phóng viên của ITV News đã dành nhiều tuần thâm nhập các lán trại trên những bãi đất hoang ở Calais được gọi là "Rừng", ăn ở cùng người di cư và lắng nghe những câu chuyện để khắc họa phần nào hành trình mạo hiểm mà họ sẵn sàng chấp nhận để đến Anh.
Để được các di dân này tin tưởng không phải điều dễ dàng và nhanh chóng. Lúc đầu họ tỏ ra nghi ngờ khi nghe phóng viên ITV News nói anh muốn đưa cháu mình sang Anh bằng thuyền.
"Có lý do để một số người nghi ngờ, đó là vì bạn đến từ Anh và rất nhiều người từ Anh là nhà báo hoặc điệp viên", một người đàn ông Iran giải thích.
Phóng viên ITV News sau đó cố tìm một tay buôn người bằng thuyền, nhưng chỉ có thể tìm thấy những kẻ buôn người bằng xe tải, phương tiện phổ biến nhất vào Anh hiện tại.
"Không cần nói nhiều. Tôi nhận lời", một đối tượng nói. "Trong vòng một tuần, tôi sẽ đưa anh đi. Nếu không thành, tôi sẽ trả lại tiền. Cứ đi với tôi. Tôi sẽ đưa anh đi hàng đêm cho đến khi nào qua được thì thôi".
Người phóng viên nói: "Không phải tôi, mà là cháu tôi".
"Nghe này, đưa tôi 3.000 Euro và tôi sẽ giúp anh", đối tượng ra giá.
Một số người cho biết, đi lậu bằng xe tải tuy đắt hơn nhưng chắc ăn hơn. Một người Afghanistan kể với phóng viên ITV News rằng, "ba đêm trước có người lên xe tải và anh ta trả 12.000 Euro".
"Bao nhiêu người vậy?", phóng viên hỏi.
"Có mỗi một người thôi".
"Một người? Ít vậy sao? Họ làm giấy tờ giả cho anh ấy à?".
"Không, họ có một chỗ đặc biệt được thiết kế trong xe tải", người nhập cư đáp. "Thậm chí một con ruồi hay con chó cũng chả thể phát hiện được. Không có cách nào tìm được chỗ đó".
Khi tiếp tục tìm người tổ chức đi lậu bằng thuyền tới Anh, phóng viên đã gặp gỡ và thấy nhiều người lo lắng sẽ mất cơ hội vượt biển vì Brexit.
Một người Iran than thở: "Brexit diễn ra, thì sau đó, để xin tị nạn thành công ở Anh là vô cùng khó… Nó sắp diễn ra chưa?".
"Vài tháng nữa thôi", phóng viên ITV News trả lời.
"Ơn Chúa, tôi sẽ đi trước khi điều đó diễn ra", người đàn ông Iran nói.
Những chuyến vượt biên bằng thuyền chủ yếu do người Iran sắp xếp và thực hiện. Đó là cơ hội mà nhiều người di cư từ nước khác thèm muốn. Một người Afghanistan thừa nhận vì "chúng tôi không có được sự đoàn kết như người Iran".
Sau vài ngày, hóa ra các kế hoạch vượt biển bằng thuyền là lừa đảo vì người đi phải tự lo mà không có bọn buôn người đưa đường.
"Anh biết bạn tôi chứ?", một người từ Iran cay đắng nói. "Cậu ấy có một người bạn tên là Rachmanov. Hắn là con trai một kẻ buôn người đã quịt tiền của chúng tôi – 1.800 Euro của bạn tôi, 1.100 Euro của tôi và của một người khác nữa. Chúng tôi đã đưa tiền cho hắn mua hộ thuyền. Mọi người đều biết câu chuyện đó, cả đám thanh niên Afghistan cũng biết, cứ hỏi mà xem, họ sẽ kể cho anh nghe chuyện gì thực sự đã xảy ra. Đó là lý do chúng tôi không có tiền mua thuyền. Tôi thề có Chúa, tôi không có tiền"
Rồi người đàn ông này đăm chiêu về lý do anh rời bỏ quê nhà. "Ở Iran, có nhiều vấn đề lắm. Bố tôi bị ung thư. Ông đã mất hai người con trai khác rồi, một người chết trong bệnh viện và chúng tôi còn không có tiền trả viện phí, một người thì chết vì tai nạn".
"Mẹ tôi nay đã 80 tuổi. Chúng tôi có nhiều khó khăn lắm. Chúng tôi phải nhờ đến morphine để duy trì cuộc sống của mẹ. Tôi tới đây để làm việc rồi gửi tiền về nhà".
Nhưng vượt biên vào Anh bằng thuyền thì thất bại nhiều hơn thành công. Một người nhớ lại lần một nhóm người chỉ còn cách cảng Dover 1km thì bị bắt. "Họ đã đợi giữa biển suốt một giờ cho đến khi con tàu Pháp đến và đưa họ quay trở lại".
Theo ITV News, những người di cư rất thận trọng trong việc che đậy dấu vết nếu họ vượt biên không thành công.
"Cảnh sát không thể lần theo dấu vết nơi bạn nhận thuyền à?", phóng viên hỏi.
"Bạn chỉ phải xóa dãy số trên thuyền rồi thì sau đó không ai có thể tìm được gì về bạn nữa", một người Iran trả lời. "Kể cả trên động cơ cũng có một dãy số và nó phải được xóa đi".
"Có hai ốc vít hai bên nên rất dễ tháo ra rồi thả động cơ xuống biển nếu bị phát hiện", một người Iran khác tiết lộ thêm. "Vẫn có chỗ bạn có thể mua được thuyền mà không cần giấy tờ".
Một người Iran đưa phóng viên ITV News tới một bãi biển cách Calais hơn 30km về phía tây. Anh này kể: "Lần đầu chúng tôi đi thuyền, gió mạnh đến nỗi thuyền bị nhấc khỏi mặt nước. Vì vậy, chúng tôi nhất trí phải chờ thêm. Lúc này quá xấu. Ánh sáng duy nhất bạn có thể nhìn thấy vào ban đêm là Dover", người đàn ông nói và hướng về phía Anh.
Ít phút sau, hai cảnh sát Pháp tiếp cận họ, đề nghị cho xem giấy tờ tùy thân. Cảnh sát đưa cả hai tới giam ở Coquelles, nơi người nhập cư Iran phải ở 12 ngày. Khi được thả, anh này không để phí thời gian.
Ngay khi thời tiết thuận lợi, anh cùng 8 người bạn (7 người Iran và 1 người Afghanistan) gom được 4.500 Euro để mua một con thuyền hơi và một động cơ gắn ngoài. Họ thuê một tài xế đưa cả nhóm cùng con thuyền tới nơi xuất phát để vượt biên vào giữa đêm. Tuy vậy, kế hoạch này trục trặc vì tài xế đến muộn, tận 4h15 phút sáng. Họ liền vội vã lắp và bơm thuyền trong bóng tối.
Lần đi đầu tiên thất bại khi thuyền bị sóng xô ngập nước. Một người trở lại bãi biển và bật khóc khi thấy giấc mơ tới Anh của mình đã vỡ tan.
Tuy nhiên, thất bại này lại có thể là một may mắn, bởi một tàu chiến Pháp khi đó đang tuần tra theo cung đường họ định đi. Họ tiếp tục chờ để động cơ khô nước rồi lại lên đường.
Vài giờ sau đó, sau khi từ chối chuyển sang một tàu tìm kiếm cứu hộ của lực lượng biên giới Anh, họ đã đến Dover, ở trên đất Anh. Người nhập cư Afghanistan bị bắt vì tình nghi nhập cảnh trái phép và được tại ngoại sau 24 giờ thẩm vấn, trong khi điều tra vẫn tiếp diễn. Cả 9 người nói họ có ý định xin tị nạn khi tới Anh nhưng chưa rõ số phận của họ hiện giờ thế nào.