Lang Chánh: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ song hành mà huyện Lang Chánh đang linh hoạt thực hiện. Từ đó, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần vào việc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Điểm du lịch tại xã Yên Thắng.

Không chỉ sở hữu cảnh quan mê đắm lòng người với những những dòng suối trong veo, mát lành, những vườn hoa rực sắc màu, những thửa ruộng bậc thang xinh xắn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) còn là nơi lưu giữ được những phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đây cũng chính là tiềm năng, lợi thế để xã đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn. Trên thực tế, chính quyền cùng Nhân dân địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, làm nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển. Đồng thời, tập trung khôi phục, phát triển các ngành nghề đặc trưng của địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát và vận động những người am hiểu tích cực truyền dạy lại cho con cháu. Hiện nay, trong xã cũng đã thành lập được các câu lạc bộ dệt thổ cẩm, đan lát thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, xã đã phục dựng thành công lễ hội Mường Đeng với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, các trò chơi, trò diễn truyền thống của dân tộc Thái, trong đó có tục lệ Chá Mùn độc đáo và hát múa cồng chiêng...

Toàn xã hiện có khoảng 45ha ruộng bậc thang. Trong đó, có gần 20ha ở bản Peo, bản Tráng và bản Vặn được đánh giá là một trong những điểm có phong cảnh đẹp nhất. Những thửa ruộng bậc thang không chỉ là phương thức canh tác nông nghiệp hiệu quả mà còn là truyền thống văn hóa của đồng bào ở vùng đất này. Những năm qua, xã đã linh hoạt, khai thác khá hiệu quả những thửa ruộng bậc thang để phát triển du lịch. Đặc biệt là việc lắp đặt những chiếc guồng nước vừa là để hỗ trợ bà con đưa nước về ruộng, vừa tạo được điểm check-in cho du khách. Nhờ đó, nhiều du khách đã tìm đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, không chỉ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của đồng bào.

Huyện Lang Chánh xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được coi là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là chất liệu quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn du khách. Ngày 6/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặt ra mục tiêu từ năm 2021-2025, huyện phấn đấu huy động khoảng 770 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ phát triển.

Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, Nhân dân nâng cao nhận thức về cách làm du lịch, hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong huyện tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhất là các điệu múa sạp, khua luống, cồng chiêng, những trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy... Huyện cũng phục dựng và duy trì thường xuyên các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Mường Đeng. Cùng với đó, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng tâm, trọng điểm; khôi phục và phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh...

Với những cách làm sáng tạo, đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06, huyện đã hoàn thành quy hoạch một số điểm du lịch trọng điểm, đầu tư hạ tầng du lịch, nâng tổng số cơ sở lưu trú toàn huyện lên 30 cơ sở với năng lực phục vụ trên 250 lượt khách/ngày, đêm. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mới, thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm như, bản Ngàm Pốc (xã Yên Thắng); điểm du lịch Thung Bằng (xã Đồng Lương); làng Thiền, làng Năng Cát, đền thờ Lê Lợi (xã Trí Nang); làng Húng (xã Giao Thiện)... Nhiều sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào DTTS cũng được khai thác và mang lại hiệu quả cao như du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch làng nghề... Từ đó, tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-chanh-phat-trien-du-lich-gan-voi-nbsp-bao-ton-ban-sac-van-hoa-31780.htm