Lắng đọng giai điệu cuộc đời
Trong một lần đi tìm hiểu về căn bệnh tự kỷ ở trẻ em, tôi nghe được câu chuyện của phụ huynh ngồi kế bên về một thầy giáo tận tụy với trẻ tự kỷ như đối với con mình. Chẳng những thế, thầy còn có rất nhiều học trò đoạt giải thưởng cao về âm nhạc. Tôi nghĩ chắc đó phải là một người luống tuổi, dạn dày kinh nghiệm, tóc đã điểm bạc. Nhưng không, khi tìm đến Trung tâm nghệ thuật Bách Việt (tổ 8, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên), trước mặt tôi lại là một chàng lãng tử...
Chàng lãng tử - thầy giáo ấy là Nguyễn Việt Phương sinh năm 1986. Gương mặt sáng, sống mũi cao ẩn sau mái tóc vát lệch, và hình như có ngọn lửa nhiệt huyết ẩn sâu nơi đáy mắt là vẻ đặc biệt đầu tiên khi tôi gặp Việt Phương. Sau này khi thân thiết hơn vẻ đặc biệt này của Việt Phương được “hóa giải” khi tôi biết anh đến từ Tây Nguyên, vùng đất của những núi rừng, ngọn thác, con suối, với những con người chân chất hiền hòa nhưng luôn rực cháy bầu nhiệt huyết. Năm 2009, Phương ra Hà Nội theo học chuyên ngành Thanh Nhạc và chuyên ngành 2 là Piano tại Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau hơn 1 năm chính thức trở thành sinh viên Nhạc viện, Việt Phương trở thành ca sĩ ở Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long 6 năm (từ 2011 - 2016). Trong thời gian này, Phương đã trực tiếp cùng các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long tham gia và giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 2012, 2015 và 1 Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật các nước Đông Dương năm 2013.
Nhưng như người ta vẫn nói, cuộc đời mỗi con người sẽ luôn có những ngã rẽ bất ngờ mà chính ta cũng không định trước được. Điều này càng trở nên đúng với Việt Phương. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, khi mà mảnh đất thủ đô đang dang rộng vòng tay với vô số các cơ hội để anh phát triển sự nghiệp thì sau một vài lần đến biểu diễn ở Thái Nguyên Phương đã có một quyết định bất ngờ với tất cả người thân, bạn bè của anh: Lên Thái Nguyên lập nghiệp. Đồng nghĩa với đó là bỏ lại sau lưng rất nhiều nấc thang mà anh đã từng bước gây dựng lên, chấp nhận từ bỏ nhiều cơ hội đứng trên các sân khấu lớn không dễ gì có được để bắt đầu từ “vạch xuất phát”.
Cho đến bây giờ, Phương cũng không lý giải được tại sao mình lại chọn ngã rẽ đó, chỉ biết đó như là một cơ duyên mà anh chưa một lần hối hận. Dăm ba câu chuyện mở đầu trong khoảng thời gian ấm trà vừa kịp ngấm, vừa lúc ấy 2 phụ nữ bước vào trung tâm, 2 đứa trẻ chừng 16 - 17 tuổi chạy ùa ra “con chào mẹ; em chào thầy”. Phương ân cần nhắc: Còn ai nữa đây, hai con chào chưa?. 2 đứa trẻ nhìn tôi có chút ngại ngùng rồi bẽn lẽn: Con chào cô. Tiễn học trò và phụ huynh ra về xong, Phương giải thích: 2 cháu một lớp 10, một lớp 12. Cả 2 mắc bệnh tự kỷ. Khi đến Trung tâm xin học bệnh của cả 2 cháu khá nặng, gần như chỉ ngồi một chỗ tự cười, tự nói. Khi mở Trung tâm này, Phương cũng không nghĩ mình sẽ nhận dạy học sinh tự kỷ, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt lo lắng và gửi gắm của phụ huynh, Phương lại không nỡ từ chối. Phương cũng có niềm tin, âm nhạc sẽ giúp con người chiến thắng được nhiều loại bệnh tật. Mừng là, sau một thời gian theo học tại đây, các cháu đã biết giao tiếp thông thường và đặc biệt rất say mê học hát.
Trở lại câu chuyện sự lựa chọn của Việt Phương, làm công việc đào tạo Thanh nhạc và Piano với việc mở Trung tâm đào tạo nghệ thuật Bách Việt. Tôi hỏi Việt Phương đã có khi nào cảm thấy tiếc nuối khi lùi lại phía sau ánh hào quang của sân khấu lớn hay không? Phương cười hiền: Ánh hào quang đẹp đẽ ấy bây giờ có thể không trực tiếp chiếu vào Phương nhưng lại chiếu rọi cho những học trò của mình nên Phương không nuối tiếc. 3 học trò đầu tiên Việt Phương dìu dắt đều đã trở thành sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Em Phạm Hoàng Hải, học sinh lớp 7, hiện đang sống cùng gia đình tại phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên là một trong số những minh chứng của ánh hào quang mà Phương nói. Sau hơn 1 năm bố mẹ Hải đưa em đến Trung tâm nghệ thuật Bách Việt gửi gắm thầy Phương, năm 2019 Hoàng Hải đã “ẵm” về 2 giải quán quân trong các cuộc thi “Tìm kiếm tài năng nhí” tại tỉnh. Hải chia sẻ, em mong sẽ theo học thầy cả thanh nhạc và sáng tác.
Bước đến gần cây đàn Piano mà Phương vẫn cùng các học trò luyện thanh, luyện nhạc, tôi bị thu hút bởi bản nhạc có tên “Hát về anh người chiến sĩ công binh”, sáng tác: Việt Phương đang được kẹp trên giá. Trong lúc Phương tiếp chuyện phụ huynh học sinh, tôi thử lấy điện thoại gõ tìm kiếm tên bài hát trên Google, bản nhạc được đăng tải hơn 1 năm trước. Nghe ca từ và giai điệu bài hát, tôi đối thoại: - Đây không phải dòng nhạc mà nhiều người trẻ lựa chọn?. Phương bảo: - Các đây 2 năm, em được Lữ đoàn Công binh 575 mời dàn dựng một chương trình nghệ thuật để đơn vị tham dự Hội diễn. Suốt khoảng thời gian một tháng rưỡi ăn, ở, làm việc tại đơn vị em hiểu hơn về công việc của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Quả thực em đã rất xúc động vì nhiều sự gian lao, vất vả của các anh mà trước đó bản thân không biết. Cảm xúc tới và ca từ cứ như thế chạy trong đầu.
- Phương đã nhận phản hồi như thế nào về tác phẩm này từ những người bạn trong nghề?
- Sau khi hoàn thiện bài hát, em có gửi tác phẩm cho một số người là thầy cô giáo cũ và bạn bè của em xin ý kiến. Em rất vui khi được mọi người đánh giá tốt về ca khúc và động viên em nên phổ biến rộng rãi ca khác này. Đó cũng là điều em mong muốn, muốn nhiều người biết đến bài hát không phải để mong bản thân được nổi tiếng mà em chỉ mong sẽ có nhiều người, nhất là các bạn trẻ thấu hiểu hơn từ đó trân trọng hơn nữa những việc làm của những người lính nói chung và lính công binh nói riêng.
Tôi tin Phương nói thật. Bởi anh là người đã chọn đứng sau hào quang của học trò, lấy sự thành công của học trò làm niềm hạnh phúc cho mình. Hiện tại, ngoài việc đảm nhiệm vai trò giám đốc Trung tâm nghệ thuật Bách Việt, quản lý và điều hành hoạt động của nhiều bộ môn như: Thanh nhạc, Piano, Organ, guita, múa, dance… và trực tiếp đứng lớp dạy học. Việt Phương cho biết anh vẫn đều đặn sáng tác và thời gian tới sẽ cho ra mắt nhiều tác phẩm mới.