Làng dưới chân núi Chư Pao

Núi Chư Pao (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) là địa danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau gần nửa thế kỷ hòa bình dựng xây, dưới chân núi ấy, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số đang đổi thay từng ngày.

Chúng tôi tìm về làng Pôk khi mặt trời gần đứng bóng. Bon bon trên con đường nhựa, ngang qua những vườn cà phê, bời lời sum suê, xanh tốt, những mái nhà sàn, nhà ngói khang trang, chúng tôi bỗng thấy cái nắng mùa khô Tây Nguyên bỏng rát như dịu lại trước cảnh sống no đủ, thanh bình.

Chuyện kể của người lính già

Trước khi về làng Pôk, chúng tôi đã nghe kể nhiều về ông Ksor Lúih-cựu chiến binh và cũng là nhân chứng sống của vùng đất này. Ngôi nhà cấp 4 của ông nằm giữa làng, được che mát bởi bóng của 2 cây si già. Đang cặm cụi đan chiếc rổ tre, thấy có khách, ông vội thu dọn đồ đạc. Và rồi câu chuyện về những năm tháng kháng chiến của người dân làng Pôk lần lượt hiện ra qua lời kể của người cựu chiến binh già.

Hướng mắt về phía ngọn núi Chư Pao, ông Lúih trầm ngâm: “Núi Chư Pao có nhiều hang đá lắm. Ngày trước, cả tiểu đoàn ở cũng được, bom Mỹ ném cả ngày cũng không hề hấn gì. Từ năm 1968 đến 1974, Mỹ càn quét vùng này dữ lắm! Cả làng Pôk chẳng còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Bà con phải bỏ làng trốn hết vào rừng. Ngày ở rừng, đêm về làng làm rẫy”.

Cánh đồng lúa dưới chân núi Chư Pao. Ảnh: DUY LÊ

Cánh đồng lúa dưới chân núi Chư Pao. Ảnh: DUY LÊ

Sau cuộc trò chuyện, ông lấy chiếc xe Win đưa chúng tôi thẳng về hướng núi Chư Pao. Sau 20 phút, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đứng ở chiến địa xưa, ông Lúih hồi tưởng: “Chỉ riêng năm 1973, người dân làng Pôk nói riêng, xã Ia Khươl nói chung đã đóng góp hơn 30 ngàn ngày công vận chuyển hơn 100 tấn hàng hóa, vũ khí. Bên cạnh đó, đồng bào còn tự nguyện đóng góp hơn 1.000 gùi lương thực, hàng trăm tấn thực phẩm và các vật dụng thiết yếu, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc. Dân làng Pôk một lòng một dạ theo cách mạng nên bị địch bao vây, kìm kẹp, giết hại không ít”.

17 tuổi, chàng thiếu niên Ksor Lúih viết đơn tình nguyện tham gia bộ đội rồi trở thành người lính trinh sát của Trung đoàn 95 (Sư đoàn 320) chốt giữ núi Chư Pao từ năm 1970 đến năm 1973. Những năm tháng ác liệt nhất, ông đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu hàng trăm trận lớn, nhỏ. “Năm 1972, đơn vị chặn đánh cứ điểm của địch trên đường 14 suốt 1 tháng liền khiến cho Sư đoàn 22 ngụy ở Pleiku không thể nào vượt qua để chi viện cho lực lượng của chúng ở Kon Tum. Nhưng kỷ niệm tôi nhớ nhất là trận đánh ở làng Rỏi năm 1968. Trận này tôi dùng khẩu B40 của một đồng đội hy sinh bắn cháy 1 xe tăng M41 của Mỹ”-ông Lúih nhớ lại.

Cựu binh già Ksor Lúih kể lại một thời kháng chiến. Ảnh: Đ.Y

Cựu binh già Ksor Lúih kể lại một thời kháng chiến. Ảnh: Đ.Y

Với những chiến công anh dũng, ông Ksor Lúih được Đảng, Nhà nước tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất; 2 Huân chương Giải phóng hạng nhì và ba và 1 Huân chương Chiến công. Năm 1978, ông Lúih về lại Ia Khươl làm Phó Chủ tịch UBND xã, rồi Trưởng Công an xã. Quãng thời gian ấy, ông tiếp tục có thêm những ngày băng rừng vượt dốc truy quét FULRO để giữ bình yên cho thôn làng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy xã trước khi về hưu năm 2006.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông Lúih lại tập trung lao động sản xuất. Hiện gia đình ông có 2 ha cà phê, 3 ha bời lời, 1 ha lúa nước và 30 con bò. Dù ở cương vị nào, người cựu chiến binh ấy luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Gần như việc lớn nhỏ gì trong làng, bà con cũng nhờ ông tham gia ý kiến.

Phát huy truyền thống cách mạng

45 năm sau ngày đất nước thống nhất, dưới chân núi Chư Pao, cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã không ngừng đổi thay. Ngày càng có nhiều ngôi nhà sàn kiên cố mọc lên nổi bật giữa màu xanh của bời lời, cà phê, cao su, lúa. Nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Rơ Châm Chuih luôn dẫn đầu kinh tế giỏi làng Pôk. Ảnh: Đ.Y

Ông Rơ Châm Chuih luôn dẫn đầu kinh tế giỏi làng Pôk. Ảnh: Đ.Y

Dẫn chúng tôi đến nhà ông Rơ Châm Chuih, ông Lúih khoe đây là hộ có kinh tế khá giả nhất làng. Ông Chuih từng tham gia du kích địa phương. Chứng kiến cảnh người dân trong làng bị địch áp bức, phải sống cảnh đói nghèo, ông Chuih luôn trân trọng giá trị của hòa bình và nhắc nhở con cháu chịu khó làm ăn, xây dựng quê hương. Bản thân ông gương mẫu đi đầu trong các phong trào, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, hiệu quả, tăng thu nhập, tích lũy và làm giàu. Từ bỏ cây lúa rẫy, ông Chuih chuyển sang trồng bời lời, cà phê, chăn nuôi bò. Năm 2010, gia đình ông đã xây được ngôi nhà sàn kiên cố trị giá hơn 300 triệu đồng. Thấy người dân trong vùng có nhu cầu vận chuyển cao vào mỗi mùa thu hoạch nông sản, ông tích góp, vay thêm vốn mua chiếc xe tải hơn 200 triệu đồng làm dịch vụ. Sau đó, ông còn đầu tư gần 300 triệu đồng mua thêm máy múc để chủ động sản xuất và nhận múc đất thuê. Hiện gia đình ông Chuih có 10 ha bời lời, 4 ha cà phê, 2 ha cao su cùng 5 sào lúa. Ông Chuih tâm sự: “Bây giờ hầu như gia đình nào cũng đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Nhiều nhà kinh tế khá giả mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy, xe công nông, máy cày, bừa… Mình luôn bảo ban con cháu phải chăm chỉ, chịu khó học hành, công tác để xứng đáng với truyền thống cách mạng của người dân làng Pôk”.

Tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở ngôi làng cách mạng, anh Đinh Văn Nhiên-Bí thư chi bộ làng Pôk-trải lòng: “Tôi tự nhủ với bản thân rằng phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha ông đi trước, cố gắng công tác tốt để góp phần xây dựng quê hương”. Với suy nghĩ đó, anh Nhiên không chỉ làm tốt vai trò của một Bí thư chi bộ mà còn là hộ có kinh tế khá giả. Gia đình anh hiện có gần 2 ha cà phê, 3 ha bời lời, 20 con bò, 1 máy múc, 1 máy cày, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhiều cán bộ chủ chốt của xã Ia Khươl hiện nay đều trưởng thành từ làng Pôk, trong đó có Bí thư Đảng ủy xã Rơ Châm Hluih. “Là người con của ngôi làng có truyền thống cách mạng, chúng tôi luôn tự hào về điều đó. Nhưng càng tự hào hơn trước sự phát triển của làng hiện nay. Làng có 150 hộ thì hơn 50% có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bà con trong làng ai cũng chăm chỉ làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự”-ông Hluih chia sẻ.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202004/lang-duoi-chan-nui-chu-pao-5679349/