Làng bột khoai- Tiềm năng du lịch ở Tây Ninh

Ngoài những đặc sản nổi tiếng bánh canh, bánh tráng, muối ớt, Tây Ninh còn có bột khoai- một sản phẩm có xuất xứ từ ấp Trường Giang, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành.

Phơi bánh bột khoai. Ảnh: Huỳnh Đông

Phơi bánh bột khoai. Ảnh: Huỳnh Đông

Khoảng 2 giờ sáng mỗi ngày, những gia đình ở khu vực này đã khởi động dây chuyền sản xuất bột khoai. Ông Nguyễn Thanh Hòa, 59 tuổi- chủ cơ sở bột khoai ở ấp Trường Giang kể, nhiệm vụ của ông là giữ lửa cho nồi nước lúc nào cũng sôi để hấp chín các mẻ bột khoai và điều hành chung cả dây chuyền sản xuất.

Các thanh niên lực lưỡng vác những bao bột mì cho vào băng chuyền tự động và múc nước đổ vào. Từ băng chuyền, bột mì lần lượt được trộn đều với nước, sau đó, nguyên liệu chảy vào lò hấp công nghiệp.

Từ lò hấp này cho ra băng chuyền mẻ bánh màu trắng, có chiều ngang khoảng 40cm, dài hàng chục mét. Một nhân công đứng gần băng chuyền dùng kéo cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 3m và cho lên những chiếc vỉ tre.

Các nhân công nữ thay phiên mang vỉ tre đặt lên dàn phơi ngoài sân, chờ ánh nắng mặt trời hong khô. Ở những cơ sở sản xuất bột khoai đều đầu tư sân phơi lắp mái che di động. Những ngày trời quang mây tạnh, mái che được cuộn lại để phơi bột dưới ánh nắng mặt trời. Trời chuyển mưa thì kéo mái che để bột khoai không bị ướt.

Mẻ bánh vừa ra lò.

Mẻ bánh vừa ra lò.

Ngoài bột khoai màu trắng, những gia đình ở đây còn sản xuất thêm bột khoai màu đỏ, xanh, vàng để trộn vào cho đẹp mắt. Nếu bột khoai màu trắng được sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp, thì bột khoai có màu vẫn làm theo kiểu thủ công.

Bà Nguyễn Thị Út- một người làm công lâu năm ở đây giải thích: “Bột khoai có màu phải hấp riêng từng vỉ, bởi vì chúng dễ bị dính vào băng chuyền, không thể sản xuất bằng máy công nghiệp được”.

Nhân công đem vỉ bột đi phơi nắng.

Nhân công đem vỉ bột đi phơi nắng.

Trong khi đa số nhân công tập trung cho ra lò những mẻ bánh mới thì trong nhà kho, một nhân công khác điều khiển máy xắt bột khoai. Những mẻ bánh đã phơi khô của ngày hôm trước được lấy ra, đưa vào máy xắt, cho ra những cọng bột khoai nhỏ có hình răng cưa, mỗi cọng có chiều dài từ 10-20cm.

Những cọng bột khoai này được đem phơi nắng một lần nữa cho thật khô ráo. Đến khoảng 6 giờ sáng, việc sản xuất bột khoai đã hoàn thành, nhân công về nghỉ ngơi, sau đó trở lại sân phơi thu gom những vỉ bánh đã khô mang vào nhà, chờ hôm sau đưa vào máy xắt. Đối với những vỉ bột khoai xắt đã khô được gom lại, vận chuyển vào nhà, đóng gói cẩn thận và chờ xe tải đến chở đi tiêu thụ.

Ông Hòa tâm sự: hàng chục năm trước, người dân ở khu vực này làm nghề sản xuất tinh bột khoai mì thủ công. Sau khi có chủ trương di dời những lò mì nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, một số hộ dân có điều kiện kinh tế khá giả đã thành lập công ty, đầu tư xây dựng nhà máy xuất tinh bột khoai mì ở những nơi khác.

Các hộ gia đình còn lại ngưng nghề sản xuất tinh bột khoai mì theo kiểu thủ công, đồng thời tận dụng mặt bằng rộng rãi và cơ sở vật chất sẵn có, chuyển sang kiếm sống bằng nghề sản xuất bột khoai.

“Những năm đầu bắt tay vào nghề mới, các hộ dân ở đây đều làm bột khoai theo kiểu thủ công, nhỏ lẻ. Từ 12 giờ đêm phải thức dậy nhóm lò, tráng bánh, đến 12 giờ trưa hôm sau mới xong. Lúc đó, trung bình một hộ sản xuất chỉ được vài chục ký bột khoai thành phẩm/ngày”- ông Hòa nhớ lại.

Các loại bột khoai màu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công.

Các loại bột khoai màu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công.

Theo lời người đàn ông này, nghề làm bột khoai rất vất vả. Ngày nào nắng tốt, bột khoai mau khô thì đến khoảng 12 giờ là kết thúc công đoạn phơi. Ngày nào nắng yếu phải phơi cho đến chiều tối hoặc sử dụng máy sấy làm khô sản phẩm. Thời điểm mưa dầm phải ngưng sản xuất.

Hơn 10 năm trước, rất nhiều gia đình ở xóm này cùng làm, nay chỉ còn có 3 hộ gia đình theo nghề này. Mỗi cơ sở sản xuất bột khoai ở đây sử dụng khoảng 10 nhân công, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, sản phẩm bột khoai được bán về TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, miền Trung.

Nhân công trở bột khoai cho mau khô.

Nhân công trở bột khoai cho mau khô.

Làng nghề sản xuất bột khoai ở Hòa Thành còn là điểm hẹn lý tưởng cho những người đam mê ảnh nghệ thuật. Qua lăng kính nhiếp ảnh, nhiều bức ảnh đẹp về hoạt động sản xuất bột khoai đã đoạt giải thưởng ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Cùng với những làng nghề khác, góp phần làm cho vùng đất Tây Ninh trở nên xinh đẹp. Làng nghề sản xuất bột khoai tọa lạc gần chợ Long Hải, không quá xa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, gần những trục đường giao thông rộng lớn, rất thuận tiện cho việc đi lại.

Nếu nơi đây được chính quyền địa phương và ngành du lịch quan tâm, đầu tư, kết nối vào những tour du lịch trải nghiệm, chắc chắn sẽ được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/lang-bot-khoai-tiem-nang-du-lich-o-tay-ninh-a151478.html