Làng cơm lam

Cầu treo nhỏ vắt ngang suối Ngòi Đum nối vào đường bê tông dẫn chúng tôi đến một ngôi làng đặc biệt - làng cơm lam.

Sáng sớm, từ thôn Ún Tà, xã Cốc San (Bát Xát), những chiếc xe máy chở cơm lam giao cho các đầu mối ở thành phố Lào Cai. Ngày cuối tuần bao giờ cũng nhộn nhịp nhất, bởi ngoài mối đặt trước cố định, nhà nào cũng tăng số lượng lên gấp vài ba lần để mang lên Sa Pa phục vụ khách du lịch. Người cắt ống lam, người đồ gạo, người nhóm lửa, khói trắng quyện trên mái ngói lan từ đầu làng đến cuối xóm.
Không khó để chúng tôi tìm thấy nhà ông Vàng Văn Hùng, người làm cơm lam ngon nhất Ún Tà. Cả một nhà kho chất hàng bó ống trúc để lam cơm. Ông bảo, trông thế thôi, chỉ vài ngày nữa là phải nhập thêm. Hơn 500 ống cơm lam khách đặt mỗi ngày, nên vợ chồng phải thuê thêm 7 nhân công mới xoay ở kịp.

Trong câu chuyện, ông Hùng kể về “cơ duyên” với những ống cơm lam. Cách đây hai chục năm, một khách lạ ở dưới xuôi lên gặp ông trong một ngày đầu xuân và bảo: “Trước đây lên vùng cao được ăn cơm lam của đồng bào ngon lắm mà lâu lắm rồi chưa được thưởng thức lại”. Thấy thế, ông Hùng ngỏ ý làm thử xem có đúng hương vị không. Sau lần ăn thử ấy, vị khách ấy chính là chủ nhà hàng có tiếng ở Hà Nội chuyên phục vụ các món ăn dân tộc đã đề nghị ông Hùng cung cấp đều đặn hằng ngày để đưa vào thực đơn.

Gia đình ông Vàng Văn Hùng chuẩn bị cơm lam theo đặt hàng của khách.

Gia đình ông Vàng Văn Hùng chuẩn bị cơm lam theo đặt hàng của khách.

Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, ông Hùng bàn với vợ bỏ nghề làm đậu phụ vốn mưu sinh nhiều năm để chuyên tâm làm cơm lam. Những ngày đầu khách hàng chưa nhiều, ngoài cung cấp cho nhà hàng ở Hà Nội, ông chủ yếu bán lẻ tại thành phố Lào Cai. Tuy nhiên, chừng đó cũng đã giúp vợ chồng ông có khoản thu nhập gấp đôi so với làm đậu. Tạm hài lòng với khoản thu nhập ổn định ấy, nhiều năm sau ông cũng chỉ làm với số lượng nhất định cung cấp ra thị trường. Ông Hùng cho biết: Trước hết phải chọn được gạo ngon, cây để lam phải là cây bánh tẻ, kích thước phù hợp. Theo cách làm truyền thống thì phải dùng ống tre và lam trên bếp củi, nhưng nay để đáp ứng số lượng lớn thì đã có nhiều cải tiến. Dù thay đổi bằng cách nào thì quan trọng nhất là phải tạo ra hương vị đặc trưng của cơm lam.
“Tại sao không biến nó thành sản phẩm phục vụ khách du lịch”? - ông Hùng chợt bật lên suy nghĩ ấy khi xem truyền hình nghe người ta bàn nhiều đến chuyện đưa sản vật địa phương thành quà lưu niệm cho du khách. Nhằm ngày cuối tuần, khách du lịch đông, vợ chồng gùi theo vài chục ống cơm lam bán thử ở chợ văn hóa Sa Pa. Những ngày sau đó, cơm lam cứ mang lên bao nhiêu hết bấy nhiêu. Các nhà hàng, khách sạn lớn ở Sa Pa cũng đặt cơm lam nhà ông Hùng để phục vụ du khách. “Có hôm người ta đặt nhiều quá, mình không dám nhận vì làm không xuể, phải cáo ốm xin khất sang hôm khác” - ông Hùng cho biết.

Từ ống cơm lam làm thử ấy, đến nay trung bình mỗi ngày gia đình ông Hùng cho ra thị trường 500 ống cơm lam. Những ngày đầu, trung bình mỗi ngày chỉ làm 20 kg gạo, thì nay ngày nào ông cũng làm trên dưới 1 tạ gạo nếp. Những ống cơm lam từ căn bếp nhỏ của gia đình ông Hùng cung cấp ra thành phố Lào Cai, lên Sa Pa rồi đi các tỉnh, thành miền xuôi và cả trong Nam.

Từ vài hộ làm cơm lam như nhà ông Hùng, thôn Ún Tà nay đã có hơn một nửa trong số 119 hộ chuyên làm cơm lam bán ra thị trường. Anh Hoàng Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Ún Tà cho biết: Trung bình cứ hai nhà thì có một nhà sống bằng nghề lam cơm. Một số hộ cũng tranh thủ ngày nông nhàn làm cơm lam kiếm thêm thu nhập.

Không chỉ làm cơm lam, thôn Ún Tà còn nổi tiếng với các loại bánh truyền thống.

Không chỉ làm cơm lam, thôn Ún Tà còn nổi tiếng với các loại bánh truyền thống.

Gia đình bà Vùi Thị Mùi, ngoài 60 tuổi, là hộ chuyên làm bánh chưng và bánh rợm bán, cơm lam chỉ là làm thêm dịp cuối tuần nhưng mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật cũng bán hết cả trăm ống. Bà Mùi cho biết: Làm cơm lam không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập mà quan trọng hơn, thanh niên trong làng đều đi làm thuê cả, người già bây giờ làm ruộng cũng không được nữa, chỉ có nghề này là phù hợp.

Chỉ tay về những căn nhà xây chạy dọc hai bên đường bê tông của thôn, anh Hoàng Văn Thành, Bí thư Chi bộ bảo: Giờ đây người ta quen gọi Ún Tà là “Làng cơm lam”. Mỗi ngày cả nghìn ống cơm lam từ ngôi làng nhỏ bé này tỏa đi khắp nơi. Nhờ nghề lam cơm đã tạo nên thương hiệu từ sự chân chất, thật thà, nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá, diện mạo nông thôn đổi thay.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/lang-com-lam-z5n2020012210082945.htm