Làng du lịch nổi tiếng nhất Nhật Bản không có khách sạn
Chuyện nhà nhà đua làm homestay rồi ngồi than lỗ đang diễn ra ở nhiều nơi tại Việt Nam. Bài viết sau đây là một cách làm homestay hoàn toàn khác, của người Nhật, ở làng Shirakawa-go.
Chuyện nhà nhà đua làm homestay rồi ngồi than lỗ đang diễn ra ở nhiều nơi tại Việt Nam. Bài viết sau đây là một cách làm homestay hoàn toàn khác, của người Nhật, ở làng Shirakawa-go.
Chỉ xây khách sạn bên ngoài làng
Biết tôi ưa khám phá văn hóa Nhật Bản, lần đầu gặp nhau ở Tokyo, chị Morys - tiến sĩ văn học Việt Nam - bảo em phải đến Shirakawa-go nhé, ngôi làng mà người Nhật nào cũng mơ ước được tới một lần.
Lúc đó là mùa thu năm 2010 và tôi đang có 10 ngày ở Tokyo. Từ Tokyo có thể tới Shirakawa-go bằng nhiều hướng, cả tàu lẫn xe buýt.
Nhưng vấn đề với tôi lúc ấy là Shirakawa-go không có khách sạn. Tới tận năm 2018, tôi tìm mỏi mắt trên Booking hay Agoda cũng không thấy khách sạn nào ở ngôi làng nổi tiếng nhất Nhật Bản, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1995 này.
Thế du khách tới Shirakawa-go và muốn trải nghiệm (ít nhất) một đêm tại ngôi làng của những ngôi nhà truyền thống có lịch sử gần 800 năm (gọi là gassho) này thì làm thế nào?
Tôi được giới thiệu tới Japanese Guest House (Japaneseguesthouse.com), trang web tìm kiếm và đặt phòng tại các ryokan (nhà nghỉ truyền thống). Bởi Shirakawa-go chỉ có các nhà nghỉ ryokan, là một số gassho của làng được thiết kế lại nội thất dành cho khách lưu trú. Khách sạn chỉ được xây dựng bên ngoài làng.
Có khoảng chục ryokan như thế ở Shirakawa-go, lớn nhất chừng 10 phòng, tức lượng khách lưu trú qua đêm trong làng chỉ 200 là hết cỡ. Nên việc đặt được một phòng ryokan ở làng không dễ chút nào, đặc biệt là mùa tuyết.
Quy trình đặt phòng khá nhiêu khê. Đầu tiên, sau khi xem giới thiệu ngắn về các ryokan trên trang web trên, tôi chọn một cái vừa ý nhất, điền thông tin cùng những yêu cầu của mình vào mẫu thư gửi lại cho Japanese Guest House. Đợi 1-2 ngày để Japanese Guest House liên lạc với "nhà kia", rồi báo lại yêu cầu của tôi có được chấp nhận không.
May mắn, nếu thư gửi lại nói "available", tôi tiếp tục gửi xác nhận đặt phòng đó, với giá tiền đó, và lại đợi Japanese Guest House gửi lại xác nhận chính thức cùng chỉ dẫn đường đi tới ryokan mình đã/được chọn. Nếu ryokan đó báo "sorry...", thì làm lại từ đầu quy trình cho lựa chọn khác. Vì vậy, đường tới Shirakawa-go không thể vội vàng...
Khác với các kiểu đặt phòng quốc tế trên Booking, Agoda hay Airbnb, đặt phòng ryokan qua Japanese Guest House không phải "làm tin" bằng bất cứ thẻ gì hay ràng buộc bằng bất cứ loại phí nào. Tất cả trao đổi qua email, đặt chỗ bằng sự tin tưởng của 3 bên: khách hàng, trang agency và chủ ryokan.
Tôi không rõ những trường hợp khách bỏ đặt phòng ngang xương thì sao, nhưng có lẽ người Nhật không kinh doanh với sự đa nghi Tào Tháo.
Điều này không chỉ áp dụng với nhà nghỉ. Cũng trong lần tới Shirakawa-go, tôi nhờ chị Morys đặt trước vé xe buýt từ Shirakawa-go về Nagoya. Từ Tokyo, chị Morys gọi điện thoại đặt vé, sau đó nhắn tin cho tôi rằng trước giờ xuất bến 15 phút, tới quầy vé, nói tên để lấy vé và trả tiền. Mọi việc diễn ra hoàn toàn đúng như thế.
3 lần chỉ được 1
Lấy được phòng ở Shirakawa-go, nhất là trong những mùa du lịch cao điểm, thực sự là may mắn. Trong 3 lần tới ngôi làng này, tôi chỉ may mắn có 1. Lần không may đầu tiên là lần vội vã đặt phòng ngay sau khi nghe được cái tên Shirakawa-go, cận ngày quá, Japanese Guest House không giúp được gì.
Lần sau, tưởng đã dạn dày kinh nghiệm, lại thực hiện 2 tháng trước chuyến đi, thay đổi từ ngày cuối tuần sang ngày trong tuần, từ lựa chọn này sang lựa chọn khác, các thư trả lời của Japanese Guest House vẫn lặp đi lặp lại từ "sorry..." kèm giải thích, tháng 1 và 2 là cao điểm ở Shirakawa-go, các ryokan giữ phòng cho những khách đặt trước đó cả năm trời.
Đó là thời điểm thiên nhiên mang tới vẻ đẹp thiên đường cho ngôi làng miền núi cổ kính này. Độ cao cùng kiến trúc mái rơm độc đáo của các ngôi nhà gassho tuổi đời nhiều trăm năm tạo nên một Shirakawa-go cổ tích trong tuyết trắng.
Tháng 1 và tháng 2 cũng là thời điểm diễn ra lễ hội thắp đèn mùa đông (Winter Illumination hay Winter Light Up Festival), từ 5h-21h, cả ngôi làng trắng muốt lung linh trong ánh sáng vàng lộng lẫy. Một khung cảnh kỳ diệu, không ngôn từ nào có thể tả xiết...
Không may mắn book được phòng ở làng vào mùa tuyết, tôi đành chọn phương án phổ biến nhất là book khách sạn ở Takayama, một thị trấn nhỏ nhưng nổi tiếng vì là "cánh cửa mở vào xứ tuyết" của toàn bộ miền Trung nước Nhật, đi xe buýt vào Shirakawa-go.
Gìn giữ từng chút truyền thống
Đến năm 1995, khi UNESCO vinh danh Shirakawa-go và Gokayama là hai di sản văn hóa nhân loại, đám đông dường như mới biết tới Ogimachi (Shiarakawa-go), Ainokura và Suganuma (Gokayama), ba ngôi làng miền núi Nhật Bản đã "xa lánh" phần còn lại của thế giới một thời gian dài.
Hình thành từ thế kỷ 11 trong thung lũng của hai con sông Sho và Gifu, được bao bọc bởi các dãy núi cao của vùng Chubu, các ngôi nhà lớn với mái rơm dốc đứng như hai bàn tay hướng lên trời thành kính tiếp tục được lưu giữ, trùng tu và làm mới qua nhiều thế kỷ với cùng cách thức và kỹ thuật.
Mặc dù tiếp cận đời sống hiện đại, dân trong làng đi lại bằng xe hơi, cày ruộng bằng máy tự động..., làng vẫn duy trì lối sống truyền thống bao đời trong những ngôi nhà gỗ, nhà nào cũng có vườn rau và ruộng cày cấy theo mùa. Ngoại trừ một vài ngôi nhà lớn trở thành bảo tàng cho khách tham quan, các ngôi nhà gassho vẫn là nơi sinh hoạt thường ngày của dân địa phương.
Trong lần may mắn ở lại trong ryokan ở Shirakawa-go, tôi được thành... dân làng của một đêm. Mặc yukata (một loại kimono mặc trong nhà), ngủ trên chiếu tatami, ăn trong khay gỗ với những món ăn truyền thống của vùng núi Hida (tiêu chuẩn ở ryokan gồm 1 bữa tối và 1 bữa sáng), xỏ guốc gỗ đi dạo trên các con đường làng vắng vẻ quanh co, ngửi mùi thơm ngai ngái của cỏ đồng mới cắt, nghe tiếng nước chảy róc rách bờ ruộng, tiếng ễnh ương, chão chuộc kêu râm ran..., có cái gì giông giống một vùng thôn quê Việt thuần khiết ngày xưa.
Tuyệt đối không có nhà hàng, cửa hiệu nào trong làng mở cửa sau 17h. Không nhậu nhẹt, không karaoke, không cà phê cà pháo, không shopping, tức là không có tí dịch vụ gì theo kiểu "làm du lịch".
Trong lần đầu tiên ghé qua Shirakawa-go (không ngủ lại), nhóm chúng tôi đặt ăn trưa ở một nhà hàng có lẽ là lớn nhất làng. Lần đầu thưởng thức món bò Hida nướng trên bếp lửa ngon không tưởng (tương tự bò Kobe), sau khi đánh sạch trơn đĩa thịt khá khiêm tốn, chúng tôi hào hứng kêu thêm mỗi người một phần nữa. Cô gái phục vụ mỉm cười xin lỗi rằng nhà bếp chỉ làm đúng số lượng khách đặt, không thể có thêm!
Cà phê ở đây cũng rất ngộ. Trong một quán cà phê có tầm nhìn toàn cảnh đẹp nhất làng, bày la liệt sách lịch sử và nghệ thuật, có nhạc jazz cực hay, có những góc "ngồi đồng" vô đối, chúng tôi cũng chỉ có một lựa chọn thức uống kèm một giá duy nhất: cà phê đen 500 yen (khoảng 100.000 đồng).
Đưa cho ông chủ đồng 500 yen, nhận tách cà phê đen nóng, mang về chỗ ngồi, có thể đọc sách, nghe nhạc, ngắm cảnh, chụp ảnh hoặc muốn làm gì thì làm cho tới giờ quán đóng cửa (17h).
Những gì dính dáng tới con người ở Shirakawa-go đều hết sức khiêm tốn, đều tự giới hạn mình trong sự vĩ đại và hào phóng của thiên nhiên. Tôi cảm nhận được sâu sắc điều này khi đứng trên điểm ngắm toàn cảnh (viewpoint) Shirakawa-go trong cả 3 lần đặt chân tới đây, vào ba mùa khác nhau trong năm.
Gần như không xây dựng mới, không một khách sạn nào mọc lên, ngôi làng như vĩnh cửu bé nhỏ và độc đáo giữa bao la và hùng vĩ của núi Hakusan, một trong ba ngọn núi nổi tiếng nhất của Nhật Bản (Phú Sĩ, Hakusan và Tateyama)...
Hằng ngày từ thị trấn Takayama có 16 chuyến xe buýt đi/về Shirakawa-go, chuyến sớm nhất lúc 7h50 tới Shirakawa-go lúc 8h40, chuyến trở về muộn nhất khởi hành lúc 19h43, tới Takayama lúc 20h48. Vé xe buýt có thể mua tại bến trước giờ xuất phát, nhưng vào tháng 1, 2, tôi phải mua vé khứ hồi trước ngày đi.
Những chuyến buýt cuối ngày từ Shirakawa-go về lại Takayama thường hết vé rất sớm do ai cũng muốn tranh thủ thêm thời gian ở lại ngắm lễ hội thắp đèn.
Số lượng xe buýt vào làng mỗi ngày cũng giới hạn, bất kể có lễ hội hay không. Thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ trong năm còn bị cắt luôn chuyến xe buýt cuối ngày.
Có lẽ đây là cách người Nhật chủ động giới hạn số lượng du khách tới Shirakawa-go, giới hạn số lượng khách lưu trú trong làng, tránh tạo nên "cú sốc" cho một không gian sống đã bền vững trong suốt 800 năm lịch sử nhưng vô cùng mong manh trước sức tấn công của du lịch thời hiện đại.