Làng An Tiêm, nơi chú Nguyễn Kỳ Sơn ngã xuống
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng vạn thanh niên miền Bắc nô nức lên đường tòng quân giết giặc. Dù biết rằng, ra trận có thể hy sinh đến tính mạng nhưng đối với họ được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự lớn lao trong thời đại Hồ Chí Minh. Và để được vào Nam chiến đấu có không ít thanh niên, sinh viên, học sinh viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu để thể hiện lòng quyết tâm mặt đối mặt với quân thù. Một trong những trường hợp đó là liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn.
Lý lịch trích ngang của một liệt sĩ
Vợ tôi gọi liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn là chú, trong cuốn Gia phả về họ Nguyễn ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do chú Nguyễn Đăng Sâm chủ biên, ghi rõ: Ông Nguyễn Khiêm, thân sinh ông Nguyễn Ngọc Anh Đào (là chí sĩ yêu nước bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo, hiện chưa tìm thấy mộ phần), ông Đào sinh ông Nguyễn Đình Khoa (mang cấp hàm đại tá, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Bình Trị Thiên) là bố vợ tôi. Còn ông Nguyễn Quát sinh ông Nguyễn Kỳ Ngộ. Ông Đào là con ông anh, ông Ngộ là con ông em. Ông Nguyễn Kỳ Ngộ và bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh sinh 8 người con, chú Sơn là con đầu. (Hiện ông Ngộ 93 tuổi, bà Thanh 91 tuổi, ông bà hay ốm đau bệnh tật do tuổi cao sức yếu). Dù gia đình ông Ngộ ở Đồng Hới, gia đình bố vợ tôi ở trong thành nội Huế nhưng hai bên luôn liên lạc với nhau.
Chú Nguyễn Kỳ Sơn sinh năm 1952 ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tốt nghiệp Trường cấp III thị xã Đồng Hới, khóa 1967-1968 xếp loại giỏi. Năm 1969 chú thi đậu đại học, điểm số đạt để đi học nước ngoài nhưng vì “lý lịch gia đình” nên địa phương không ký giấy cho chú nhập học. (Sau này ông Nguyễn Kỳ Ngộ, ba chú Sơn mới ân hận không cho mọi người biết nhiệm vụ bí mật cấp trên giao cho ông lúc đó là một chiến sĩ tình báo).
Năm 1970 chú Nguyễn Kỳ Sơn thi trúng tuyển Trường Đại học Thủy lợi, khoa Thủy công. Kết thúc năm học thứ nhất, chú Sơn là một trong những sinh viên ưu tú với tất cả các môn chính đều đạt điểm tối đa. Tháng 7/1971 đang là sinh viên năm thứ hai, chú Sơn viết đơn bằng máu tình nguyện đi bộ đội, biên chế thuộc đơn vị C10, D3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, huấn luyện ở xóm Kép, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc chuẩn bị đi B phục vụ chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Huấn luyện 3 tháng quân trường xong, chú Nguyễn Kỳ Sơn được biên chế ở bộ phận hậu cần của đơn vị nhưng chú xin vào lực lượng trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Chú Nguyễn Kỳ Sơn hy sinh tại làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt cùng đồng đội bảo vệ Thành Cổ. Sau này ông Lê Tấn, một cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, công tác tại Đại học Dược Hà Nội nhớ lại trận đánh đêm 25/8/1972: “Đêm đó chúng tôi dẫn theo hai tiểu đội đánh vào cứ điểm của địch tại làng An Tiêm, xã Triệu Thành, nằm phía Đông Thành Cổ Quảng Trị.
Tiểu đội do Sơn phụ trách theo đường bờ sông, mọi người chỉ mặc quần đùi, lưng trần mang súng đạn, bí mật đánh theo lối đặc công. Tiểu đội do tôi phụ trách bám dọc đường lộ, hẹn hiệp đồng cùng nhau tiêu diệt địch. Khi tiểu đội tôi đến gần làng An Tiêm thì nghe phía Sơn tiếng súng rộ lên, đến khoảng 3 giờ 30 phút sáng thì im dần. Tôi nằm úp mặt xuống đất nghẹn ngào: “Sơn bị rồi!”
Cùng đơn vị với chú Nguyễn Kỳ Sơn và ông Lê Tấn còn có chiến sĩ Trần Đức Rẻn. Trận đánh trong đêm đó anh Rẻn bị trúng đạn M79 của địch vào bụng lòi cả ruột ra ngoài, anh dùng tay nhét ruột trở lại rồi lết đến náu mình trong một rặng tre. Anh khóc vái hương hồn đồng đội:
“Chúng mày sống khôn, thác thiêng phù hộ độ trì cho tao được sống, mai này có cơ hội tao sẽ đi tìm xác chúng mày về cho gia đình!”. Khấn xong anh ngất đi, sáng ra bà con trong làng phát hiện anh nên đưa về tuyến sau chữa trị. Một đại đội sát cánh bên nhau chiến đấu trong lòng Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, sau hòa bình chỉ còn lại một vài người, đa số đều nằm lại tại làng An Tiêm - theo lời cựu chiến binh Trần Đức Rẻn kể lại.
Giấy báo tử, một số tư trang và cuốn nhật ký của chú Nguyễn Kỳ Sơn do Ban Chính sách Tỉnh đội Quảng Bình chuyển về cho gia đình ông Nguyễn Kỳ Ngộ và bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh ở Tiểu khu 6, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vào tháng 5/1973.
Sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, không năm nào là không có một vài lần vợ chồng ông Ngộ, bà Thanh vào mảnh đất Thành Cổ, đến tất cả các nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị tìm mộ con trai nhưng chưa thấy. Gặp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị dò danh sách liệt sĩ, chỉ biết chú Nguyễn Kỳ Sơn hy sinh đêm 25/8/1972 trong trận chiến đấu ác liệt tại làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Ông Ngộ, bà Thanh tuổi ngày một cao vẫn kiên trì đi tìm núm ruột của mình ở các xã Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Trạch, Triệu Độ… của huyện Triệu Phong về tung tích con trai mình như mò kim đáy bể. Càng tìm càng vô vọng.
Mơ được ước thấy
Như lời hứa với đồng đội lúc bị thương, sau ngày thống nhất đất nước, chiến sĩ Trần Đức Rẻn ra quân và lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, trở thành doanh nhân thành đạt. Nhớ lại một thời lửa đạn, mất mát nơi chiến trường Quảng Trị, nhớ đến lời hứa với đồng đội hy sinh, ông Rẻn thành lập một đoàn tìm kiếm hài cốt là những cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 101 ngày trước. Thật ra, ông Trần Đức Rẻn nhiều năm trước cũng từng đi với gia đình ông Nguyễn Kỳ Ngộ để tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn nhưng không cách nào định vị được nơi đêm ấy chú Sơn ngã xuống, vì vùng đất làng An Tiêm trải qua mấy chục năm thay đổi quá nhiều.
Nặng lòng với người tiểu đội trưởng gan dạ, đội tìm kiếm của ông Trần Đức Rẻn cứ âm thầm kiên trì tìm kiếm ngày này qua ngày khác, không kể nắng mưa, phạm vi tìm kiếm thu hẹp dần…để rồi ngày 25/7/2011, qua điện thoại, tiếng ông Rẻn nghẹn ngào báo tin vui cho ông Ngộ: “Bố ơi! Thấy được thằng Sơn rồi!”. Vậy là đôi vợ chồng già ông Ngộ, bà Thanh và 7 người em luôn nằm mơ chú Sơn trở về đoàn tụ với gia đình, điều thiêng liêng ấy đã thành sự thật nhờ anh em đồng đội tìm giúp.
39 năm chú Sơn nương mình trong lòng đất làng An Tiêm, một ngày sau khi nghe tin, gia đình vội vàng vào Quảng Trị làm thủ tục đón chú về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, thuộc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Vậy là đằng đẵng 39 năm, chú Nguyễn Kỳ Sơn từ chiến trường Quảng Trị năm xưa mới trở về trong vòng tay quê mẹ yêu thương…