Landmark 72 sắp đổi chủ?

Tập đoàn AON muốn thoái vốn tại Landmark 72 với giá trị cổ phần gần 750 triệu USD. Vậy ai là đối tác tiềm năng của AON để hoàn tất thương vụ này?

Mirae Asset có thành chủ mới của Landmark 72?

Thông tin về việc AON Plc muốn bán tòa nhà Landmark 72 đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông từ cuối tháng 8, thu hút sự chú ý của giới đầu tư bất động sản và tài chính.

Theo đó, một nguồn tin từ ngân hàng cho biết, Tập đoàn AON đang tìm cách thoái vốn bằng việc bán toàn bộ cổ phần của mình tại Landmark 72 với mức giá hơn 1.000 tỷ won, tương đương 749,5 triệu USD. Hiện tại, AON đang trong quá trình đàm phán với các nhà thầu tiềm năng để hoàn tất thương vụ bán toàn bộ cổ phần trong bất động sản này.

Theo tờ báo Ked Global, một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn đang thể hiện sự quan tâm đến việc mua lại tòa nhà chọc trời nổi tiếng này. Trong số các nhà đầu tư tiềm năng, công ty chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc cũng được đề cập đến như một bên đang cân nhắc việc trở thành cổ đông của Landmark 72.

Tập đoàn AON muốn thoái vốn tại Landmark 72. Ảnh: Landmark 72.

Tập đoàn AON muốn thoái vốn tại Landmark 72. Ảnh: Landmark 72.

Mirae Asset có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tòa nhà khi họ đang xem xét các điều khoản hợp tác và mua lại cổ phần.

AON đã mua tòa nhà Landmark 72 vào năm 2015 từ công ty xây dựng Keangnam Enterprises với giá 454 tỷ won, tương đương 340 triệu USD. Keangnam Enterprises là đơn vị phát triển và xây dựng tòa nhà này.

Thương vụ năm 2015 cũng ghi nhận sự tham gia của Mirae Asset Securities, khi công ty này đầu tư khoảng 400 tỷ won, thông qua việc mua lại các khoản vay cấp cao trị giá 300 tỷ won và trái phiếu chuyển đổi (CB) trị giá 100 tỷ won.

Khoản trái phiếu này hiện vẫn do Mirae Asset nắm giữ và họ đang xem xét việc chuyển đổi số chứng khoán đó thành cổ phiếu phổ thông, một động thái có thể giúp Mirae Asset trở thành cổ đông chính trong thương vụ mua lại Landmark 72.

Tòa nhà Landmark 72, hoàn thành vào năm 2012 bởi Keangnam Enterprises, là một trong những công trình kiến trúc nổi bật tại Hà Nội. Đây là một khu phức hợp bao gồm văn phòng, nhà ở và không gian thương mại. Landmark 72 có một tòa tháp chính cao 72 tầng, với chiều cao 350m, và hai tòa tháp đôi 48 tầng dành cho căn hộ, cao 212m.

Khi được hoàn thành, Landmark 72 đã trở thành biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa tại Việt Nam, đồng thời là tòa nhà cao nhất nước cho đến khi bị soán ngôi bởi tòa Landmark 81 của Tập đoàn Vingroup, cao 461m và 81 tầng, hoàn thành vào năm 2018.

Với vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng hiện đại, Landmark 72 từng là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thương vụ bán Landmark 72 có thể đánh dấu một bước chuyển lớn trong chiến lược kinh doanh của AON, khi tập đoàn này đang tìm cách tái cơ cấu danh mục đầu tư bất động sản của mình.

Dấu ấn của Mirae Asset tại Việt Nam

Mirae Asset là một tập đoàn tài chính toàn cầu có trụ sở chính tại Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1997 bởi nhà sáng lập Park Hyeon-joo.

Đây là một trong những công ty đầu tư lớn nhất tại Hàn Quốc, với sự hiện diện mạnh mẽ trên toàn cầu, bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Hồng Kông... Tập đoàn này chuyên cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính, từ quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư, chứng khoán, đến quỹ đầu tư và quản lý quỹ hưu trí.

Mirae Asset nổi tiếng với chiến lược quản lý quỹ đầu tư theo hướng dài hạn, chú trọng vào các cổ phiếu và tài sản có giá trị bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực đang phát triển như công nghệ, tiêu dùng và năng lượng.

Mirae Asset chính thức có mặt từ năm 2007 và nhanh chóng trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu. Ảnh: Koreantimes.

Mirae Asset chính thức có mặt từ năm 2007 và nhanh chóng trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu. Ảnh: Koreantimes.

Trong quý II/2024, tập đoàn báo cáo doanh thu hoạt động đạt 555,3 tỷ won (khoảng 420 triệu USD), tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hoạt động cũng tăng ấn tượng 102%, đạt 265,2 tỷ won (tương đương 200 triệu USD, khoảng 4.800 tỷ đồng).

Thời gian qua, tập đoàn này đã tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu với những khoản đầu tư lớn như việc mua lại công ty môi giới Ấn Độ Sharekhan với giá 360 triệu USD, hay tham gia vào thị trường ETF tại Anh và Brazil.

Tại Việt Nam, Mirae Asset chính thức có mặt từ năm 2007 và nhanh chóng trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu. Công ty cung cấp các dịch vụ như môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư, và tài trợ vốn cho khách hàng.

Được biết, trong quý II/2024, Mirae Asset Việt Nam đứng trong Top 8 về thị phần môi giới trên sàn HoSE, chiếm 4,4% thị phần.

Đối với kết quả kinh doanh, trong 6 tháng năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 1.300 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 312 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của công ty lên đến gần 21.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đạt 16.750 tỷ đồng. Mirae Asset Việt Nam hiện có vốn điều lệ 6.590 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/landmark-72-sap-doi-chu-192240923105550095.htm