Lan truyền cảm hứng học tập

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học Hà Nội với bảng điểm học tập xếp loại giỏi, tôi đã quyết định trở về quê hương để thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng. Trường THPT Hương Cần nơi tôi dạy học có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số. Học sinh ở quê tôi còn nhiều thiệt thòi, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở nơi thị thành.

Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng các học sinh Trường THPT Hương Cần giao lưu với bạn bè quốc tế bằng Tiếng Anh qua điện thoại thông minh kết nối Internet. Ảnh: Vũ Thanh

Điều khiến tôi trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi đâu cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố” hay “trên hành trình vươn tới tri thức không có một đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau”. Tôi luôn tâm niệm “Giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ” vì thế tôi luôn cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học sao cho thu hẹp những khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của đất nước và thế giới… Bản thân cũng từng là học sinh người dân tộc thiểu số nên tôi rất thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn của học sinh đồng bào mình. Là giáo viên dạy ngoại ngữ tôi luôn mong muốn làm sao để có thể có môi trường ngoại ngữ cho học sinh (trong khi đó vẫn là còn rào cản với ngay cả học sinh ở thành phố). Tôi đã thật sự vỡ òa khi biết tới mô hình lớp học kết nối toàn cầu “mô hình lớp học xuyên biên giới” từ ngay mảnh đất của quê hương mình, và tôi hiểu rằng mình đang đi đúng đường và thực sự không cô đơn…Trong một lần tham gia dự án được Sở Giáo dục và Đào tạo phát động năm 2018, tôi đã biết đến cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam. Từ đó tôi say mê tham gia và đã học tập được ở các thầy giáo, cô giáo trong cả nước rất nhiều điều tuyệt diệu, điều kỳ diệu hơn là tôi có thể kết nối với cộng đồng giáo viên quốc tế. Trong một buổi trưa hè đang học tập cùng các thầy cô giáo quốc tế, tôi có hỏi một thầy giáo người châu Phi về phương pháp học ngoại ngữ ở quốc gia của thầy đang sinh sống, vì tôi tò mò GDP của họ thấp hơn Việt Nam nhưng chỉ số năng lực ngoại ngữ của quốc gia của họ cao hơn Việt Nam, trong lúc cao trào nhất thì nhà tôi bị mất điện. Tôi bối rối liền tính chạy sang nhà hàng xóm có máy nổ để bắt sóng wifi nhờ, nhưng đang trưa tôi ngại làm phiền nên quyết định sẽ ra vườn chuối của nhà mình sát với tường của nhà hàng xóm để bắt nhờ wifi tiếp tục cuộc trò chuyện dang dở về phương pháp kỹ năng dạy học của thế kỷ XXI. Tôi đã ngồi ở vườn chuối hơn 2 tiếng đồng hồ giữa trưa hè nắng oi ả, nhưng đó là buổi đào tạo giáo viên đáng nhớ và hiệu quả nhất mà tôi đã từng được tham dự… Thế rồi tôi đã vận dụng sáng tạo nhiều phương pháp học được từ các thầy cô giáo trong các buổi kết nối ngày hôm đó với học sinh của mình, để rồi ngày hôm nay khi nhìn lại, cô trò chúng tôi đã không còn bị giới hạn ở 4 bức tường của lớp học nữa mà đã cùng nhau vượt qua biên giới quốc gia tới 51 nước trên thế giới…Mô hình lớp học xuyên biên giới giúp các em có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa, thúc đẩy niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu. Tôi đã rất tích cực chia sẻ và mong muốn tạo nên một cộng đồng học tập tích cực trong và ngoài tỉnh; tích cực chia sẻ với nhiều giáo viên nước ngoài ở khắp bốn châu lục khi cùng học sinh của mình đồng hành nhiều dự án quốc tế như “Nói không với ống hút nhựa” - dự án về môi trường được hưởng ứng bởi nhiều trường học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” cô, trò tôi với mong muốn nâng cao nhận thức của học sinh Việt Nam về an toàn khi sử dụng mạng xã hội, dự án đã lan tỏa đến được 43 trường học trên cả nước và 21 quốc gia trên thế giới; dự án “Thư viện hạnh phúc” đã giúp học sinh có thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí trong việc học tập và tìm kiếm tri thức.Tôi cũng đã có nhiều buổi chia sẻ, phát triển chuyên môn với những đồng nghiệp trong và ngoài nước dù tôi mới chỉ gặp qua màn hình máy tính. Điều khiến tôi thật sự ngưỡng mộ ở họ đó là tinh thần học tập và làm việc hăng say, bất chấp khoảng cách về tuổi tác, không gian và tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi hiểu rằng việc mình chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới những người đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều học sinh tốt hơn. Những bài nghiên cứu khoa học, những thành tích được quốc tế công nhận khiến tôi hiểu việc học thường xuyên, học suốt đời để dạy học, để truyền cảm hứng và khuyến khích mọi người cùng học tập là điều cần phải làm đối với người giáo viên.Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa chúc mừng cô giáo Hà Ánh Phượng lọt tốp 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020.Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt đối với tôi, lần đầu tiên tên tôi xuất hiện hai lần trong danh sách đại diện duy nhất của Việt Nam trong hai sự kiện quốc tế: Là giáo viên duy nhất của Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh Đông Nam Á cùng năm học sinh có thành tí xuất sắc trên cả nước đồng thời cũng là giáo viên duy nhất và lần đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 do Quỹ Varkey trụ sở tại Luân Đôn (Anh) bầu chọn; tôi cũng được trao tặng giải thưởng “10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ tài năng trẻ VN trao tặng và nhận danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020”. Năm 2021 lại là năm đặc biệt đối với tôi hơn nữa khi tôi được cử tri tín nhiệm bầu và trở thành Đại biểu Quốc hội của nước CHXHCN Việt Nam; một lần nữa giải thưởng quốc tế năm 2021- giải thưởng của công chúa Thái Lan dành cho 11 giáo viên xuất sắc nhất ở khu vực Đông Nam Á đã gọi tên tôi…Điều tôi tâm đắc và muốn nhắn gửi tới mọi người đó là: “Thành phố hay nông thôn không phải là rào cản mà sự ngừng học, không chịu học mới là tụt hậu…”.

Hà Thị Ánh Phượng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/net-dep-doi-thuong/202110/lan-truyen-cam-hung-hoc-tap-179925