Làng chằm nón Giảng Hòa đang dần mai một
Dọc theo dòng sông Thu Bồn, chúng tôi về làng Giảng Hòa (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam)-ngôi làng từng nổi danh với nghề chằm nón lá thủ công. Thế nhưng, theo thời gian, nghề làm nón lá ở nơi đây đã dần mai một...
Bà Huỳnh Thị Giai, sinh năm 1954, gắn bó với nghề chằm nón lá thủ công gần 60 năm, cho biết, trước đây, người dân Giảng Hòa chủ yếu làm nghề nông, nhiều hộ “bén duyên” với nghề chằm nón cho đến ngày nay. “Những năm đầu giải phóng, nón bán rất chạy, thậm chí không đủ lá để chằm. Lúc đó hơn một nửa số hộ gia đình tại địa phương theo nghề này”, bà Giai cho biết.
Từng chiếc nón là kết tinh của sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề, trải qua nhiều công đoạn như: Phơi lá, kéo lá, bắt vành, xâu và xoay lá, rồi đến công đoạn chằm, tạo nên sản phẩm vừa đẹp vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Một người ở làng Giảng Hòa có thể làm được 2-3 chiếc nón mỗi ngày.

Người dân làng Giảng Hòa làm nón.
Nhớ về khoảng thời gian hơn chục năm trước, chị Nguyễn Thị Thủy-một người dân địa phương, sinh năm 1984, bồi hồi: “Cứ đến hè là mấy đứa nhỏ trong xóm đều đi phụ chằm nón để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy mới học tới THPT nhưng có em đã chằm nón nhanh hơn cả người lớn...”. Thế nhưng, khoảng chục năm trở lại đây, cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng khiến thị trường bị thu hẹp, thu nhập từ nghề chằm nón giảm hẳn, đa số người dân Giảng Hòa không còn mặn mà với nghề. Bà Phan Thị Hồng, người lấy sỉ nón lá từ làng Giảng Hòa đem bán tại các chợ, ngậm ngùi chia sẻ: “Lúc trước rộn ràng lắm, nhưng giờ đi thu mua cố gắng cũng chỉ được số lượng nhỏ, người mua cũng ít đi...”.
Trên vai những người làm nón lá còn lại của làng Giảng Hòa giờ đây luôn nặng trĩu nỗi lo về sự mai một của nghề. Họ âm thầm từng ngày gìn giữ lửa nghề, chỉ mong rằng người trẻ sẽ tiếp nối, phát triển, góp phần tạo công ăn việc làm và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/lang-cham-non-giang-hoa-dang-dan-mai-mot-821733