Làng cá khô Phú Thọ tăng công suất vụ Tết
Thời điểm này, làng cá khô Phú Thọ (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật, rộn ràng không khí sản xuất cá khô nhằm phục vụ khách hàng gần xa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp đến. Tuy nhiên, so với những năm trước, tình hình tiêu thụ cá khô năm nay có phần chậm hơn.
Hai bên đường ĐT 844, đoạn qua địa phận xã Phú Thọ, huyện Tam Nông có nhiều cơ sở sản xuất, quầy bán cá khô và những chiếc giàn phơi đầy ắp cá khô đang đón nắng. Công nhân các cơ sở sản xuất khô bận rộn thực hiện những công đoạn như làm sạch cá, xẻ cá, ướp muối và gia vị, mang phơi nắng…
Theo nhiều cơ sở sản xuất cá khô ở xã Phú Thọ, so với ngày thường, thời điểm này, tình hình sản xuất, tiêu thụ cá khô nhộn nhịp, tất bật hơn, mỗi ngày, sản lượng cá khô sản xuất tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên nhìn chung, tình hình tiêu thụ năm nay có giảm so với cùng kỳ các năm trước, do vậy, kéo theo sản lượng cá khô sản xuất cũng giảm. So với vụ Tết các năm trước, năm nay, giá cá nguyên liệu giảm nên giá bán sản phẩm cá khô thấp hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Hơn 1 tháng qua, cơ sở sản xuất cá khô Huỳnh Trung của gia đình chị Thái Thị Tú (ở xã Phú Thọ) đã tăng công suất hoạt động để chuẩn bị hàng phục vụ Tết. Chị Thái Thị Tú cho hay, vào vụ Tết năm nay, cơ sở của chị tăng công suất hoạt động lên gấp 2 lần so với ngày thường. Nếu bình thường sản xuất khoảng 700 kg cá nguyên liệu thì hiện giờ nâng lên 1,4 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ cá khô chậm hơn so với vụ Tết năm 2023 mặc dù giá bán khá hợp lý.
Còn chị Võ Thị Mai, chủ cơ sở sản xuất cá khô Phương Nam cho biết, hiện tại, việc tiêu thụ cá khô chậm, sản lượng giảm khoảng 30% trong khi giá bán cá khô thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất khoảng 500 kg cá nguyên liệu. Để cung ứng hàng cho dịp Tết, gần đây, chị tăng công suất sản xuất khoảng 700 - 800 kg cá nguyên liệu mỗi ngày.
Để cung ứng cá khô cho thị trường Tết, nhiều cơ sở thuê thêm lao động, cho công nhân làm việc thêm giờ vào ban đêm. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương, với thu nhập trung bình 180.000 đồng/ngày, nếu làm thêm giờ thì tăng lên khoảng 280.000 đồng. "Ngoài thời gian làm ruộng, tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi làm việc ở cơ sở sản xuất cá khô. Công việc này ổn định lại gần nhà, giúp có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình" - anh Nguyễn Văn A ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết.
Làng cá khô Phú Thọ hoạt động xuyên suốt trong năm nhưng từ tháng 11 âm lịch hàng năm, các gia đình và cơ sở sản xuất tăng công suất hoạt động so với ngày thường để phục vụ thị trường Tết. Làng cá khô Phú Thọ chủ yếu sản xuất khô cá lóc. Trung bình khoảng 3 - 4 kg cá lóc tươi sẽ thu được 1 kg khô cá lóc, giá bán từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, tùy thuộc kích cỡ cá và thời gian được phơi nắng. Đặc sản cá khô Phú Thọ được tiêu thụ trong tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ Nguyễn Văn Nhứt cho biết, làng cá khô Phú Thọ được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận vào năm 2020, với gần 200 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh các loại cá khô, góp phần tạo việc làm cho hơn 800 lao động (thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng). Sản phẩm cá khô Phú Thọ được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tổng doanh thu năm 2023 khoảng 35 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nhứt cho biết thêm, hiện nay, các cơ sở và hộ sản xuất cá khô chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao công suất hoạt động để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Khác với những năm trước, bà con chỉ tập trung sản xuất sản phẩm khô cá lóc và cá sặc bổi, năm nay, sản phẩm cá khô đa dạng hơn với nhiều loại như: cá chốt, cá trèn, cá trê… Chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn kỹ năng bán hàng trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội… cho cơ sở sản xuất, kinh doanh cá khô.