Làng An Sơn

Làng An Sơn là miền quê có bề dày lịch sử của vùng đất Quảng Trị. Qua bao biến cố, con người nơi đây đã vượt qua thử thách để làm nên những kỳ tích trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương. Về An Sơn hôm nay, không chỉ được thấy những thắng cảnh thiên nhiên ban tặng, được nghe những chuyện xưa tích cũ mà chúng ta còn thấy hiện diện sự phát triển của một nông thôn mới tràn đầy sức sống.

Cảnh đẹp vùng Rú Đưng ở xã Kim Thạch, Vĩnh Linh Quảng Trị -Ảnh: VIỆT HÀ

Cảnh đẹp vùng Rú Đưng ở xã Kim Thạch, Vĩnh Linh Quảng Trị -Ảnh: VIỆT HÀ

Những chuyện xưa tích cũ của làng

An Sơn là một trong những làng của xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng An Sơn có một địa thế rất đẹp, theo thuật phong thủy thì đây gọi là “tiền thủy hậu chẩm”, lưng của làng dựa vào những triền đồi ba dan đất đỏ, mặt hướng ra biển khơi trùng trùng.

Theo một số tài liệu cổ của triều đình nhà Nguyễn và gia phả của một số họ tộc trong làng thì An Sơn được thành lập khá sớm, vào khoảng thế kỷ thứ 16, thời Hậu Lê. Các đoàn dân binh ở xứ Thanh - Nghệ mở cõi về phía Nam đã lập nên các làng mạc của người Việt ở phía Bắc Quảng Trị ngày nay, trong đó có làng An Sơn. Ông Nguyễn Bá Cứ, nguyên trưởng làng An Sơn, chia sẻ: “Có thể thấy do địa hình độc đáo ở đây, với vùng đất đỏ ba dan màu mỡ được tưới tắm bởi ngọn gió biển mát lành nên những người dân binh xuất thân từ nghề nông đã chọn đất này làm quê hương thứ hai. Điều này lý giải vì sao ở đây có bờ biển bãi ngang rất dài nhưng cư dân không ai làm nghề đánh cá mà chỉ chăm chút với ruộng đồng mà thôi”.

Người dân An Sơn luôn tự hào với truyền thống cần cù và đoàn kết bao đời nay. Chính sự đoàn kết đó đã giúp người dân chống chọi với thiên nhiên, kẻ địch để ngày càng phát triển, tạo nên những họ tộc đông đúc và làng mạc trù phú như ngày nay. Từ khi ngọn lửa cách mạng được thổi bùng lên vào những năm 1930-1931, người dân An Sơn một lòng đi theo Đảng và cách mạng. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, người dân An Sơn lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, với quyết tâm “vững tay súng, chắc tay cày”, đã bám đất giữ làng làm nên những chiến công rực rỡ, góp phần vào thắng lợi của dân tộc.

Về miền đất Kim Thạch thì chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến địa đạo Vịnh Mốc, tuy nhiên tại An Sơn có rất nhiều địa đạo để phục vụ cho nơi trú ẩn của người dân và là nơi phục vụ chiến đấu, tích lũy lương thực cho các chiến trường. Hiện nay, phần lớn các địa đạo đều bị hư hỏng, hoa màu đã mọc xanh trên những công trình kỳ tích của Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của An Sơn. Cựu Chiến binh Nguyễn Bá Trụ, làng An Sơn, cho biết: “Hiện chỉ có địa đạo Lò Vôi còn khá nguyên trạng. Tuy nhiên, muốn phục dựng cần một nguồn kinh phí khá lớn, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành. Chúng tôi rất mong phục dựng lại địa đạo này để lưu giữ cho con cháu mai sau địa chỉ đỏ biểu tượng cho niềm tự hào của dân tộc”.

Hiện An Sơn có 9 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 21 liệt sĩ và hàng trăm người là thương bệnh binh, gia đình chính sách đã cống hiến công sức, máu xương cho Tổ quốc.

Những cảnh đẹp của một miền quê

Với địa hình trên rừng dưới biển của mình, vùng đất này có nhiều cảnh đẹp độc đáo mà những nơi khác hiếm có được. Khác với các vùng biển bãi ngang trong tỉnh là bên cạnh biển có những triền cát điệp trùng, thì ở nơi đây, đất liền nhô ra biển như những chiếc thuyền mà người dân thường gọi là các “mũi”. Vùng An Sơn có 2 mũi là Mũi Lò Vôi và Mũi Động Chặt tạo nên cảnh quan rất kỳ thú. Tuy nhiên đối với người dân Vĩnh Linh và khách du lịch ưa thích sự tìm tòi khám phá sinh thái thì Rú Đưng là một trong những địa danh nổi tiếng không kém gì vùng rừng Rú Lịnh, cũng ở trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Đến đây, du khách sẽ ngỡ ngàng trước cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng nằm sát bờ biển. Giữa rừng là hồ, đầm trũng với diện tích mặt nước khoảng 1,5 ha. Bao đời nay, Rú Đưng được xem là một “pháo đài xanh” che chắn cho người dân địa phương. Những năm chiến tranh, Rú Đưng che chở, bảo vệ bộ đội, dân quân du kích trước họng súng của quân thù. Chiến tranh đi qua, Rú Đưng tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình, giúp người dân Kim Thạch chống chọi với gió cát và mưa bão.

Những năm qua, vùng Rú Đưng được đầu tư thành khu du lịch sinh thái. Đã có nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến nơi đây để nghỉ dưỡng và thưởng thức các món ăn dân dã của biển, rừng mà tạo hóa thiên nhiên ban tặng. Về An Sơn hôm nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp bức tranh tươi mới của một vùng quê. Được biết An Sơn là một trong những làng đầu tiên được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các thôn của làng An Sơn là đơn vị đi đầu về phát triển các loại cây kinh tế cao, cho thu nhập khá tốt đối với người dân.

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam chúng ta, chính những nét đẹp của các miền quê, như làng quê An Sơn này, đã bồi đắp nên hồn cốt văn hóa của dân tộc, cho hôm nay và mai sau.

Việt Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/lang-an-son/180934.htm