Làng cá chép Thủy Trầm thắng lớn trong lễ tiễn Táo quân về trời
Xuất phát từ nghề nuôi các loại cá giống cung ứng cho các nơi, đồng thời nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu thị trường, làng Thủy Trầm đã hình thành nghề nuôi cá chép đỏ từ lâu nay.
Những ngày này, người dân nuôi cá chép đỏ phục vụ cho ngày lễ Táo quân về trời ở làng Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ lại tất bật hơn nhiều so với những ngày thường.
Xuất phát từ nghề nuôi các loại cá giống cung ứng cho các nơi, đồng thời nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu thị trường, làng Thủy Trầm đã hình thành nghề nuôi cá chép đỏ từ lâu nay.
Ngay từ 4 giờ sáng, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ thì người dân ở làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê lại phải xuống ao giữa cái lạnh tê buốt mùa Đông để chuẩn bị đưa cá chép đỏ “hộ tống” Táo Quân lên trời phục vụ người dân khắp các tỉnh trong cả nước. Nhờ đó, đã có hàng chục tấn chép đỏ được đưa đi khắp nơi để bán.
Người nuôi cá chép đỏ ở đây cho biết, làng Thủy Trầm chủ yếu là làm cá giống và cá thịt, nuôi xen với chép đỏ, sau khi đã thu hoạch hết cá giống, cá thịt, còn lại cá chép đỏ để phục vụ cho ngày tiễn Táo quân về trời.
Hiện nay, bình quân mỗi hộ có từ một đến hai ao nuôi thả cá, thu nhập khoảng từ 15-40 triệu/hộ từ cá chép đỏ, nhiều hộ có diện tích lớn hơn có thể thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng.
Xã Tuy Lộc có tổng diện tích 60ha nuôi trồng thủy sản, thì có hơn 30 ha diện tích nuôi cá chép đỏ; trong đó làng Thủy Trầm có diện tích nuôi chép đỏ gần 20ha.
Ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết, từ những năm 60, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng đánh bắt cá tự nhiên, trong quá trình đánh bắt đã lẫn các loại cá khác; trong đó, có cá chép đỏ. Khi cá trong ao lớn lên thấy có loài cá lạ giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ đẹp, người dân giữ lại nuôi làm cảnh.
Những năm sau này kinh tế phát triển, người dân có xu hướng dùng cá chép đỏ do suy nghĩ sẽ mang lại điềm lành, may mắn cho gia đình vào năm mới nên nhu cầu ngày càng lớn. Vì thế, các hộ nuôi cá trong làng Thủy Trầm đã tập trung nuôi cá chép đỏ thành cá bố mẹ rồi cho đẻ trứng và nuôi thành cá bột, cá hương và cá cân bán cho các vùng lân cận.
Ông Trần Văn Dậu, xã Tuy Lộc cho biết, đến thời điểm này toàn bộ người dân nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm đã đánh bắt, lọc từng loại đưa lên bờ và thả vào bể. Phần lớn các thương lái đã vận chuyển đi xa từ ngày 19, 20 âm lịch. Còn lại số ít hộ đến thời điểm này vẫn còn nhưng số lượng không nhiều.
“Nhà tôi năm nào cũng nuôi cá chép đỏ và năm nào cũng bán hết, giá bán giao động từ 90 đến 130 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào kích cỡ của cá; riêng nhà tôi năm nay thu khoảng hơn 40 triệu đồng, nhiều hộ diện tích nuôi lớn thu nhập từ 70-80 triệu đồng từ bán cá chép đỏ…,” ông Dậu chia sẻ!
Còn anh Trần Hữu Lâm, một chủ hộ cá chép đỏ lớn nhất nhì làng nghề Thủy Trầm vui vẻ cho hay, nhà tôi ước tính năm nay xuất đi hơn 4 tấn cá mà vẫn không đủ, các thương lái từ Nghệ An trở ra cho đến các tỉnh phía Tây Bắc gọi liên tục xin mua thêm mà không còn cá bán.
Có mặt tại làng Thủy Trầm sáng ngày 21 tháng Chạp âm lịch, mới thấy hết vẻ mua bán tấp nập, thương lái trên bờ. Ông Nguyễn Huy Luận, khu 3, xã Tuy Lộc cho biết, để đánh bắt, vận chuyển đi hàng trăm nghìn km mà cá vẫn khỏe thì trước ngày đánh cá lên bán phải để mấy ngày và không cho cá ăn nhằm làm cho cá quen dần với môi trường chao đảo, đưa lắc khi vận chuyển. Trong quá trình đóng bao hay đưa cá vào bể trước khi cho cá lên đường, nhất thiết phải bơm oxy vào nước...
Ông Tạ Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tuy Lộc, cho biết hiện toàn xã đang có 60 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản xen ghép. Riêng làng Thủy Trầm đang có khoảng 20 ha ươm nuôi cá chép đỏ.
Nhằm tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, chuyển dịch mạnh cơ cấu nuôi trồng và giải quyết việc làm cho lao động xã Tuy Lộc triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, trong năm 2020, đã chuyển đổi từ đất sâu trũng được khoảng 4 ha sang nuôi trồng thủy sản.
Đối với việc phát triển làng nghề Thủy Trầm, ông Tạ Đức Thắng cho hay, do công nghệ thông tin phát triển, nhiều hộ dân đã kết nối các mối hàng qua internet. Có đơn hàng tới hàng chục vạn cá đi Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh đã được xuất bán qua bán hàng online hoặc kết nối đơn hàng để khách về vận chuyển.
Năm 2021, dự kiến làng nghề sẽ xuất bán khoảng 45 tấn cá chép đỏ, chủ yếu là bán giống, tổng thu nhập ước đạt khoảng 45 tỷ đồng từ nuôi trồng thủy sản; trong đó có cá chép đỏ.
Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống cấp thoát nước. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm, điều đó tạo hướng đi vững chắc cho làng nghề truyền thống và người dân nơi đây.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nghề nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm vẫn gặp nhiều khó khăn do diện tích nuôi trồng thủy sản không lớn, nguồn nước phục vụ nuôi cá vẫn chưa chủ động ở một số khu vực.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương thoát và đường nội đồng còn khó khăn, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ngập úng cục bộ năm 2020 đã làm mất đến 90% sản lượng cá (thời điểm tháng 8/2020); cùng với đó là việc tổ chức, hỗ trợ thương mại dịch vụ (đầu ra) còn khó khăn do thói quen bán hàng truyền thống, hệ thống tiêu thụ chưa gắn kết…
Thời gian tới, xã Tuy Lộc sẽ có các chính sách mở rộng vùng nuôi trồng thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thêm các ngành nghề như cung ứng vật tư sản xuất thủy sản, triển khai mô hình nhà lưới nuôi khép kín.
Đây được kỳ vọng sẽ là bước đột phá đưa kinh tế của người dân cũng như toàn xã Tuy Lộc phát triển một cách toàn diện hơn…/.