Làng 'di nghiệp'

PTĐT - Xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa vốn có món bánh cuốn đặc sản nổi tiếng.  Thế nhưng đi cả một vòng quanh xã chúng tôi không hề thấy một gia đình nào sản xuất hay bán bánh cuốn. Tìm hiểu chúng tôi được biết tuy là nghề truyền thống nhưng lại không được sản xuất, chế biến tại địa phương mà được nhiều thế hệ người dân đã đem về vùng đất kinh đô đông đúc, tấp nập để sản xuất. Vì vậy chúng tôi gọi nơi đây là 'làng di nghiệp'.

Cửa hàng bánh cuốn của bà Nguyễn Thị Hiển người xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa hiện ở tổ 15, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon.

Cửa hàng bánh cuốn của bà Nguyễn Thị Hiển người xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa hiện ở tổ 15, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon.

Đổi đời từ nghề gia truyền
Tìm hiểu về nguồn gốc, sự ra đời của làng nghề bánh cuốn Lâm Lợi chúng tôi được biết cách đây hơn 20 năm bà Đỗ Thị Kiểm là người đầu tiên đem nghề bà học được từ quê chồng ở Hà Đông (Hà Nội) về truyền dạy cho người dân trong làng. Cũng chính từ đó đã khởi nguồn cho nghề làm bánh cuốn ở Lâm Lợi và vực bao gia đình thoát nghèo. Từ một cửa hàng nơi ngoại ô Hà Nội, đến nay bánh cuốn Lâm Lợi đã có mặt ở tất cả các quận, huyện của Thủ đô và mở rộng mạng lưới ra nhiều tỉnh thành, trở thành nghề cha truyền con nối, “cần câu cơm” của người dân Lâm Lợi.Giữa trưa mùa hè oi ả, dưới cái nắng gắt, anh bạn đồng hành là người địa phương vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến khu trung tâm của làng nghề thuộc khu 1,2 của xã, nơi sản sinh ra những tỷ phú làm bánh cuốn có trong tay cả mấy căn trung cư ở trung tâm Thủ đô, 2-3 cơ sở, cửa hàng bánh cuốn ở Hà Nội, sở hữu xe ô tô đắt tiền… Ghé thăm một trong những gia đình có con cái thành đạt nhờ làm nghề bánh cuốn - hộ ông Nguyễn Văn Bản ở khu 1. Trong cái nắng cùng nền nhiệt gần 40oC của mùa hè miền Bắc, gương mặt người đàn ông trung niên ngoại lục tuần không giấu khỏi niềm hân hoan khi chia sẻ cùng chúng tôi: “Gia đình có 3 người con, cũng nhờ nghề làm bánh cuốn mà được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt như ngày hôm nay. Ngày ấy, gia đình cũng không có điều kiện hay dư giả gì, các con lớn, khăn gói quả mướp về Thủ đô học đại học. Vợ chồng tôi phải co kéo, tay nọ, chân kia mà vẫn không lo xuể chi phí ăn học cho các con. Thương bố mẹ vất vả, người con thứ vừa học đại học vừa xin làm thêm tại quán bánh cuốn của chú ruột để kiếm thêm thu nhập lo trang trải cuộc sống sinh viên, phụ giúp bố mẹ. Quãng chừng 4 năm vừa lo học ở trường, vừa làm thêm đồng thời học nghề ở cơ sở của chú, mấy anh chị em bàn mở cửa hàng riêng và cùng nhau quản lý, kinh doanh trong suốt những năm học đại học. Giờ đây, mỗi người đã có công việc ổn định, không ai trong gia đình còn theo nghề ấy, nhưng trong những dịp lễ, Tết, cuối tuần tề tựu đầy đủ các thành viên, chúng vẫn nhắc đến quãng thời gian ấy với biết bao kỷ niệm về một công việc gắn bó, nuôi sống mình thời sinh viên”.Cách nhà ông Bản không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Bền hiện có 5 cặp vợ chồng các con đang làm nghề bánh cuốn ở Hà Nội, mỗi nhà có một cửa hàng riêng. Các cháu nội đều ở cùng ông bà từ nhỏ cho đến khi lên đại học về Thủ đô vừa học vừa phụ giúp bố mẹ. Ông Bền chia sẻ rằng đã lên chức ông bà nhưng thực tế vẫn phải chăm các cháu, bận như có con mọn. Thế nhưng nhờ có quán bánh cuốn của các con ở Hà Nội mà lũ trẻ cháu ông có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn và căn nhà được xây dựng kiên cố, khang trang hơn.Bản tính thật thà, chân chất cùng sự chịu khó, nhạy bén đã khiến món bánh cuốn của người dân Lâm Lợi tồn tại, trở thành món ăn đặc sắc ở mảnh đất Hà thành với những thực khách khó tính cả mấy chục năm. Bí quyết cho sự thành công còn nằm ở sợi dây tình làng nghĩa xóm luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau nơi đất khách của người dân Lâm Lợi. Khi được hỏi, những người cùng xã ai cũng đều nắm được thông tin của nhau dù ở mỗi phố phường, tỉnh, thành khác nhau. Hiện nghề làm bánh cuốn ở Lâm Lợi vẫn khá phát triển, thu hút hơn 40% lao động tham gia tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước mang lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Nghề làm bánh cuốn giúp người dân xã Lâm Lợi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng để quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Nghề làm bánh cuốn giúp người dân xã Lâm Lợi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng để quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Còn đó những trăn trởGần 20 năm gắn bó với nghề, đến nay tuy đã “rửa tay gác kiếm” do hoàn cảnh gia đình phải trở về phụng dưỡng mẹ già và trông cháu nhỏ nhưng những ký ức về tháng ngày vất vả nằm sàn, vợ chồng, con cái chen chúc nhau trong không gian nhỏ bé, ẩm thấp, nóng nực ở những cửa hàng kiêm nhà ở nơi phố thị chưa bao giờ xóa nhòa trong tâm chí của chị Nguyễn Thị Minh Hoàn. Chị chia sẻ: “Nghề bánh cuốn đã mang đến cho chúng tôi cuộc sống mới đỡ cơ cực, vất vả hơn bởi có thu nhập cao, ổn định. Bên cạnh đó cũng đem đến những nhọc nhằn, hy sinh thậm chí mất mát”… Gần 20 năm mưu sinh nơi đất khách là bằng ấy thời gian vợ chồng chị phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn, tạm bợ, cửa hàng được tận dụng làm chỗ ăn ở. Giường là những mảnh chiếu trải trên nền nhà, ấy thế nhưng cũng mang đến giấc ngủ ngon lành bởi qua một ngày lao động vất vả, luôn tay tráng bánh, chạy bàn… Mặc dù đến Lâm Lợi thấy cuộc sống của người dân thay đổi tích cực, những ngôi nhà cao tầng khang trang, những vật dụng sinh hoạt hiện đại, đường làng ngõ xóm đổ bê tông sạch sẽ… nhưng nhiều ngôi nhà tầng đóng cửa bỏ không hoặc là có người thì chỉ là trẻ nhỏ và người già. Khu 1 hiện có khoảng 20 nhà không có người ở nhà, họp khu dân cư chỉ có khoảng ½ số hộ đại diện có mặt mà chủ yếu là người già… Ngày thường như vậy, ngày Tết tình hình cũng không khả quan hơn bởi với người kinh doanh dịch vụ ăn uống, những ngày Tết là “hái” ra tiền nên họ cố gắng bám trụ, ở lại. Dường như những cái Tết xa quê, những cái “Tết mưu sinh” đã trở thành nếp của nhiều người dân làm nghề. Làm được tiền đã khó nhưng quản lý, sử dụng nó sao cho hợp lý, hiệu quả lại thực sự trở thành thử thách, bài toán khó với tất cả mọi người, nhất là những người nông dân đang quen với bùn đất, cây lúa, cây ngô mà trong thời gian ngắn kiếm ra cả chục, vài chục triệu đồng mỗi tháng như người làm nghề bánh cuốn ở Lâm Lợi. Cũng chính bởi chưa biết cách tiêu tiền nên nhiều người bị choáng ngợp, sa chân vào những tệ nạn xã hội, nhiều gia đình đổ vỡ, ly tán… Ông Nguyễn Văn Bền ngậm ngùi chia sẻ rằng, người con trai cả đi làm bánh cuốn ở Hà Nội mấy năm, khi có đồng ra, đồng vào, rủng rỉnh chi tiêu thì đua đòi, lún chân vào cờ bạc rồi nợ nần, một phần cũng bởi do phải bươn chải kiếm sống sớm mà không được học hành nên chưa biết cách quý trọng sức lực bỏ ra để kiếm được đồng tiền…Ông Hà Mạnh Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Lợi chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn người dân có thu nhập cao hơn, đời sống khấm khá hơn từ đó góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh hơn nhưng cũng phải đảm bảo an ninh trật tự, yên bình cho vùng quê. Chính quyền xã chú trọng hơn vấn đề quản lý nhân khẩu, tuyên truyền để người dân tránh xa các tệ nạn xã hội, lao động, làm việc đúng pháp luật”.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201907/lang-di-nghiep-165547