Làng cổ 500 năm vẫn còn nguyên dạng giữa đất kinh kỳ
Cách trung tâm Hà Nội chỉ 10 km, làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bao đời nay nổi tiếng là một làng ven đô mà nét cổ xưa vẫn còn được lưu giữ lại. Bất cứ ai đã từng đặt chân đến ngôi làng cổ này cũng sẽ vương vấn những nét xưa, dấu cũ của con người, kiến trúc nơi đây.
Đông Ngạc có tên Nôm là làng Vẽ, một ngôi làng phía Tây Bắc thành Thăng Long xưa. Hiện nay, theo đơn vị hành chính, Đông Ngạc không còn gọi là làng, thế nhưng những nét xưa, hồn cũ vẫn còn nguyên vẹn. Tại đây còn rất nhiều di tích đình, đền, chùa, nhà cổ lưu giữ lại nét đẹp cổ kính, rêu phong.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, hiện trong kho thư tịch cổ còn lưu giữ được một cuốn sách quý là “Đông Ngạc xã chí” ghi chép được nhiều tư liệu liên quan. Lời tựa sách viết rằng: “Làng ta được gọi là làng Đông Ngạc là có nguyên do. Kính nghĩ! Làng ta chiếm một bầu trời, phong khí an bài, nổi tiếng quý địa.
Sông dài phía trước, nước chảy xiết ở phía Đông như một con rồng; chữ phẩm phía sau, khí bốc cao ở phía Tây tựa một con hổ. Đất linh thiêng, người kiệt xuất. Cổ đã qua, nay đang tới, một làng tuấn kiệt, thiên hạ biết tên. Bởi vậy người xưa từng dựa vào đó để đặt tên làng...”
Cho đến nay, đã trải qua hơn 500 năm lịch sử, đứng trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, Đông Ngạc vẫn giữ được mái đình rêu phong, những con ngõ nhỏ uốn lượn và nhiều ngôi nhà cổ đặc trưng của làng quê Bắc Bộ…
Thời điểm này, đến phường Đông Ngạc, thả bước chân thư thái trong ngõ, xóm, vẫn thấy nguyên vẹn một Đông Ngạc cổ kính nhuốm màu thời gian. Tuy nhiên, nhà nào cũng có số và ngõ nhỏ đều có tên, rất ngăn nắp, gọn gàng. Thế nhưng trong mỗi căn nhà vẫn cảm nhận rõ sự thanh bình, như bỏ lại ngoài kia mọi sự ồn ào, náo nhiệt...
Nhắc đến kiến trúc cổ của Đông Ngạc, có lẽ không thể không nhắc đến Đình Vẽ. Đây là một ngôi đình lớn và nổi tiếng của làng, được xây dựng từ thế kỉ XVII trên thế đất cao, đắc địa. Đình thờ ba vị thần tượng trung cho cả “Thiên, Địa, Nhân”. Ngoài ra đền còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và bà Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Toàn bộ khuôn viên của đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm 9 gian. Trong cùng là hậu cung, mỗi tòa có ba gian. Tất cả được sắp xếp trong không gian tĩnh mịch, xung quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Đặc biệt, Đình Vẽ ngày nay vẫn được “ôm ấp” bởi hệ thống những ngôi nhà cổ với sự hòa trộn giữa hai trường phái kiến trúc Đông – Tây. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là những biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp.
Từ xưa đến nay, Đông Ngạc không chỉ nổi tiếng bởi những nét đẹp văn hóa kiến trúc mà còn được biết đến với truyền thống khoa bảng. Theo lịch sử ghi lại, tính từ năm Bính Tý (1396), dưới thời vua Trần Thuận Tông, có cụ Phan Phu Tiên đỗ tiến sĩ khai khoa cho làng thì đến thời nhà Nguyễn, làng Đông Ngạc có 25 người đỗ tiến sĩ trở lên. Dân gian ca ngợi làng này bằng câu ca “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” là vì thế.
Tất cả các cổng nhà, cổng làng đều xây dựng hình tháp bút. Điều đó thể hiện rõ tinh thần hiếu học của người dân Đông Ngạc từ xa xưa luôn giữ gìn gia phong của dòng tộc, căn dặn con cháu gìn giữ cho đến muôn đời sau, vì vậy làng được suy tôn là một trong hai làng văn hiến xứ Bắc kỳ. Sự ham học của những người con Đông Ngạc đã trở thành giai thoại.
Ngày nay, Đông Ngạc còn được biết đến với nhiều món ăn mang đậm hương vị làng quê như giò, nem… Mỗi món ăn mang một hương vị riêng tạo nên nét ẩm thực riêng. Nếu có một lần đến thăm làng cổ, bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn do chính người dân trong làng làm ra. Thưởng thức món ăn và cảm nhận không khí làng cổ để hiểu hơn về giá trị truyền thống dân tộc.
https://dulich.petrotimes.vn/