Lạng Giang: Tăng cường giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng; phòng chống bạo lực học đường
Sáng 11-9, Huyện ủy Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Hội thảo chuyên đề 'Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và phòng, chống bạo lực học đường trong các trường học trên địa bàn huyện'.
Đề dẫn tại hội thảo khẳng định: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong những năm qua, Huyện ủy Lạng Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng bộ huyện nói chung.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành như: Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
100% cán bộ, giáo viên đều tham gia viết thu hoạch sau mỗi đợt học tập nghị quyết. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai nghiêm túc gắn với các phong trào thi đua của ngành, đạo đức công vụ của nhà giáo.
Tiêu biểu là các phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Từ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Đến nay, toàn huyện có 66/72 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 91,7%.
Tại hội thảo nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị tư tưởng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Đó là, tính đấu tranh tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên chưa cao. Một số giáo viên trẻ có biểu hiện ngại phấn đấu vào Đảng. Vẫn còn giáo viên vi phạm tư cách, đạo đức nhà giáo xảy ra ở các cấp học, thậm chí có giáo viên vi phạm pháp luật, bị đưa ra khỏi ngành.
Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực học đường chưa được quan tâm sát sao, dẫn đến để xảy ra một số vụ việc vi phạm.
Các ý kiến đề xuất một số giải pháp như: Phát huy tinh thần tự giác, nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Chú trọng tạo điều kiện để giáo viên trẻ phát huy năng lực chuyên môn, khả năng công tác qua đó lựa chọn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho chi bộ xem xét kết nạp Đảng.
Đối với phòng chống bạo lực học đường, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của nhà trường, mỗi gia đình phải sát sao, quan tâm thường xuyên đến con em mình.
Thực tế có nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến kết quả học tập của con mà ít chú ý đến việc giáo dục kỹ năng, cách ứng xử giao tiếp ngoài xã hội.
Kết luận, đồng chí Ngô Thanh Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh thời gian tới cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo về chính trị của tổ chức Đảng trong các nhà trường.
Cấp ủy chi bộ, trước hết là đồng chí bí thư và hiệu trưởng phải tích cực nắm bắt, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề về tư tưởng, gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng với các nhiệm vụ năm học.
Thực hiện tốt sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể với nhà trường.
Tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong môi trường học đường trên cơ sở xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục.
Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó lựa chọn nội dung phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học trò. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm bạo lực học đường.
Vân Anh