Làng biển đón Tết

Những ngày giáp Tết, chúng tôi về làng biển, cảm nhận không khí tất bật chuẩn bị đón năm mới của những ngư dân. Nắng và gió lồng lộng rải đều khắp mặt biển cùng tiếng nói cười xôn xao của ngư dân vốn quanh năm “ăn sóng nói gió” khiến cho không khí vùng quê biển những ngày giáp Tết càng trở nên sôi động.

Vừa chỉnh trang lại ngư cụ trên con thuyền đang neo đậu tại bến cá Giao Hải (Giao Thủy), ngư dân Lương Văn Thuần ở xã Giao Long vừa cho biết: “Hơn 20 năm đi biển, tôi chưa khi nào có được giấc ngủ giống như mọi người, như chúng tôi thường nói vui “ngủ ngày, cày đêm”. Ngày nào cũng vậy, cứ 12 giờ đêm là tôi tỉnh giấc, rồi cầm theo đèn pin, nước ngọt, đồ ăn, thức uống để lên tàu đi biển. Trên đê biển, hàng trăm chiếc đèn pin sáng nhấp nháy như sao xa cùng tiếng chào hỏi náo động khắp bến. Các thuyền nối tiếp nhau ra khơi. Gió lạnh cùng mưa xuân thổi thốc vào mặt lạnh buốt nhưng ai cũng hứng khởi”.

Thuyền cập bến cá Giao Hải (Giao Thủy).

Thuyền cập bến cá Giao Hải (Giao Thủy).

Thuyền ra khơi, lưới được thả thường từ 1 giờ sáng và kéo rê gom các luồng cá đến 7-8 giờ sáng và về bờ cập bến lúc 2-3 giờ chiều. Mỗi chuyến kéo rê, thuyền của anh Thuần thu về khoảng 3-5 tạ tôm, cá. Sau một đêm mệt nhoài kéo lưới, thành quả thu về làm nức lòng ngư dân. Mẻ tôm thuyền tươi rói búng tanh tách, hàng tạ cá biển các loại phơi màu trắng bạc lấp lóa dưới ánh nắng vàng phủ đầy các thuyền của ngư dân. Và trên cảng, nhịp buôn bán của thương lái cũng ồn ã không kém. Họ chọn, cân mua cá khoai, mực, ghẹ, cua… ngay tại chỗ. Từng loại cá, hải sản được phân loại vào từng rổ, chậu nhựa to nhanh chóng được phủ kín đá xay cấp đông để giữ nguyên độ tươi, đóng vào thùng vận chuyển lên các xe máy, ô tô chờ sẵn trên đê. Chỉ thoáng chốc, sản vật của biển cả đã tỏa đi khắp các chợ, đại lý. Bốn mùa quanh năm, ngư dân đều đặn thức khuya dậy sớm để ra với biển. Chỉ tính riêng xã Giao Hải hiện có 158 tàu thuyền với 400 lao động thường xuyên ra khơi. Bình quân mỗi tháng, mỗi tàu khai thác được hơn 1 tấn hải sản. Từ nguồn lợi biển cả đã đem đến cuộc sống ấm no cho các ngư dân vùng ven biển với thu nhập mỗi thuyền từ 200-500 triệu đồng/năm.

Giáp Tết, ngư dân ở xã Hải Xuân lại tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Giáp Tết, ngư dân ở xã Hải Xuân lại tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Cập cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Chinh, 37 tuổi, ở thị trấn Cồn (Hải Hậu) phấn khởi cho biết, chuyến biển cuối năm tàu của anh trúng một lượng lớn cá thu, cá ngừ... “Năm nay thời tiết thuận lợi, giá bán cá cao hơn từ 1,5-2 lần ngày thường nên chuyến biển này đã được coi là thành công. Nếu trừ chi phí xăng dầu, đá, chuyến này anh em bạn thuyền được chia mỗi người hơn 15 triệu đồng ăn Tết” - anh Chinh cho biết. Với kinh nghiệm kế thừa nghề đi biển hơn chục năm nay từ cha ông, theo anh Chinh, từ tháng 11 năm trước đến tháng 6, 7 năm sau là mùa cá thu, cá ngừ. Vào vụ, chiếc tàu công suất 460CV của anh cùng 6 thuyền viên lại lênh đênh ra ngư trường đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); bình quân mỗi chuyến ra khơi, anh Chinh đánh bắt được hơn 1 tấn cá các loại chủ yếu là cá thu, cá ngừ, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng. Hiện cảng cá Ninh Cơ có hơn 200 tàu thuyền đang neo đậu, chuẩn bị các điều kiện ra khơi dịp cuối năm. Chuyến đi cuối năm, những thuyền to thì đi tít xuống vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, vào Quảng Bình, Quảng Trị rồi ngược lên mạn Thái Bình, Quảng Ninh, thậm chí vào những ngư trường lớn thuộc vùng biển Nam Trung Bộ; thúng, ghe nhỏ thì ra khơi vào lộng cách bờ từ 10-20 cây số. Dù đi ngắn hay dài ngày, cứ đến ngày 22-23 tháng Chạp, muộn nhất là ngày 29 Tết thì nối đuôi nhau cập bờ để chuẩn bị đón Tết, sửa sang, bảo dưỡng, sơn sửa tàu thuyền để kịp “xông biển” đầu năm.

Phân loại cá thu tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Phân loại cá thu tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Đối với người vùng biển, họ chỉ thực sự đón Tết khi chuyến đi biển cuối cùng của người thân trở về. Vì thế, kết thúc chuyến biển cuối cùng, việc đầu tiên ngày cuối năm của những ngư dân vùng biển là sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gói bánh chưng, mổ lợn, giết gà để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Một số ngư dân sơn, sửa lại tàu, kiểm tra bảo dưỡng máy móc. Trẻ nhỏ, người lớn sum vầy bên nhau cùng gói bánh chưng để chuẩn bị cúng năm mới. Chị Nguyễn Thị Mai, ngư dân xóm chài Tây Bình của xã Hải Triều cũ (nay là xã Hải Xuân) tâm sự: “Khoảnh khắc tạm biệt năm cũ đón năm mới thật hạnh phúc khi người người, nhà nhà được quây quần bên nhau. Sau chuyến ra khơi, dù cho ngày về có đầy ắp cá, tôm hay lỡ chuyến đánh bắt chưa may mắn thì người thân ở nhà cũng chỉ mong chờ được thấy người chồng, người cha trở về bình an, cùng nhau đón Tết”.

Niềm vui thu hoạch lộc biển của ngư dân tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Niềm vui thu hoạch lộc biển của ngư dân tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Đêm Giao thừa, cùng với cúng gia tiên trong nhà, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn đưa xuống đầu mũi thuyền để thực hiện nghi thức cúng thuyền, cúng biển. Với ngư dân, cả một năm lênh đênh trên biển, chiếc thuyền không chỉ là phương tiện mưu sinh mà trong điều kiện thường xuyên đối mặt với mênh mông sóng to, gió lớn, là điểm tựa giúp ngư dân vững tâm bám biển mà còn khiến người thân của các ngư dân ở nhà cũng đỡ phần lo lắng. Chiếc thuyền cũng như ngôi nhà, phải quan tâm, chăm sóc mới tràn đầy sinh khí; cúng kiêng đầy đủ, năm mới sẽ rộn ràng, phấn khởi, hân hoan hơn. Mâm cúng gồm những sản vật tốt nhất trong mùa vụ vừa qua cùng các lễ vật truyền thống, như: bánh chưng, trái cây, rượu, gạo, cháo trắng, muối, trầu cau, nhang đèn và không thể thiếu được là hải sản... Những hạt gạo, muối sau lễ được rải khắp sàn thuyền, thể hiện lòng biết ơn chiếc thuyền đã cho gia đình mình cuộc sống. Trên thuyền những ngày Tết Nguyên đán, các ngư dân cũng trịnh trọng chuẩn bị các tục lễ quan trọng giống như trên đất liền: Xông thuyền (chọn người hợp với tuổi chủ thuyền), mừng tuổi, thắp hương đầu năm.

Cá từ thuyền được thu mua và ướp đá vận chuyển ngay đến các chợ, nhà hàng đảm bảo tươi ngon tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Cá từ thuyền được thu mua và ướp đá vận chuyển ngay đến các chợ, nhà hàng đảm bảo tươi ngon tại cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Sau phần lễ, chủ tàu và bạn thuyền sẽ ngồi lại với nhau, thể hiện tình cảm gắn kết keo sơn của ngư dân làng biển. Sau cùng của lễ cúng thuyền, ngư dân trịnh trọng treo lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và mui thuyền, một biểu tượng không thể thiếu của mỗi tàu thuyền trước khi vươn khơi xa. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió càng tăng thêm ý chí cho ngư dân vững tâm đạp sóng ra khơi, đặt nhiều kỳ vọng trong vụ biển mới. Cứ thế, Tết thuyền trở thành một tục lệ mang đậm tín ngưỡng của ngư dân miền biển, góp phần tạo nên hương sắc làng biển trong mỗi mùa xuân mới, tiếp thêm tinh thần để ngư dân tiếp tục bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên thuyền là vậy, vào ngày lễ đầu năm, ngư dân tại các xã ven biển: Giao Hải, Giao Long (Giao Thủy), Hải Xuân, Hải Đông, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… còn tổ chức lễ cầu ngư, lễ mở cửa biển để chuẩn bị ra khơi đầu năm với mong muốn vị thần vĩ đại của biển cả sẽ che chở cho dân vạn chài có đủ sức mạnh đương đầu với sóng to gió lớn, nguyện cầu trời luôn yên, biển luôn lặng, sáng vươn khơi, chiều về cá, tôm đầy khoang.

Dẫu ai cũng nói nhọc nhằn lắm cái nghề đi biển; nhưng đã là ngư dân ít ai bỏ nghề. Bởi, cái vị mặn mòi của biển, của sóng nước không dễ gì gột bỏ trong tâm thức của những người đã quen nơi “đầu sóng ngọn gió”. Một mùa xuân mới lại về trên vùng quê biển Nam Định đong đầy hy vọng trong mỗi ngư dân về những mùa đánh bắt bội thu, thời tiết ôn hòa, thuận lợi để mỗi chuyến tàu ra khơi trở về đều chở nặng “quà Tết”.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/bao-tet-nam-dinh-online/202501/lang-bien-don-tet-fbb1115/