Lăng Bác - công trình lòng dân
Năm mươi năm đã trôi qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ra đi về cõi vĩnh hằng và cũng đã 46 năm kể từ ngày khởi công xây dựng công trình Lăng gìn giữ thi hài của Người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được mệnh danh là 'công trình lòng dân', bởi công trình này được xây dựng bằng những vật liệu quý do nhân dân tuyển chọn đưa về từ khắp mọi miền đất nước. Thanh Hóa là một trong những địa phương vinh dự được đóng góp nhiều vật liệu và cây trồng quý để xây dựng Lăng – nơi an nghỉ cuối cùng của vị Cha già dân tộc Hồ Chí Minh.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây lăng mộ của Người”.
Thực hiện quyết định ấy, ngày 2-9-1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công trên nền đất cũ của lễ đài Quảng trường Ba Đình, nơi mà ngày 2-9-1945, trước toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Công trình Lăng có chiều dài 320m, rộng 100m, cao 21,6m. Tường và các hàng cột của Lăng được ốp đá hoa cương, chính giữa tầng cao nhất có hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” ốp bằng đá đỏ màu mận chín. Quanh Lăng là một khuôn viên thoáng rộng, trồng nhiều loại cây và hoa được lựa chọn và đưa về từ nhiều vùng miền của Tổ quốc, biểu trưng cho tấm lòng thành kính, yêu thương của nhân dân Việt Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ miền Nam đến miền Bắc đối với Bác Hồ.
Từ điển bách khoa thế giới của Anh đã giới thiệu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như một mẫu kiến trúc độc đáo nhất thế giới, vì không nơi nào có một lăng tẩm được xây dựng bằng chính những vật liệu do nhân dân mọi miền đất nước tuyển chọn và đưa đến cho công trình.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh vinh dự được góp phần không nhỏ vào việc xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, khi được Trung ương giao nhiệm vụ, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh đã tích cực đóng góp tinh thần và vật chất cùng nhân dân cả nước xây dựng công trình Lăng.
Thiết kế kiến trúc của Lăng Bác sử dụng khá nhiều vật liệu đá, vì vậy Thanh Hóa đã lựa chọn hàng trăm khối đá quý đưa về thủ đô để xây Lăng. Tư liệu ghi lời kể của chính những người tham gia làm công trình Lăng cho biết: Đá ốp tường của Lăng là loại đá đen lấy từ núi Nhồi, huyện Đông Sơn, đá ốp cột lấy từ núi Bền, huyện Vĩnh Lộc. Riêng hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc nơi đặt linh cữu Bác, nền cờ đỏ được làm bằng đá Hồng Bảo Ngọc, được phát hiện tại Điền Lư, huyện Bá Thước; hình ngôi sao và biểu tượng búa liềm được làm bằng loại đá vàng lấy từ xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Để có đủ lượng đá làm 2 lá cờ, ngày đó, huyện Bá Thước đã tuyển chọn hàng ngàn đoàn viên, thanh niên ưu tú và dân quân, bộ đội đi tìm kiếm trong phạm vi mấy ki lô mét vuông, nhặt từng viên đá đỏ có tên gọi Hồng Bảo Ngọc, tổng cộng được gần 20 mét khối đá nguyên liệu. Thời đó, để xẻ những viên đá đỏ ra thành từng lát mỏng cỡ 6-7 mm là một kỹ thuật rất khó khăn. Đích thân đồng chí Đỗ Mười - lúc đó là Phó Thủ tướng, trưởng ban chỉ đạo xây dựng Lăng Bác đã chỉ đạo cho Nhà máy Cơ khí Sông Chu (Thanh Hóa) chế tạo cấp tốc một loại máy cưa để cưa đá. Gần 1 vạn miếng đá đỏ sau khi sơ chế chỉ chọn được 4.000 miếng để ghép thành 2 lá cờ trong Lăng Bác.
Chúng tôi đã tìm đến cụ Trương Phúc Chủ ở làng Duồng, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước, người được giao công việc tổ chức cho nhân dân trong vùng tìm những viên đá đỏ làm nên bức Hồng kỳ trong Lăng Bác. Cụ cho biết lúc ấy bà con rất tích cực tìm kiếm đá, vì được dâng lên Bác những món quà tinh túy nhất của quê hương, đó là hành động thể hiện tình cảm thiêng liêng mà mỗi người dân, mỗi địa phương đều mong muốn được làm để bày tỏ tấm lòng đối với Bác. Hàng chục công nhân của Công ty Xây dựng 1 Thanh Hóa lúc bấy giờ đã được cử đi xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ đây khi nhắc lại, họ vẫn thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được góp sức để kiến tạo nên nơi an nghỉ cuối cùng của Người.
Kể từ khi Bác Hồ kính yêu về cõi vĩnh hằng, hàng ngàn loại cây quý trên khắp đất nước đã được các địa phương đem về trồng trong khu tưởng niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Không chỉ dâng tặng các loại đá làm công trình lăng, Thanh Hóa còn đóng góp 5.000 khóm hoa mẫu đơn lấy từ huyện Hà Trung, 100 khóm luồng lấy từ các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh để đưa ra trồng quanh Lăng Bác.
Từ hơn chục năm trước, chúng tôi cũng đã tìm gặp những người thực hiện nhiệm vụ đặc biệt thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tổ chức việc đưa cây trồng ra Lăng Bác hồi ấy. Ông Thiều Sỹ Tước, là một cán bộ của ngành lâm nghiệp Thanh Hóa, lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ triển khai ươm trồng các loại cây đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu và đảm bảo tiến độ để đưa ra Lăng Bác. Ông đã đến các lâm trường ở Hà Trung và Ngọc Lặc để tổ chức việc ươm trồng, tuyển chọn hai giống mẫu đơn và luồng, hai loại cây đặc trưng của Thanh Hóa, biểu đạt lòng thành kính, tri ân của đồng bào xứ Thanh từ miền núi đến miền xuôi đối với Bác. Còn ông Lê Quang Mưu, nguyên Thư ký Ủy ban hành chính tỉnh và ông Trịnh Ngọc Tích, một cán bộ của ngành lâm nghiệp Thanh Hóa, là hai trong số những người có mặt trong đoàn công tác đặc biệt đưa cây trồng ra Lăng Bác ngay trong thời điểm công trình còn đang được xây dựng. Ông Mưu được Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức triển khai việc ươm trồng và đưa cây ra Lăng. Ông Mưu cho biết: “Nhận nhiệm vụ đó, tôi rất phấn khởi, hăng hái. Tôi thường xuyên kiểm tra việc ươm trồng cây, gặp gỡ trao đổi với cán bộ ngành lâm nghiệp để triển khai nhiệm vụ chu đáo. Cán bộ ngành lâm nghiệp rất nhiệt tình, về tận trạm nghiên cứu luồng, lựa chọn giống, giám sát kỹ thuật ươm trồng đảm bảo cây sống tốt”. Ông Lê Quang Mưu và vợ mình là bà Lê Thị Hạt còn có một vinh dự lớn: Họ là những công dân đầu tiên của cả nước được đặc cách ra thăm Lăng Bác Hồ ngay sau khi khánh thành.
Rặng luồng Thanh Hóa bên Lăng Bác.
Ông Trịnh Ngọc Tích được ngành lâm nghiệp tỉnh giao nhiệm vụ chụp những bức ảnh tư liệu về quá trình tổ chức lễ đưa cây từ Thanh Hóa ra Lăng Bác. Ông đã chụp được một bộ ảnh ghi lại chi tiết lễ bàn giao cây trồng, cảnh vận chuyển cây lên xe, đoàn xe qua cầu Hàm Rồng. Ra đến Lăng Bác, cả đoàn chụp những bức ảnh kỷ niệm cùng với công trình Lăng đang xây. Ông nghĩ cần lưu lại những khoảnh khắc ấy để làm tư liệu, giúp đồng bào cả nước biết được tấm lòng của đồng bào Thanh Hóa đối với Bác. Vì vậy, suốt hơn 40 năm, ông Tích đã lưu giữ những bức ảnh tư liệu ấy và sau đó hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Ngày nay, muôn dân đất Việt cũng như bạn bè khắp năm châu đến viếng Bác, sẽ được chiêm ngưỡng một “công trình lòng dân” đứng trang nghiêm giữa vườn cây đầy hương sắc. “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ”, để tưởng niệm một con người vĩ đại, để nhắc nhở lòng mình hãy sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.