Làng Chè - Trà Đông: Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống
Nghề đúc đồng làng Chè - Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa xưa nay vốn nổi tiếng với nhiều sản phẩm tinh xảo như trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống…được làm bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề đúc đồng làng Chè vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được.
Để chạm khắc được những hoa văn, đường nét sinh động, chính xác trên sản phẩm đúc đồng đòi hỏi người làm phải tập trung cao độ, tỉ mỉ và có sự sáng tạo.
Tìm lại giai đoạn phát triển huy hoàng
Truyền thuyết kể lại, từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về cho làng Trà Đông. Bởi vậy, ở làng có câu ca “Đất họ Lê - nghề họ Vũ”. Nhưng cũng có thuyết cho rằng, nghề đúc đồng ở làng Chè là do ông Khổng Minh Không truyền nghề. Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) dân phường đúc đồng Trà Đông lập đền thờ thánh Khổng Minh Không, vị Tổ sư nghề đúc đồng ở nước ta.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, bước vào cuối những năm năm 80 của thế kỷ XX đến đầu năm 2000, làng nghề trở nên sa sút vì không thể cạnh tranh với cơ chế thị trường và nhiều sản phẩm công nghiệp cùng loại. Hơn 2 thập kỷ làng nghề đìu hiu, các nghệ nhân xoay qua tìm nghề khác để mưu sinh, kể từ đó, các lò đúc đồng lạnh ngắt than lửa. Mãi đến năm những năm gần đây, cùng với sự phục hồi các làng nghề truyền thống và nhờ vào tâm huyết của nhiều nghệ nhân còn yêu nghề, tiếc nghề, nghề đúc đồng Trà Đông cũng dần được khôi phục.
“Việc “sống lại” nghề đúc đồng là sự tri ân đối với tổ nghề và lưu giữ làng nghề truyền thống của quê hương”, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (sinh năm 1962) tâm sự.
Đánh dấu sự trở lại của làng nghề là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu. Sau hai năm nghiên cứu, ông là người đầu tiên đúc thành công trống đồng. Giữa khói bụi, than lửa, nghệ nhân đúc đồng vẫn nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc, khiến người quan sát liên tưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ tài hoa, đang thu lại để chạm lên từng món đồ đồng mọi vẻ đẹp của đất, của người.
Xây dựng điểm du lịch làng nghề đúc đồng cổ truyền
Hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống hiện đang duy trì 25 lò đúc lớn, 4 công ty sản xuất kinh doanh đúc đồng. Năm 2018, nghề đúc đồng chiếm 44% trong tổng doanh thu ngân sách của xã, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Đặc biệt, làng có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, cụ thể: Nghệ nhân Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Dương và Đặng Ích Hoàn. Các nghệ nhân này đã góp công phục dựng, làm “sống lại” và phát triển làng nghề đúc đồng cổ truyền.
Với tình yêu và niềm đam mê, những người thợ đúc đồng đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Từ chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000; chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007; đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013; đặc biệt là 1.000 tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng APEC… Những sản phẩm của người thợ đúc đồng Trà Đông đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Không chỉ đúc trống trồng, làng Chè còn mở rộng sản xuất thêm nhiều sản phẩm tinh xảo như chiêng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống, đúc tượng…
Trà Đông không chỉ là nơi lưu giữ kỹ thuật đúc đồng truyền thống duy nhất của cả nước mà còn là nơi thăm quan du lịch làng nghề. Để phát triển nghề đúc đồng và đánh thức những tiềm năng về du lịch làng nghề, ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa chia sẻ: “Mở rộng nhà trưng bày sản phẩm, chú trọng phát triển nghề đúc đồng với bảo vệ môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện vay vốn, liên kết với các ngân hàng để khuyến khích các hộ gia đình tham gia, mở rộng quy mô sản xuất nghề truyền thống.”
Không gian trưng bày sản phẩm tại Nhà trưng bày và triển lãm sản phẩm của xã.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự phát triển của các ngành nghề công nghiệp hiện đại nhưng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông vẫn sống mãi. Bởi nơi đây, vẫn còn những nghệ nhân đau đáu với nghề, muốn lưu giữ cái hồn cốt văn hóa nghìn đời.