'Làng cùi' ngày ấy… bây giờ
Từng là nơi nương náu của những bệnh nhân phong, 'làng cùi' Plei Mun Măk (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hôm nay là hình ảnh của sự vươn mình phát triển.
Dẫu nỗi đau vẫn còn hiện hữu trên cơ thể, song quá khứ đau thương, khốn khó dần được thay thế bằng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong mỗi nếp nhà.
Định mệnh buồn
Làng Plei Mun Măk được nhiều người biết đến với tên gọi khác là “làng cùi” bởi đây là chốn dung thân cuối cùng của những con người mắc bệnh phong từ khắp nơi tá túc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Dù chỉ cách một con kênh thủy lợi nhưng ngôi làng này dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Người dân nơi đây cũng mộc mạc, chân chất, thật thà như cái cách bao năm qua họ đã yêu thương, đùm bọc nhau.
Giơ bàn tay cụt hết các ngón quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, bà Rmah H’Chớp kể về quá khứ buồn thương của mình. Gia đình bà vốn sinh sống tại làng Dlâm (xã Chư A Thai). Khi bà vừa sinh con trai đầu lòng thì phát bệnh. Đầu tiên là cảm giác ngứa ngáy, tứ chi co quắp, mẩn đỏ khắp người. Rồi những mụn mủ vỡ ra, lở loét 2 bàn tay, 2 bàn chân. Thấy thế, người làng ai cũng khiếp sợ, thậm chí anh em họ hàng sợ lây bệnh cũng xa lánh khiến gia đình bà bị cô lập. Không chịu được cảnh bị hắt hủi, vợ chồng bà bỏ làng vào sâu trong rừng sinh sống. Đây cũng là nơi nhiều người bị bệnh phong từ các nơi tìm đến.

Căn bệnh phong quái ác đã khiến bà Rmah H’Chớp bị cụt hết 2 bàn tay. Ảnh: Vũ Chi
Nhớ lại thời điểm đó, bà H’Chớp kể: Dân làng sống tách biệt với cộng đồng. Nhà cửa dựng tạm bằng tre nứa, lợp lá lụp xụp. Cái đói bao trùm, mọi người chỉ biết tìm đào củ mài, hái rau rừng ăn qua bữa. Bị bệnh, cơ thể như bị đốt cháy nên ngoài tự điều trị, xử lý vết thương bằng lá cây rừng, nhiều người cả ngày phải nằm dưới khe suối để làm mát. Thậm chí, có người phải tự cắt đi phần chi bị hoại tử cho bớt đau đớn. Lâu lắm mới có 1-2 người thân đủ can đảm mang đồ đạc đến tiếp tế nhưng họ cũng chỉ dám đứng từ xa gọi tên người nhận, treo đồ lên cành cây gần đó rồi đi về. Những người bị phong cũng đợi cho đến khi người tiếp tế đi khuất mới ra nhận.
“Căn bệnh quái ác khiến tôi trở thành phế nhân. Các ngón tay cụt hết, chân cũng mất đi vài ngón. Tàn tật, mất hết khả năng lao động, cuộc sống gia đình đi vào ngõ cụt. Niềm an ủi và hạnh phúc nhất với tôi lúc bấy giờ so với nhiều người khác là có chồng bên cạnh và cậu con trai khỏe mạnh. Vượt xa định kiến của người làng, chồng luôn an ủi, động viên, chăm sóc tôi và con”-bà H’Chớp tâm sự. Cứ vậy, vợ chồng bà từng bước vượt qua khó khăn và có với nhau thêm 3 người con nữa. Hiện 3 người con của bà đã lập gia đình, cuộc sống ổn định. Chồng và con bà cũng là minh chứng rõ nhất cho việc bệnh phong không lây lan như người ta thường nghĩ, qua đó, từng bước xóa tan kỳ thị của mọi người với bệnh nhân phong.
Đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh như mình, nhiều bệnh nhân phong đã nên duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái và sống hạnh phúc bên nhau. Vợ chồng ông Siu Ram và bà Rô H’Biô là một trong những trường hợp như thế. Đưa cánh tay cụt ôm lấy người bạn đời ngồi bên cạnh, ông Ram chậm rãi kể: Ông chẳng nhớ khi đó mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng ông sống ở Chư Sê, là chàng trai khôi ngô tuấn tú, được nhiều cô gái trong làng mến mộ. Thế rồi một ngày, bỗng nhiên bệnh phong ập tới, dù gia đình đã đưa ông đi chữa trị khắp nơi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Ông Siu Ram và bà Rô H’Biô đã nên duyên vợ chồng và sống hạnh phúc tại “làng cùi” Plei Mun Măk (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện). Ảnh: V.C
Bệnh tật hành hạ, bị mọi người dần xa lánh, ông tìm đến “làng cùi” trong rừng sâu để nương náu. Tại đây, ông đã gặp bà H’Biô-người phụ nữ đến từ vùng “chảo lửa” Krông Pa vốn đã có chồng con nhưng bị mọi người hắt hủi bởi căn bệnh quái ác. Cuộc sống khốn khó xích họ lại gần nhau. Tuy ông bị cụt hết bàn tay và bàn chân nhưng vẫn cố gắng tự chăm sóc bản thân, còn bà bị nhẹ hơn nên trở thành chỗ dựa để cùng ông đi qua những năm tháng khốn khó. Ông bà có với nhau cô con gái khỏe mạnh, hiện đã lấy chồng và sinh 2 đứa con kháu khỉnh. Ông Ram vẫn nhớ như in niềm hạnh phúc khi đón con gái đầu lòng nơi rừng thiêng nước độc thuở nào. “Ngày con gái chào đời, việc đầu tiên tôi cũng như mọi người làm là kiểm tra tay chân con. Thấy con khỏe mạnh, không bị dị tật gì, tôi và vợ ôm nhau khóc vì sung sướng. Con chính là động lực để vợ chồng tôi vượt qua mọi khó khăn, từng bước xây dựng cuộc sống mới”-ông Ram hồi nhớ.
Khởi sắc từng ngày
Sau ngày đất nước thống nhất, bộ đội hỗ trợ chuyển làng về nơi ở mới cách bìa rừng gần 1 km để sinh sống, đặt tên là Plei Mun. Đến năm 2018, làng sáp nhập với Plei Măk, lấy tên Plei Mun Măk như hiện nay. Bỏ qua ký ức buồn, với sự chung tay của cộng đồng và quyết tâm vươn lên xóa đói giảm nghèo, “làng cùi” khi xưa đã từng ngày khởi sắc.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Plei Mun Măk hôm nay đã có những con đường bê tông trải dài; nhà cửa được xây dựng kiên cố; điểm trường mẫu giáo, trường tiểu học, nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, sạch đẹp. Người dân được Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ điều trị bệnh và nhiều khoản trợ cấp. Bà con cũng động viên nhau cố gắng làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Những mảnh vườn bỏ hoang trước đây giờ đã được phủ xanh bởi rau màu tốt tươi.
Nói về cuộc sống hôm nay, đôi mắt ông Ram ánh lên niềm vui. Ông cho biết: Từ khi về nơi ở mới, làng luôn nhận được sự giúp đỡ của các cấp, ngành và cộng đồng. Ngoài được hưởng trợ cấp kinh phí, lương thực, thuốc men điều trị của Nhà nước, nhiều đoàn từ thiện về tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Trẻ em được cắt tóc, tặng sách vở, đồ dùng học tập. Làng không còn buồn như trước nữa. Riêng gia đình ông được hỗ trợ xây dựng nhà ở; được xã hỗ trợ 1 con bò sinh sản, hiện đã đẻ 1 con bê khỏe mạnh.
“Mặc dù tay chân còn khó khăn khi vận động nhưng hàng ngày tôi vẫn đi cắt cỏ cho bò, không thể để vợ vất vả quá nhiều. Người khỏe mạnh cắt cỏ nửa tiếng đồng hồ là xong, còn tôi thì phải 3-4 giờ. Bà con thấy vậy nên thi thoảng tới cắt giúp. Tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, gắn bó. Gia đình tôi hiện cũng đã thoát nghèo”-ông Ram phấn khởi nói.
Là thế hệ con cháu của người mắc bệnh phong, mỗi khi có người hỏi về chuyện xưa, anh Nay Der từng rất ngại khi nhắc đến bởi với anh đó là ký ức buồn. Ông Ksor Dôk (cha anh) mắc bệnh phong nên bị người làng xa lánh, phải sống chui lủi nơi bìa rừng. Sau này, mặc dù chuyển về nơi ở mới nhưng bà con quanh làng vẫn còn sợ, đi như chạy mỗi khi ngang qua.
Những đứa trẻ con trong làng như anh cũng bị cô lập, chỉ kết bạn và chơi cùng nhau. Lên 10 tuổi, anh mới được đến trường. Thế nhưng giờ đây, cuộc sống đã đổi khác. Người dân không còn kỳ thị người mắc bệnh phong nữa, người bệnh và gia đình cũng chẳng còn mặc cảm mà tự tin hòa nhập cộng đồng. Gia đình anh Der trở thành 1 trong 12 hộ sản xuất kinh doanh giỏi của làng.
“Mình học tập người Kinh trồng lúa nước, thu mua nông sản và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương, gia đình mình di dời chuồng trại ra xa nhà ở, làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Mình thấy hạnh phúc vì đã đóng góp chút công sức xây dựng buôn làng ngày càng phát triển”-anh Der hồ hởi nói.

Gia đình anh Nay Der (thế hệ con cháu của người bị bệnh phong) chăm lo phát triển kinh tế, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của làng. Ảnh: V.C
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nguyễn Văn Xuân cho hay: Làng có 352 hộ với 1.520 khẩu, 84% là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ làng đặc biệt khó khăn, giờ đây, các hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo, mạnh dạn đi làm ăn xa tại các tỉnh phía Nam, có 18 người đi xuất khẩu lao động tại Nga, Ả Rập Xê Út, Đài Loan...
Từ nhiều nguồn lực, năm 2024, làng có 23 hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ bò sinh sản làm sinh kế; đến cuối năm, làng còn 21 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Đầu năm 2025, làng khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 11 hộ. Trải qua thời gian, có người mất, người chuyển đi nơi khác nên làng chỉ còn 14 hộ mang di chứng bệnh phong, trong đó có 4 hộ bị nặng. Hiện làng không phát hiện thêm bệnh nhân phong mới và nhờ thuốc thang định kỳ nên bệnh không còn tái phát ở những bệnh nhân cũ.
“Làng cùi” đói nghèo, lạc hậu khi xưa đang từng ngày khởi sắc với thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2024 là 50 triệu đồng. Làng có 286 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; giữ vững danh hiệu văn hóa 3 năm liền. Người dân tích cực hưởng ứng các phong trào tại địa phương như: ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” 12,6 triệu đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả bão số 3 2,75 triệu đồng; ủng hộ lắp đặt camera an ninh dọc quốc lộ 25 với số tiền 8 triệu đồng… Làng cũng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nếu như trước đây người dân “làng cùi” bị kỳ thị, xa lánh, hắt hủi bao nhiêu thì hôm nay họ đã và đang được quan tâm, chăm sóc bằng tình yêu thương. Người già không còn cảm thấy cô đơn; lũ trẻ được đối xử bình đẳng như bao người khác. Một sức sống mới hiện hữu, hứa hẹn tương lai tươi sáng với tất cả dân làng.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lang-cui-ngay-ay-bay-gio-post322853.html