Landmark Holding 'ôm' bao nhiêu dự án BĐS, lùm xùm 'bủa vây' như nào?
Tiền thân là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực hóa dầu, chỉ sau một năm lấn sân sang lĩnh vực bất động sản Landmark Holding đã thâu tóm nhiều dự án lớn từ Bắc đến Nam 'đi kèm' hàng loạt tai tiếng bủa vây.
Thâu tóm nhiều dự án bất động sản từ Bắc đến Nam
Landmark Holding (Mã CK: LMH) được thành lập ngày 24/5/2015, tiền thân là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực hóa dầu, nhưng chỉ sau hơn một năm lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và thâu tóm hàng loạt các dự án lớn từ Bắc đến Nam, Landmark Holding này nhanh chóng đánh dấu tên tuổi trong thị trường bất động sản.
Dự án đầu tiên phải kể đến của Landmark Holding là việc “hồi sinh” dự án Manhattan Tower số 21 Lê Văn Lương, trước đó là Thành An Tower nằm “đắp chiếu” bên bờ vực bị thu hồi…
Tại Hà Nội, bên cạnh dự án Manhattan Tower thì Landmark Holding còn nắm giữ nhiều bất động sản giá trị khác. Cụ thể là 5 căn biệt thự nhà vườn ở dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội). Dự án này có tổng giá trị lên đến hơn 88 tỷ đồng. Theo kế hoạch trong năm 2019, Landmark Holding sẽ tìm kiếm, lựa chọn thời điểm để chuyển nhượng 5 căn biệt thự của dự án Imperia Garden.
Theo Tài Chính Plus, ngoài ra, Landmark Holding đang trong quá trình thương thảo, đàm phán với các đối tác để ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc trở thành đối tác phân phối cho hàng loạt dự án tại Hà Nội như: Dự án Lĩnh Nam, một dự án khác trên đường Trần Phú (Hà Đông), dự án trên trục Lê Văn Lương (Hà Đông)... Các dự án này hầu hết đều là dự án cũ được mua lại với hình thức M&A (hình thức mua bán, sáp nhập).
Tại khu vực phía Nam, Landmark Holding cũng mở rộng quy mô hình thức M&A với các dự án bất động sản. Điển hình là sở hữu khu đất vàng số 9 Mạc Đĩnh Chi ở quận 1, TP HCM.
Dự án này được Landmark Holding mua lại theo hợp đồng mua bán nợ giữa công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Landmark Holding.
Dự án này là tổ hợp văn phòng - khách sạn với tổng diện tích hơn 1.275 m2, tổng mức vốn đầu tư 1.540 tỷ đồng. Trong đó, tòa nhà dự kiến xây dựng 19 tầng (có 4 tầng hầm, 15 tầng dùng làm văn phòng và khách sạn).
Landmark Holding sẽ triển khai xây dựng dự án từ quý 1/2019. Thời gian xây dựng dự kiến 24 tháng.
Bên cạnh đó, Landmark Holding còn thâu tóm dự án căn hộ An Phú. Dự án được dự kiến xây dựng tòa nhà 22 tầng, với tổng số khoảng 180 căn hộ. Tổng chi phí đầu tư gần 580 tỷ đồng.
Lùm xùm "bủa vây"
Trong các dự án bất động sản lùm xùm nhất của Landmark Holding, dự án Thành An Tower gây xôn xao dư luận nhất. Cụ thể, năm 2017, lúc Thành An Tower đang nằm “đắp chiếu” bên bờ vực bị thu hồi, thì cùng với việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, trong vai trò nhà phát triển Landmark Holding quyết định “hồi sinh” dự án Thành An Tower.
Năm 2018, dự án Thành An Tower được Landmark Holding tái khởi động, đổi tên thành Manhattan Tower và được rao bán rầm rộ với mức giá từ 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, dự án này lại bất ngờ dừng thi công, sau đó Landmark Holding gửi thông báo tới khách hàng sẽ rút lui khỏi dự án.
Theo Landmark Holding, ngày 11/6/2019, doanh nghiệp này này nhận được văn bản về việc thu hồi quyền khai thác dự án, nhận bàn giao toàn bộ tài liệu liên quan đến khách hàng, công nợ phải thu của dự án Manhattan. Do đó, từ ngày 15/8, công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình sẽ tiếp quản lại toàn bộ khách hàng mua nhà dự án Manhattan…
Việc Landmark Holding gửi thông báo rút khỏi dự án đang làm nhiều người thêm hoang mang. Ngoài ra, theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp, trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty cổ phần Landmark Holding quý 2/2019, phần nợ phải trả của Landmark Holding ghi nhận lượng tiền khách hàng ứng trước cho công ty để mua căn hộ ở Manhattan Tower đã tăng lên 207,1 tỷ đồng.